Trước bão số 7 đổ bộ: Nghệ An đã có 1.031 hồ đầy nước

Trân Châu - Quang An 08/10/2021 18:22

(Baonghean.vn) - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về bão số 7 để triển khai các biện pháp phòng tránh kịp thời.

Chiều 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7. Tham dự cuộc họp có ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, lãnh đạo các bộ, ngành cùng lãnh đạo 9 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Tại điểm cầu Nghệ An đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo, từ ngày 9 - 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. Từ chiều 9/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Trên địa bàn Nghệ An, trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 10 - 12/10, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7 và xảy ra 1 đợt mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa ở các huyện đồng bằng ven biển và trung du có khả năng đạt 200-400mm; Các huyện miền núi có khả năng đạt 100- 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trước tình hình đó, Nghệ An đã gấp rút triển khai công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 7. Đối với tình hình tàu, thuyền, đến 13 giờ ngày 8/10/2021, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh là 3.438 với 17.190 lao động, trong đó, số phương tiện đang neo đậu tại bến: 3.241, số phương tiện đang hoạt động trên biển là 197, không có phương tiện trong khu vực nguy hiểm.

Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Toàn tỉnh hiện có 18.009 ha nuôi trồng thủy sản, hiện tất cả các chủ hộ nuôi trồng thủy sản đã biết thông tin về bão số 7 và đã chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổng diện tích lúa toàn tỉnh 88.270 ha, trong đó, đã thu hoạch khoảng 75.600 ha, còn 12.669 ha lúa mùa chưa thu hoạch, đang khẩn trương thu hoạch theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.

Toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ; hiện nay đã có 1.031 hồ đầy nước, 26 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 3 hồ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế; 1 hồ đập còn lại nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế. Các công trình hồ, đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt...

Tàu thuyền Nghệ An trở về neo đậu tránh bão. Ảnh tư liệu P.V
Tàu, thuyền Nghệ An trở về neo đậu tránh bão. Ảnh tư liệu P.V

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị đối phó với bão số 7 của các bộ, ngành, địa phương trên cả 3 tuyến: tuyến biển, đồng bằng và miền núi. Đồng thời nhấn mạnh, bão số 7 là cơn bão mạnh, có cường độ, tốc độ, hướng đi diễn biến phức tạp, do đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ với các nhiệm vụ trọng tâm: Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; Tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu, thuyền trong khu vực nguy hiểm.

Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du; Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy. Đặc biệt, phải tạm dừng các công trình đang thi công tại khu vực miền núi, đề phòng sạt lở đất khi lũ lớn gây thiệt hại. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19; Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu...

Mới nhất

x
Trước bão số 7 đổ bộ: Nghệ An đã có 1.031 hồ đầy nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO