Từ truyền thống yêu nước đến phong trào thi đua yêu nước

10/06/2016 17:04

(Baonghean.vn) - “Yêu nước” là một khái niệm rộng và bao quát, nhưng lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận khái niệm “yêu nước” với tư tưởng hết sức tiến bộ, giản dị và dễ hiểu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, là giá trị văn hóa bất biến của dân tộc Việt Nam và là cội nguồn sâu xa thúc giục các thế hệ người Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc; kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà tổ tiên ta dày công gây dựng, bồi đắp và gìn giữ qua mấy nghìn năm trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mẫu mực, luôn đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mẫu mực, luôn đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước tổng kết thực tiễn, gắn thi đua với yêu nước, yêu nước với thi đua, tuyên truyền, vận động, kêu gọi toàn dân tộc hăng hái thi đua, làm liên tục xuất hiện các phong trào thi đua yêu nước, dần dần lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực, các ngành, các giới.

Tuy ở từng lĩnh vực khác nhau, có các phong trào thi đua yêu nước với những tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động không giống nhau, có thể được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử nhưng mục tiêu chung nhất vẫn là tích cực góp phần ngày một nhiều hơn vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, phải là “ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ”. Do vậy, “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

Tinh thần yêu nước và tích cực thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân, được tổ chức, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta phải tính từ năm 1948, gắn với Chỉ thị ngày 27/3/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) đã có nhiều phong trào thi đua dưới nhiều hình thức phong phú như: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “bình dân học vụ”, “hũ gạo kháng chiến”, “chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” … đã lôi cuốn đồng bào, chiến sỹ cả nước tích cực đóng góp mọi mặt cho cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Phong trào thi đua yêu nước thực sự nở rộ khắp các ngành nghề, các giới, các lĩnh vực trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là từ khi miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và khi có Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 26/01/1961 đã nở rộ phong trào thi đua, đóng góp to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiêu biểu như phong trào “Ba nhất” “Gió Đại Phong” “Sóng Duyên Hải” “Thi đua Hợp tác xã Thành Công”,“Hai tốt” “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”...

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình  (5-1952).
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5-1952).

Tháng 3/1965 xuất hiện phong trào “Ba đảm nhiệm”, sau đổi thành “Ba đảm đang” với nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, thay thế cho chồng, con, anh em đi chiến đấu. Hội LHPN giải phóng miền Nam phát động phong trào “Xây dựng gia đình vẻ vang và phong trào “Hội mẹ chiến sỹ” có tác dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng chiến sỹ, thương bệnh binh, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua tòng quân, thi đua giết giặc, lao động sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh.

Từ tháng 1/1966, phong trào “Ba quyết tâm”xuất hiện trong giới trí thức với nội dung: Quyết tâm phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống; đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa; đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa lôi kéo được đông đảo trí thức Việt Nam tích cực tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH.

Ngày 25/3/1963, Trung ương Cục miền Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” với mục tiêu: Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, xây dựng xã chiến đấu, chống càn quét lấn chiếm, phá ấp chiến lược, binh vận; Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, nuôi quân, phòng gian bảo mật, ủng hộ bộ đội, du kích.

Ngày 23/9/1963, Trung ương cục miền Nam phát động phong trào “Thi đua yêu nước, chống Mỹ” với 4 khẩu hiệu lớn là: Thi đua đoàn kết đấu tranh, thi đua giết giặc lập công, thi đua sản xuất tiết kiệm và thi đua học tập tiến bộ.

Ngày 18/4/1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Ngày 15/10/1964, tuổi trẻ cả nước dấy lên phong trào thi đua noi gương anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, biến căm thù thành sức mạnh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, cứu nước.

Ngày 18/11/1964, Đại đội 3 pháo cao xạ dấy lên phong trào thi đua, kiên quyết chiến đấu lập công, trả thù cho Nguyễn Viết Xuân. Tinh thần nhằm thẳng quân thù mà bắn trở thành khẩu lệnh chiến đấu thôi thúc bộ đội, dân quân tự vệ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Tháng 5/1965, phát động phong trào “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngày 20/7/1965, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn đảng, toàn quân, toàn dân chống Mỹ cứu nước. Tháng 9/1969, Mặt trận Tổ quốc Việt nam phát động đợt “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, kêu gọi đồng bào cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ở một số địa phương cũng xuất hiện nhiều phong trào với các khẩu hiệu như: “Bám đất giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”…

Trong thời kỳ đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua. Hiện nay, nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện các phong trào như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

68 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì các phong trào thi đua yêu nước và công tác tuyên truyền thi đua yêu nước vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Những hạn chế ấy có thể coi là hệ quả trực tiếp của những hạn chế trong công tác tổ chức, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (2751957).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (2751957).

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thi đua yêu nước về mọi mặt.

Một là, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính tất yếu của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền thi đua yêu nước; chú trọng phát động và tích cực tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, đặc biệt là tập là tập trung tuyên truyền cho các đợt thi đua cao điểm thực hiện nhiệm vụ có tính cấp bách, trọng tâm, tạo hiệu ứng mạnh trong truyền thông.

Ba là, phát động các phong trào thi đua thiết thực trong tất cả các lĩnh vực nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có mức độ ưu tiên cần thiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Có hình thức, biện pháp tuyên truyền bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền nhân rộng các mô hình điểm, gương người tốt, việc, tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Năm là, tuyên truyền thực hành cần kiệm, gắn tăng năng suất lao động với chống quan liêu, tham ô, lãng phí; gắn khen thưởng và xử phạt kịp thời, đúng người, đúng việc, chống báo cáo sai, chống chủ nghĩa hình thức; kịp thời tuyên truyền động viên, nhân rộng các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền thi đua yêu nước trên báo chí, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời đối với những cơ quan báo chí có thành tích trong công tác tuyên truyền, những phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên có bài viết, tác phẩm báo chí có chất lượng tuyên truyền về nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; giành nhiều thời lượng tuyên truyền giao lưu trực tuyến trên truyền hình.

Bảy là, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền thi đua yêu nước; xây dựng và tổ chức đội ngũ cộng tác viên rộng khắp để phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các ngành nghề, lĩnh vực, ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, kịp thời tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng trong xã hội; thu hút được trí tuệ của toàn xã hội, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính phong phú và đa dạng của thông tin trên các phương tiện tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác thi đua, khen thưởng nhằm đảm bảo tính công bằng, chính xác, kịp thời; đầu tư trang thiết bị, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tuyên truyền thi đua yêu nước.

TS. Lê Đức Hoàng

Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

TIN LIÊN QUAN

Từ truyền thống yêu nước đến phong trào thi đua yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO