Truyện ngắn: Dì Lương

Vân Quỳnh 02/12/2022 10:14

(Baonghean.vn) - Một ngày, khi tôi vừa tan học, bước ra khỏi cổng trường, tôi thấy dì Lương đang mua đống vỏ hộp ở quán tạp hóa ngay sát đó. Bỗng trong tôi dâng lên cảm giác xấu hổ với bạn bè. Khi dì gọi với theo, tôi quay mặt lại và nhìn dì bằng ánh mắt lạnh băng...

Minh họa: Hữu Tuấn

Dì Lương không phải là một người đàn bà hiền lành. Trong xóm ai cũng có vẻ muốn tránh xa dì, mặc dù dì sẽ không động đến ai nếu họ không gây gổ trước. Nhưng nếu chỉ cần ai đó nhận nhầm phần quà Trung thu xóm phát cho dì, hay không may đá trái bóng vào làm con mèo trong nhà hoảng sợ thôi là kẻ đó xem chừng phải chạy xa. Dì Lương sẽ chửi mắng té tát, đến mức đối phương phải tự cảm thấy xấu hổ.

Chính tôi cũng không hợp với dì, mặc dù tôi luôn biết rằng trên đời này nếu không có dì tôi sẽ chẳng có nổi cuộc sống như bây giờ. Tôi chỉ là đứa trẻ mồ côi, từ khi mới ba tuổi đã phải sống cậy nhờ vào người em gái của mẹ. Các bác tôi, tức anh trai mẹ và anh trai bố, đều bận công việc và nhà quá đông con nên mọi người thống nhất để dì Lương nuôi tôi bởi dì độc thân. Mỗi tháng họ đều góp tiền cho dì. Chẳng quá nhiều nhưng số tiền đó cũng đủ để dì không phải lo lắng chuyện ăn học của tôi. Tuy nhiên, dì Lương là người rất tiết kiệm. Dì chỉ chi đủ cho bữa ăn với quan niệm ăn cho no mà không cần ăn cho ngon. Vậy nên rất ít khi tôi được một bữa ngon miệng.

- Tiền tao và bác Long góp cho dì ấy lẽ ra cũng đủ để hai dì cháu mày thoải mái mà sống chứ. Hay là dì ấy giấu tiền đi đâu? Sướng không biết đường sướng, cứ tự tìm đến đường khổ sở! - Bác Hùng có lần nói với tôi.

Tôi, đứa con gái đang tuổi ăn tuổi ngủ, nhiều khi ấm ức vì tính tiết kiệm của dì. Cũng đến tuổi nổi loạn, tôi thường xuyên cảm thấy không hài lòng với mọi thứ xung quanh, nhất là tính khí đanh đá ghê gớm của dì. Nhưng thực lòng mà nói, với người ngoài thì vậy chứ với tôi lúc nào dì Lương cũng nhẹ nhàng ân cần lắm.

- Con ăn hết đi, dì nay không muốn ăn. Thức ăn đừng đổ thừa, phí của lắm. Ngày mẹ con còn sống bà ấy thường gom đồ ăn thừa đổ vào máng lợn nhà hàng xóm, nhưng giờ dì không làm thế đâu, dì không ưa nhà ấy.

Tôi thì chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện hàng xóm láng giềng. Với tôi, dì Lương thật nhiều chuyện. Chính tôi cũng nhận thấy khoảng cách giữa dì với mình ngày càng lớn khi dần dần những cuộc trò chuyện trở nên thưa thớt hơn. Hàng ngày, dì đi thu mua đồng nát, chỉ tối về hai dì cháu nói với nhau những chuyện cần phải trao đổi, rồi mỗi người một phòng, việc ai người ấy làm.

Một ngày, khi tôi vừa tan học, bước ra khỏi cổng trường, tôi thấy dì Lương đang mua đống vỏ hộp ở quán tạp hóa ngay sát đó. Bỗng trong tôi dâng lên cảm giác xấu hổ với bạn bè. Khi dì gọi với theo, tôi quay mặt lại và nhìn dì bằng ánh mắt lạnh băng. Đứa bạn đi cùng bảo:

- Dì cậu gọi kìa!

Đồng thời lúc ấy tôi thấy dì thật thảm hại trong chiếc áo rách màu bộ đội. Tôi nói lí nhí trong cổ họng cái câu mà chắc chỉ mình tôi nghe thấy:

- Con về trước đây!

Rồi tôi quay gót bước vội về nhà. Nhưng tôi kịp nhìn thấy ánh mắt dì buồn hoang hoải như một làn khói bay lên từ mặt hồ sớm mùa thu se lạnh.

Từ bữa đó dì biết ý, không mua đồng nát ở khu vực gần trường tôi nữa. Nhưng bản tính ghê gớm thì vẫn còn nguyên. Có lần hàng xóm sang báo cho tôi biết dì đang cãi vã với mấy bà cùng đi mua bán đồng nát, chắc tranh giành nhau gì đó. Tôi chạy vội đến nơi xảy ra sự việc thì mọi thứ dường như đã được giải quyết xong. Chỉ thấy dì Lương thất thểu dong chiếc xe đạp đã tuột xích bên lề đường, chân đi khập khiễng. Tôi lắc đầu ái ngại và chán nản:

- Dì ơi, mai dì đừng đi gom đồng nát nữa. Tiền bác Long với bác Hùng cho đủ để hai dì cháu dùng mà.

Dì Lương chẳng nói gì, mặt cau lại vì đau.

Nhiều lần bạn bè hỏi về dì nhưng tôi đều tránh trả lời. Ngay cả Hân, đứa bạn thân nhất, cũng không biết dì làm nghề gì. Có lần không thể trốn tránh câu trả hỏi của nó, tôi đành nói dối:

- Dì bán hàng ở trên thị trấn. Nhưng mà dạo này công việc cũng không suôn sẻ lắm, chắc dì ấy sắp nghỉ rồi. Nghe đâu tiền dì dành dụm được cũng kha khá.

Đến một ngày, dì Lương ở đâu hớt hải chạy về nhà, lấy điện thoại gọi tứ tung các nơi. Tôi nghe loáng thoáng thấy dì nói bị lừa tiền. Sau hàng chục cuộc gọi, dì ngồi thừ ra, nét mặt hốc hác, hai dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hỏi thì được dì trả lời:

- Mất hết rồi con ơi. Bao nhiêu tiền dì dành dụm bấy lâu nay cho dì cháu mình giờ bị chúng nó lừa hết rồi. Sao mà dì ngu quá, đi tin chúng nó không biết…

Hóa ra dì Lương nghe lời dụ dỗ của người quen, mang hết tiền đi đầu tư vào một mảnh đất trên thị trấn. Giờ thì phát hiện ra bị lừa.

Sau bữa đó, dì vắng mặt nhiều hơn. Dì chỉ nói với tôi rằng dì đi thu mua đồng nát ở những xã bên cạnh, đến cuối ngày mới vòng về nhà được. Nhưng có lần bà hàng xóm cho tôi biết dì vào thị trấn rửa bát đĩa thuê, rồi còn làm bốc vác nữa. Có người còn nhìn thấy dì gặt lúa thuê cho người xã bên. Trông dì Lương gầy và già đi nhanh chóng.

Hai năm sau, tôi tốt nghiệp cấp ba. Vừa thi xong đại học, vui mừng vì cả nhóm bạn chơi thân cùng đỗ vào những trường mong ước, thì chúng tôi nhận tin Hân bị bệnh tim cần mổ gấp. Gia đình Hân không có điều kiện, nên số tiền 160 triệu là quá lớn. Khi biết tôi đang buồn vì chuyện này, dì Lương bỗng nói:

- Con nói với Hân và bố mẹ Hân đi, dì có hơn một trăm triệu, dì có thể cho gia đình vay.

Tôi tròn mắt kinh ngạc. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi muốn ôm dì Lương thật chặt.

Hôm đó, dì Lương vừa đi làm về, mồ hôi còn túa ra đầy trán, tôi hối hả nói:

- Dì ơi, bố mẹ bạn Hân sắp đến nhà mình để nói chuyện với dì. Chắc đến luôn giờ đấy dì ạ.

- Thế để dì đi thay cái áo đã, ai lại gặp người ta trong bộ dạng này - Dì Lương nhìn xuống chiếc áo bạc màu đẫm mồ hôi của mình.

Tôi níu vào tay áo, giữ dì lại. Dì Lương mở to mắt nhìn tôi.

- Dì ngồi nghỉ đi, ngồi trước quạt cho mát.

Rồi thấy dì có vẻ như vẫn còn ngạc nhiên, tôi nói thêm:

- Dì mặc thế được rồi, không cần thay áo đâu.

Dì Lương mỉm cười gượng gạo. Lâu lắm rồi tôi không thấy dì cười như vậy. Lần đầu tiên tôi thấy dì ngồi thật hiền lành trên ghế, mắt vương buồn như sương thu lan trên mặt hồ, nhưng cũng từ đó ánh lên một niềm vui nhẹ nhàng và êm dịu lắm.

Mới nhất
x
Truyện ngắn: Dì Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO