Trình tự thực hiện hồ sơ chi trả dịch vụ môi trường rừng
(Baonghean) - Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 11/5/2016, Sở NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn số 1087 về trình tự thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đô Lương sản xuất giống keo phục vụ trồng rừng Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Hướng dẫn gồm 6 phần: 1. Quy định chung; 2. Nguyên tắc, phương pháp, nội dung, trình tự, thực hiện rà soát ranh giới, diện tích rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR; 3. Trình tự lập phương án quản lý bảo vệ rừng cấp huyện, phương án sử dụng nguồn kinh phí và phương án; 4. Trình tự lập hồ sơ giao khoán, thiết kế kỹ thuật bảo vệ rừng phục vụ chi trả DVMTR giai đoạn 2016 - 2020; 5. Trình tự thủ tục thanh quyết toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; 6. Tổ chức thực hiện.
Theo đó, trình tự, thực hiện hồ sơ chi trả DVMTR như sau:
a) Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức không phải là chủ rừng nhưng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Bước 1. Lập thẩm định, phê duyệt các loại hồ sơ liên quan: Trên cơ sở Quyết định phê duyệt ranh giới lưu vực, diện tích rừng trong lưu vực, hạt kiểm lâm cấp huyện (đại diện các tổ chức chi trả cấp huyện) phối hợp với UBND cấp xã và đơn vị liên quan tiến hành lập phương án quản lý bảo vệ rừng theo các nội dung quy định. Trên cơ sở phương án quản lý bảo vệ rừng được duyệt, hạt kiểm lâm cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã và các đơn vị liên quan tiến hành lập hồ sơ giao, khoán; thiết kế kỹ thuật theo các trình tự quy định.
Bước 2. Tổ chức thực hiện:
- Trước ngày 15/7 hàng năm, tổ chức chi trả cấp huyện lập và tổng hợp kế hoạch, dự toán chi trả DVMTR toàn huyện cho đối tượng chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và diện tích rừng do UBND xã quản lý gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Kế hoạch chi trả DVMTR kèm theo: Biểu xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR, báo cáo thuyết minh kế hoạch chi trả, dự toán chi phí quản lý;
- Thống kê danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trình UBND cấp huyện phê duyệt sau khi có xác nhận của UBND cấp xã. Danh sách này được phê duyệt cùng thời điểm với việc phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật bảo vệ rừng, hàng năm tổ chức chi trả cấp huyện rà soát tham mưu điều chỉnh nếu có thay đổi chủ rừng hoặc biến động về rừng.
- Trước ngày 31/12, tổng hợp kết quả bảo vệ rừng cung ứng DVMTR toàn huyện (trên cơ sở báo cáo của UBND các xã gửi về) và hoàn thành việc xác nhận, lập biểu tổng hợp kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng chi trả DVMTR kèm theo báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh làm cơ sở thanh toán ủy thác tiền chi trả DVMTR của năm kế hoạch.
- Trong trường hợp có kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và trong trường hợp cần thiết khác tổ chức chi trả cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra nghiệm thu. Thời gian gửi báo cáo kết quả về Quỹ BVPTR cấp tỉnh trước 15/1 năm sau làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR.
- Phối hợp UBND cấp xã chỉ đạo trưởng thôn công khai bảng tổng hợp danh sách và diện tích rừng chi trả DVMTR của các chủ rừng tại cộng đồng thôn hoặc nơi công cộng thuận lợi nhất để người dân tiện theo dõi trước khi tiến hành chi trả...
b) Đối với chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; lâm trường quốc doanh/Công ty lâm nghiệp; các đơn vị lực lượng vũ trang; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp nước ngoài và chủ rừng khác
Bước 1. Lập, thẩm định, phê duyệt các loại hồ sơ liên quan: Trên cơ sở quyết định phê duyệt ranh giới lưu vực, diện tích rừng trong lưu vực, chủ rừng lập phương án quản lý bảo vệ rừng theo các nội dung quy định. Trên cơ sở phương án quản lý bảo vệ rừng được phê duyệt, chủ rừng tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật bảo vệ rừng theo các trình tự quy định.
Bước 2. Tổ chức thực hiện: Công tác lập kế hoạch và hồ sơ chi trả tiền DVMTR: Trước ngày 15/7 hàng năm, chủ rừng lập kế hoạch chi trả DVMTR và gửi Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh cùng các hồ sơ theo quy định cụ thể như sau:
Kế hoạch chi trả DVMTR gồm: Báo cáo thuyết minh kế hoạch chi trả; biểu thống kê danh sách hộ nhận khoán, diện tích rừng cung ứng DVMTR; dự toán chi phí quản lý.
Ký cam kết quản lý bảo vệ rừng cung ứng DVMTR hoặc rà soát bổ sung cam kết bảo vệ rừng hàng năm (nếu có) với Sở NN&PTNT.
Ký hợp đồng khoán hoặc rà soát, bổ sung phụ lục hợp đồng (nếu có) khoán bảo vệ rừng(nếu ký hợp đồng nhiều năm) với các bên nhận khoán, hợp đồng phải có xác nhận của UBND cấp xã. Kèm theo hợp đồng gồm: Đơn xin nhận khoán, biên bản bàn giao hiện trường và bản đồ khu rừng nhận khoán bảo vệ rừng.
Bản đồ diện tích rừng cung ứng DVMTR lập kèm theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật BVR được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chủ rừng thực hiện nghiệm thu đối với bên nhận khoán theo trình tự quy định, gửi Sở NN&PTNT (trực tiếp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh) trước ngày 31/12 năm kế hoạch.
- Sở NN&PTNT thành lập đoàn và tổ chức nghiệm thu cấp quản lý theo quy định hiện hành. Đoàn nghiệm thu tiến hành nghiệm thu theo nội dung quy định, tổng hợp kết quả nghiệp thu và thông báo kết quả nghiệm thu cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, đồng thời báo cáo Sở NN&PTNT trước ngày 15/3 năm sau của năm kế hoạch làm cơ sở thanh quyết toán ủy thác tiền chi trả DVMTR của năm kế hoạch cho chủ rừng.
Mọi thông tin về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bạn đọc truy cập tại đây!
Hải Yến (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|