Cậu bé 'hạt tiêu' và hành trình chinh phục nhiều môn thể thao
(Baonghean.vn) - Chắc chắn sẽ rất nhiều người bất ngờ trước bảng thành tích ấn tượng của Phạm Thạch Tùng. Thú vị hơn cả những thành tích chính là câu chuyện phía sau những tấm huy chương.
Cậu bé "hạt tiêu"
Tôi gặp Phạm Thạch Tùng - hay còn có tên gọi thân mật khác là Sóc Kevin (sinh năm 2007) lần đầu tiên khi cậu bé chưa đến 10 tuổi. Thời điểm đó, cậu bé là 1 trong những thành viên nhỏ nhất của một trung tâm dạy nhảy Hip-hop, cũng là một trong những thí sinh top đầu của cuộc thi nhảy “Người hùng tí hon” - một chương trình truyền hình nổi tiếng trên sóng HTV thời điểm 2015 - 2016. Ở thời điểm đó, cậu bé Nghệ An với vóc dáng nhỏ nhắn được ban giám khảo là những dancer hàng đầu Việt Nam đánh giá là một thí sinh triển vọng, có năng khiếu và hoàn toàn có thể thành công trên con đường dancer chuyên nghiệp. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau khi chinh phục được giải Nhì của cuộc thi này, người ta không thấy cậu bé Sóc tham gia các lớp nhảy nữa, thầy cô và các bạn ai cũng tiếc. Lúc này, theo gợi ý của bố mẹ, Sóc dành phần lớn thời gian và đam mê cho một bộ môn thể thao khác: Bóng bàn.
Tùng tham gia các lớp năng khiếu từ khi rất nhỏ và được thầy cô đánh giá là có năng khiếu về vũ đạo. Ảnh: NVCC |
Nhớ lại giai đoạn “chuyển giao” đặc biệt, Thạch Tùng thổ lộ: “Lúc đó em cũng cảm thấy hơi tiếc khi từ bỏ một môn học mà mình rất yêu thích và đã gặt hái được thành tích nhất định. Tuy nhiên, khi sang với bóng bàn, em nhận ra bộ môn này cũng rất thú vị và tập trung đặt mục tiêu chinh phục nó”. Giống như Hip-hop, Sóc lại là một trong những thành viên nhỏ tuổi và nhỏ nhắn nhất của Câu lạc bộ bóng bàn Thành Vinh Anh Em (TP. Vinh). Chỉ sau một thời gian ngắn tập luyện, Tùng được các thầy đánh giá là phản xạ nhanh, kỹ năng phản đòn tốt và tư duy bóng thông minh. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, Tùng tiếp tục được tham gia Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh, các giải đấu giao lưu, mở rộng và gặt hái được nhiều thành tích đáng kể.
Không chỉ với Hip-hop và bóng bàn, chắc chắn sẽ rất nhiều người bất ngờ khi nhìn vào bảng thành tích đồ sộ của cậu bé nhỏ con này. Thạch Tùng còn giành giải Nhất và Nhì môn bơi lội cấp tỉnh, từng được đặc cách tham gia thi đấu võ thuật khi chỉ mới học võ được một thời gian ngắn (những sau đó giải bị hoãn tổ chức vì Covid-19). Thậm chí, ở lĩnh vực âm nhạc, Tùng cũng gây ấn tượng với thầy cô với khả năng cảm thụ và kỹ thuật chơi guitar vượt trội. Trước thành tích ấn tượng đó, Tùng luôn khiêm tốn cho rằng còn rất nhiều bạn giỏi hơn mình và ai cũng có thể làm được như mình.
Hỏi Tùng bí quyết, cậu bé bẽn lẽn: “Tất cả các môn học đều trải qua phần nhàm chán ban đầu với những bài tập phản xạ, những kỹ thuật cơ bản rồi mới đến phần hấp dẫn là thi đấu, giao lưu. Em cho rằng, dù ở bất cứ môn học nào, nếu mình có sự yêu thích nhất định, kiên trì theo đuổi nó với một thái độ nghiêm túc thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt”.
Bố mẹ Thạch Tùng luôn tạo điều kiện tốt nhất để chị em Tùng có thời gian tham gia các lớp kỹ năng, năng khiếu. Ảnh: NVCC. |
Nói là vậy nhưng không phải ai cũng làm được với bí quyết tưởng chừng đơn giản ấy. Kết quả Tùng có được hôm nay không chỉ là “trái ngọt” từ quá trình rèn luyện của bản thân Tùng mà còn là “trái ngọt” của bố mẹ Tùng - những phụ huynh không muốn con đặt nặng thành tích học tập.
Anh Phạm Hữu Phương - bố của Tùng chia sẻ: “Để được đồng hành với con, định hướng con, bản thân vợ chồng tôi cũng phải chấp nhận những đánh đổi. Để con có được một phiên bản vui vẻ, hiểu chuyện, bản lĩnh, hoà đồng, có tinh thần cầu tiến, tự tin trước đám đông, những đánh đổi đó là hoàn toàn xứng đáng”.
Những đánh đổi xứng đáng
Năm 2014, khi Sóc tròn 7 tuổi, bố của Sóc - anh Phương đã có một quyết định lớn trong đời. Công ty anh làm chuyển đổi mô hình hoạt động và yêu cầu nhân viên phải làm việc theo ca, nghĩa là sẽ có những ngày anh phải trực đêm, không về nhà. Cảm thấy mình không phù hợp với sự thay đổi này, anh Phương nghỉ việc và tự mình xây dựng một sự nghiệp riêng, không lớn, nhưng đổi lại, anh chủ động về mọi việc và có thể dành thời gian cho gia đình. Vợ chồng anh xác định, sự nghiệp lớn nhất của mình chính là đồng hành cùng các con, nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc với nhiều kỹ năng sống.
“Ngay từ đầu, quan điểm nuôi dạy con của vợ chồng tôi là không muốn con đặt nặng thành tích, dù là trong học tập hay thể thao. Thay vì đặt kỳ vọng lên con và muốn con giỏi, chúng tôi vui vẻ chấp nhận khả năng của con và cho con rèn luyện sức khoẻ, trải nghiệm nhiều nhất có thể. Đi thi đấu chỉ là một cách con rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh, có giải thì tốt, không có giải cũng không sao. Điều quan trọng là con tìm thấy niềm vui trên quá trình đó, biết cách thể hiện bản thân, học hỏi được những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này và có thêm những người bạn tốt” - anh Phương chia sẻ.
Dù vóc dáng nhỏ con nhất nhưng Thạch Tùng vẫn đạt giải cao trong một cuộc thi bơi lội cấp tỉnh. Ảnh: NVCC. |
Với quan điểm này, trong khi bạn bè vùi đầu ôn thi cho các môn văn hoá, chị em Tùng lại bận rộn với những tiết học mà theo em là “học mà vui như chơi”. Nói thì nhẹ nhàng vậy nhưng có những thời điểm để theo được những buổi “học mà vui như chơi” này, bản thân Tùng cũng như bố mẹ phải rất nỗ lực. Anh Phương đăng ký cho Tùng và chị gái tham gia bất cứ khoá học nào mà các con thích, đưa đón các con hàng ngày, động viên, dõi theo từng tiến bộ nhỏ của con. Vì con, anh sẵn sàng lội mưa, đội nắng, chở đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố để học, sẵn sàng đứng đợi con học xong hàng tiếng đồng hồ để đưa về…
Nhớ lại giai đoạn Tùng còn nhỏ, không thể tự đi một mình, anh kể: “Có thời điểm Tùng học đến 4 môn trong 1 ngày, bao gồm bơi lội, đàn guitar, nhảy và võ. Sóc nói với tôi: Bố ơi, con thấy mệt quá, con có thể bỏ 1 môn nào không? Nghe xong câu nói của con, tôi vừa thấy thương vừa thấy buồn vì mình đã vô tâm quá, không nhận ra điều này sớm hơn. Tuy nhiên, khi bảo con hãy bỏ đi những môn con không thích thì cháu lại quyết định không bỏ môn nào cả. Sau chuyện này, tôi ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của con hơn và luôn tôn trọng những lựa chọn của con”.
Sự đồng cảm, tôn trọng của bố mẹ cũng chính là một phần lý do làm nên sự sâu sắc, trưởng thành của Tùng trong suy nghĩ. Khi được hỏi trong tất cả những giải thưởng của mình, giải thưởng nào Tùng trân trọng nhất, cậu bé trả lời ngay: Giải trong cuộc thi “Người hùng tí hon”. “Đó không phải là thành tích cao nhất trong môn nhảy, cũng không phải là giải thưởng có giá trị lớn nhất. Đó là giải thưởng mà để có được, 2 bố con phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn nhất. Ở cuộc thi này, em và bố đã có gần 3 tháng thi đấu và tập luyện ở Sài Gòn trong điều kiện không có phương tiện đi lại, không hợp những món ăn với khẩu vị ngọt của miền Nam, đuối sức vô cùng” - Tùng nói.
Thạch Tùng giành giải cao trong một cuộc thi bóng bàn. Ảnh: NVCC. |
Sự đồng hành của vợ chồng anh Phương cũng chính là nền tảng cho những thành tích thể thao của cô con gái lớn - Phạm Châu Nguyên. Châu Nguyên từng đạt giải cao trong Hội khoẻ Phù Đổng ở bộ môn aerobic, cũng là sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật ở bộ môn đàn tranh ngay từ khi còn học phổ thông.
Có thể, những thành tích của chị em Tùng có được không phải là những thành tích cao nhất, câu chuyện của gia đình Tùng cũng không phải là câu chuyện tiêu biểu nhất. Nhưng đó là một ví dụ đầy thuyết phục về hành trình nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, hiểu rõ bản thân và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hơn mỗi ngày.