Từ gạo chống đói đến đặc sản ‘cung không đủ cầu’ tại Nghệ An
Nếu như hơn 1 thập kỷ trước, giống gạo Japonica xuất xứ từ Nhật Bản được mang lên vùng đất Quế Phong với mục đích đảm bảo lương thực cho bà con vùng biên, thì nay, giống gạo này đã dần trở thành hàng hóa có giá trị cao, giúp người dân vùng biên có thu nhập khá với đầu ra ổn định.
Vươn mình trên vùng đất khó
Băng qua dốc Chuối gập ghềnh, uốn lượn, chúng tôi về với xã vùng biên Tri Lễ, huyện Quế Phong trong tiết trời lạnh giá ngày Đông, sương mù phủ kín. Vụ mùa nơi đây cũng vừa mới kết thúc chưa lâu nên hầu như nhà nào cũng lúa thóc đầy bồ, thơm lừng mùi gạo mới trong bữa cơm thường nhật.
Gia đình bà Thò Thị Lỳ ở bản Na Niếng có 6 sào lúa, trồng cả lúa vụ Xuân và vụ Mùa, với 2 giống lúa chính là Japonica và nếp Khau cày nọi, trong đó, lúa Japonica được trồng với diện tích nhiều hơn để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Dẫn chúng tôi đến thùng tôn căng đầy lúa mùa mới thu hoạch, bà Lỳ không giấu nổi niềm vui: “Năm nay thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt nên lúa cũng được nhiều hơn. Năm ngoái được 3 thùng, nay được hơn 4 thùng, đó là chưa kể đã bán đi mấy bì để lấy tiền mua sắm rồi, bà con phấn khởi lắm…”.
Trong bữa chiều hôm ấy, chúng tôi được thưởng thức cơm nấu từ gạo Japonica của đồng bào Mông nơi đây, hạt cơm nở to đều, có vị dẻo và độ ngọt dịu, mùi thơm lừng khiến ai ăn cũng phải trầm trồ.
Là giống lúa chính của đồng bào nơi đây, tuy nhiên, để Japonica vươn lên đứng ở vị trí này không phải là chuyện một sớm một chiều. Quá trình để giống gạo từ nước Nhật xa xôi bén duyên với vùng biên xứ Nghệ trải qua nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ chia sẻ: Tri Lễ là vùng đất có khí hậu đặc thù, mưa lạnh nhiều, do đó, các cây trồng tại đây cũng phải là loại giống khác biệt, chống chịu lạnh tốt. Thời điểm cách đây hơn 10 năm, huyện hỗ trợ trồng thử nghiệm giống lúa Japonica với diện tích khoảng 1ha, chúng tôi vừa mừng vừa lo vì trước đó chưa có giống lúa nào phát huy được hiệu quả với điều kiện khắc nghiệt như thế.
“Thực tế cho thấy, trong lần đầu trồng thử nghiệm đã cho ra những kết quả khác nhau. Một số hộ do chưa có kinh nghiệm, làm sai quy trình trồng và chăm sóc nên đã có diện tích lúa bị chết hoặc nhiễm sâu bệnh, hạt bé, trổ bông kém, không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Điều này rất dễ hiểu vì đây là giống lúa mới, trình độ canh tác và nhận thức của bà con vùng cao còn hạn chế. Tuy nhiên, một số hộ làm đúng quy trình đã cho những kết quả bất ngờ. Dù trải qua đợt rét đậm, rét hại nhưng vẫn cho thu hoạch với năng suất cao hơn so với các giống lúa khác…” - ông Cương nhớ lại.
Nhận thấy tiềm năng và tầm quan trọng của giống lúa này trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, xã Tri Lễ đã quyết tâm nhân rộng giống lúa Japonica. Đúc rút kinh nghiệm sau những thất bại đầu tiên, song song với các lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân phương thức trồng, chăm sóc đảm bảo quy trình, những mùa vàng Japonica mang lại niềm vui cho dân bản ngày càng nhiều.
Theo thống kê, toàn xã Tri Lễ có trên 450ha lúa nước, trong đó hơn 50% diện tích trồng lúa Japonica, trở thành giống lúa chính tại địa phương, tập trung ở các bản Kẻm Đôn, Tân Thái, Nóng, Na Niếng, Cắm, Lam Hợp, Liên Hợp. Năng suất thu hoạch dao động từ 60 - 65 tạ/ha, tùy từng vùng, cao hơn khoảng 5 - 10 tạ/ha so với các giống lúa trước đó.
Xây dựng thương hiệu
Nếu như trước đây, gạo Japonica được trồng với mục đích chính là đảm bảo lương thực cho người dân thì nay, giống gạo này đã được thị trường ưa chuộng, thu hoạch đến đâu có người thu mua đến đó, cung không đủ cầu, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Được biết, hiện toàn huyện Quế Phong có khoảng 600ha diện tích lúa nước chuyên trồng Japonica, trong đó vụ Xuân 357ha, vụ mùa hơn 200ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Châu Kim…Diện tích này đã mở rộng hơn 30% so với năm trước.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quế Phong cho biết: Trước đây, bà con chỉ trồng giống lúa này để tự cung tự cấp và phục vụ một số ít nhu cầu của địa phương. Vài năm trở lại đây, người dân các vùng đã biết đến chất lượng thơm ngon của gạo Japonica và liên hệ mua với số lượng lớn. Gạo Japonica đã bắt đầu trở thành hàng hóa, nhiều hộ dân có thu nhập khá nhờ bán gạo.
Được biết, giá lúa Japonica tươi tại ruộng có giá khoảng 15.000 đồng/kg, gạo thành phẩm có giá 25.000 - 27.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại lúa, gạo khác. Nhiều gia đình thay vì đi làm ăn xa đã trở lại gắn bó với nông nghiệp, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng giống lúa này để có thu nhập. Theo thống kê sơ bộ tại các hộ gia đình trồng giống lúa Japonica, sau khi thu hoạch chỉ sử dụng khoảng 30%, số lượng lớn còn lại bán ra thị trường, nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu.
Trên hành trình xây dựng thương hiệu gạo thơm Japonica thành một sản phẩm mang tính vùng miền, đặc sản của địa phương, UBND huyện Quế Phong đã phê duyệt dự án sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, đưa sản phẩm này tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ do Sở Công Thương tổ chức, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá rất cao. Hiện, có nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, thành phố Vinh cũng đã liên hệ để đặt hàng số lượng lớn. Huyện cũng đang triển khai xây dựng “Mô hình cánh đồng mẫu lúa Japonica chất lượng thơm đặc sản” và quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng bền vững.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Giống lúa Japonica có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Đây là giống có khả năng chịu lạnh tốt, hợp với điều kiện thời tiết nơi đây, năng suất và sản lượng cao, giúp đồng bào ổn định lương thực, lại có vị thơm ngon đặc trưng nên thị trường rất ưa chuộng.
Bên cạnh xây dựng cánh đồng mẫu, huyện cũng đang thực hiện các thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm gạo Japonica đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP trong năm 2025, tập trung tại 2 xã Tri Lễ và Nậm Giải. Khi được công nhận OCOP sẽ nâng cao giá trị kinh tế của nông sản này, vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong