Xã hội

Trang trọng lễ giỗ lần thứ 84 của Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Công Kiên 31/10/2024 13:05

Sáng 31/10 (tức ngày 29/9 Âm lịch), tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức dâng hoa, dâng hương nhân lễ giỗ lần thứ 84 của Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phan Đại Nghĩa – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Nam Đàn, Hội đồng gia tộc họ Phan, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

bna_1(1).jpg
Khuôn viên Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại làng Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn) trong một gia đình hàn nho yêu nước.

bna_4.jpg
Bàn thờ Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội nhằm tập hợp các lực lượng đấu tranh bằng vũ trang cách mạng và nhờ viện trợ bên ngoài.

Trong các phong trào ấy, nổi bật nhất là phong trào Đông Du với tinh thần “đồng châu, đồng chủng, đồng văn” đã tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX.

Đoàn đại biểu cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Nam Đàn tưởng niệm Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên
Đoàn đại biểu cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Nam Đàn tưởng niệm Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Phong trào nhận được sự ủng hộ của một số nhà chính trị Nhật Bản, nhưng hơn cả là sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Asaba. Từ 1905 -1908, đã có hơn 200 du học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật Bản học tập, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, đồng thời là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Cho đến ngày nay, phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Giữa năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của Nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, cụ được đưa về an trí tại Huế. Sáng 29/10/1940, tức ngày 29/9 năm Canh Thìn, cụ Phan Bội Châu trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự.

bna_3.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dâng hương tưởng niệm chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Không chỉ là chí sĩ yêu nước, cụ Phan Bội Châu còn là nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Cụ đã để lại cho đời di sản thơ ca khổng lồ với hàng nghìn trước tác. Những dòng thơ chan chứa, được viết từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả khối óc, trái tim đã làm lay động lòng người, thôi thúc, cổ vũ muôn triệu đồng bào xả thân vì nghĩa lớn, đánh đuổi giặc Pháp, cứu lấy giang sơn: “Nghìn muôn ức triệu người chung góp/Gây dựng nên cơ nghiệp nước nhà/Người dân ta của dân ta/Dân là dân nước nước là nước dân”.

Những di sản thơ ca này góp phần tô thắm thêm vườn hoa văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đấu tranh cách mạng bền bỉ trong mọi tầng lớp nhân dân.

bna_5.jpg
Di tích ngôi nhà tranh trong khuôn viên Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Cả cuộc đời cụ Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX, là tấm gương yêu nước sáng ngời, tấm lòng thủy chung, son sắt với đất nước, non sông, đúng như lời khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Cụ là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, tưởng nhớ, tri ân đến cụ Phan Bội Châu, đoàn đại biểu dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn và rất đỗi tự hào đối với bậc tiền bối cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Mới nhất

x
Trang trọng lễ giỗ lần thứ 84 của Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO