Từ mạch nguồn truyền thống, xây dựng Thị xã Thái Hòa giàu mạnh, văn minh

11/03/2011 17:01

Đồng chí Lê Phúc Ân- Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Sau gần 3 năm thành lập, Thị xã Thái Hoà đã tạo dựng được thế và lực mới. Xin đồng chí cho biết một số thành tựu chủ yếu?


Đồng chí Lê Phúc Ân: Thực hiện Nghị định 164/2007/NĐ-CP, chia tách huyện Nghĩa Đàn để thành lập Thị xã Thái Hoà, Thị xã đã có bước phát triển nhanh, toàn diện. Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bộ mặt đô thị thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, từng bước xây dựng đời sống văn minh.

Năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thị xã Thái Hoà vẫn đạt 20,3%/ kế hoạch 17-18%. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 1.787.956 triệu đồng, bằng 109,6% kế hoạch, bằng 127,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu ngân sách đạt 65.272 triệu đồng, đạt 141,9% dự toán pháp lệnh, bằng 138,7% Nghị quyết HĐND Thị giao.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 616,5 tỷ đồng/ kế hoạch 598,8 tỷ đồng, đạt 103,0%, tăng 48% so với năm 2009. Tổng giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng. Thu hút đầu tư thu được kết quả tốt. Trong 3 năm qua, Thị xã Thái Hoà thu hút được 20 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 1.500 tỷ đồng.

Thi công dự án Bệnh viện khu vực 250 giường. Ảnh: Sỹ Minh


Nhiều dự án đã đi vào hoạt động tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao đang được nhân rộng tại phường Quang Phong, xã Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Quang Tiến... Sản xuất công nghiệp- TTCN và xây dựng cơ bản có bước tăng trưởng đáng kể, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.

Một số sản phẩm hàng hóa tiếp tục vươn ra chiếm lĩnh thị trường ngoại tỉnh như mộc mỹ nghệ, cán chổi sơn, xuất khẩu cà phê, đá trắng... Lĩnh vực văn hóa xã hội có bước phát triển khá toàn diện. Thành quả đạt được trong gần 3 năm qua đã và đang tạo thế và lực mới để Thái Hoà nhanh chóng là điểm nhấn quan trọng của khu vực Tây Bắc Nghệ An và thành phố loại 3 trong tương lai.


P.V:Để đưa nghị quyết của Đại hội đảng các cấp nhanh chóng đi vào cuộc sống, BTV, BCH Thị uỷ đã cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và đề án như thế nào?


Đồng chí Lê Phúc Ân: Ngay sau Đại hội Đảng các cấp thành công, BCH đảng bộ Thị xã đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015. Theo đó, có 24 đề án đã được thông qua đang triển khai thực hiện toàn diện bao gồm trên các lĩnh vực kinh tế- văn hoá xã hội- quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có 12 đề án xây dựng mới, có 12 đề án tiếp tục phát triển bổ sung trên cơ sở tinh thần của một số Nghị quyết của Ban Chấp hành lâm thời. Ban Chấp hành cũng phân công lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cụ thể.

Để Thái Hoà nhanh chóng thay đổi bộ mặt đô thị, là điểm nhấn quan trọng của khu vực Tây Bắc Nghệ An và là thành phố loại 3 trong tương lai. Đảng bộ Thị xã tiếp tục tập trung chỉ đạo một số nội dung có tính đột phá gồm: đề án phát triển kinh tế-thương mại dịch vụ và du lịch giai đoạn 2009-2015; đề án xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị giai đoạn 2009-2015 có tính đến 2020 và đề án phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2009-2015,có tính đến 2020.


Chuyên gia Ấn Độ hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy chế biến đá trắng. Ảnh: Sỹ Minh


P.V: Năm nay, lần thứ 12 Lễ hội làng Vạc được tổ chức. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Lễ hội làng Vạc trong việc giáo dục truyền thống và xây dựng nếp sống văn minh đô thị của người dân trên địa bàn?


Đồng chí Lê Phúc Ân: Đã 11 năm lễ hội làng Vạc chính thức được tổ chức. So với lần tổ chức đầu tiên, các lần tổ chức sau, lễ hội Làng Vạc được nâng dần về quy mô và tầm ảnh hưởng.

Với mục đích tạo dựng nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho bà con các dân tộc trên địa bàn, thực hiện đạo lý " uống nước nhớ nguồn", nên Lễ hội làng Vạc nói riêng và quần thể Khu di tích lịch sử Làng Vạc nói chung công tác xã hội hoá được thực hiện khá tốt. Rất nhiều hiện vật trong điện thờ làng Vạc được các gia đình, các tổ chức, cá nhân cung tiến.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tổ chức lễ hội, tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các hoạt động đã vào nề nếp. Hệ thống đường giao thông từ Trung tâm Thị xã vào khu di tích đã được đầu tư nâng cấp; nhà quản lý và hạng mục phụ trợ khu điện thờ, sân bãi tổ chức lễ hội được san lấp, mở rộng; tuyến đường rước vạc đồng từ địa điểm lễ hội về điện thờ được nâng cấp... Thị xã cũng đang quy hoạch nơi đây trở thành Khu du lịch sinh thái gắn với văn hoá tâm linh và kêu gọi các nhà đầu tư.


Như vậy, trong định hướng phát triển của Thị xã, Khu di tích lịch sử làng Vạc sẽ là một trong những điểm đến của tour du lịch sinh thái, văn hoá tâm linh và du lịch mua sắm gồm Khu di tích lịch sử Đông Hiếu, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, bà con các dân tộc Nghĩa Đàn - Khu di tích khảo cổ học làng Vạc- Trung tâm Thị xã gắn với các hoạt động thương mại - dịch vụ đôi bờ sông Hiếu.

Có thể nói việc tổ chức lễ hội Làng Vạc hàng năm, gắn với đầu tư nâng cấp các hạng mục đã góp phần rút ngắn khoảng cách, không gian đô thị giữa trung tâm và các xã vùng trong.


P.V: Xin cảm ơn ông!


Hữu Nghĩa - thực hiện

Mới nhất
x
Từ mạch nguồn truyền thống, xây dựng Thị xã Thái Hòa giàu mạnh, văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO