Tuần trăng mật lần 2 của 'cặp đôi' Nga-Ấn
(Baonghean) - Hơn 10 năm qua, các cuộc hội đàm cấp cao Ấn Độ-Nga thường niên dần có xu hướng trở thành sự kiện nhàm chán - được ví như một cuộc hôn nhân đã qua thời kỳ lãng mạn. Tuy nhiên, Hội nghị năm nay vừa diễn ra ở Ấn Độ lại chứng kiến nhiều điều thú vị. Cả hai đều muốn tìm lại nhiệt huyết, làm mới mối quan hệ cho phù hợp với thực tế mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuộc họp song phương tại Ấn Độ, ngày 15/10. Ảnh: AP. |
Bước ngoặt mới
“1 người bạn cũ hơn 2 người bạn mới” là lời khẳng định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về mối quan hệ với Nga sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua. Những cử chỉ thân tình giữa hai nhà lãnh đạo được các phóng viên chụp được cũng cho thấy sự nồng ấm giữa cá nhân họ cũng như phản ánh mức độ hợp tác giữa hai quốc gia.
Cũng giống các chương trình nghị sự của một cuộc hội đàm cấp cao, hai nhà lãnh đạo Nga - Ấn đã bàn về hợp tác song phương và những hồ sơ nóng của quốc tế. Tuy vậy, kết quả cuộc hội đàm lần này được cho là đáng kể khi Ấn Độ và Nga ký kết hàng loạt thỏa thuận cụ thể về quốc phòng và năng lượng.
New Delhi và Moskva đã ký kết 16 thỏa thuận bao gồm việc sản xuất chung 200 máy bay trực thăng quân sự. Ấn Độ cũng sẽ mua của Nga các tàu khu trục và hệ thống phòng thủ tên lửa để củng cố phòng thủ trên biên giới với Pakistan và Trung Quốc.
Trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận Moskva cung cấp cho New Delhi hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf. Đây là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Thỏa thuận này mang nhiều ý nghĩa với quan hệ Nga - Ấn. Trước đây, Ấn Độ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong việc trang bị cho lực lượng vũ trang, nhưng gần đây nước này đã đa dạng hóa các lựa chọn, bằng việc nghiêng sang hợp tác với Mỹ, Pháp và Israel. Với thỏa thuận S-400, Nga hy vọng có thể vượt Mỹ và châu Âu trong cuộc cạnh tranh gay gắt để tiếp tục trở thành nhà cung cấp trang thiết bị quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ.
Ngoài lĩnh vực quốc phòng, 2 nước cũng thắt chặt mối bang giao bằng những thỏa thuận kinh tế lớn. Công ty dầu khí lớn nhất của Nga - Rosneft - chính thức ký một thỏa thuận mua cổ phần kiểm soát trong công ty dầu khí Essar Oil của Ấn Độ với giá 13 tỷ USD.
Sau khi lò phản ứng số 2 của nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng ở miền Nam Ấn Độ đi vào hoạt động, Nga tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ xây dựng thêm 2 lò phản ứng nữa. Ngoài ra, 2 bên cũng ký thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư chung với số vốn 1 tỷ USD.
Những thỏa thuận này được cho sẽ tạo ra xung lực mới thúc đẩy mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga lên một tầm cao mới, trong bối cảnh mối quan hệ giữa các nước đang bị thử thách bởi sự thay đổi trong chiến lược liên minh toàn cầu và cuộc xung đột Trung Đông.
Ấn Độ quan tâm đặc biệt đến hợp đồng mua hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Reuters. |
Thách thức để cân bằng
Nga-Ấn là đồng minh thân cận trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng trong những năm gần đây mối quan hệ trở nên phức tạp hơn. Các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm mới lại mối quan hệ dường như đã chệch hướng khi Ấn Độ củng cố các mối quan hệ với Mỹ và Nga phát triển mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc và Pakistan.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cả Nga và Ấn Độ đều cần có nhau. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với khó khăn từ lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, việc Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với Ấn Độ được xem là bước đi giúp Moskva ổn định được phần nào kinh tế trong nước.
Với Ấn Độ, việc đảm bảo an ninh năng lượng là mục tiêu hàng đầu của nước này nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ). New Delhi cũng muốn nâng cấp các thiết bị quân sự nhằm bảo vệ các đường biên giới với Pakistan, kẻ thù không đội trời chung, và với Trung Quốc, một cường quốc ngày càng hùng mạnh.
Tuy nhiên, tăng cường quan hệ Nga - Ấn đòi hỏi 2 bên lựa thế để không làm “mất lòng” những đối tác của riêng mình. Thông tin về việc Nga bán cho Ấn Độ hệ thống tên lửa S-400 chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “mất ăn mất ngủ”. Điều khiến Bắc Kinh cảm thấy không hài lòng là thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh quan hệ Moskva và Bắc Kinh đang ở thời điểm tốt đẹp chưa từng có và Bắc Kinh lại đang đối đầu, cạnh tranh với New Delhi.
Động thái của Nga sẽ khiến Trung Quốc không tránh khỏi nghi ngờ về việc chính quyền Tổng thống Putin một mặt bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí thiện chiến nhưng mặt khác lại tìm cách “kiềm chế” đồng minh bằng cách bán những vũ khí đỉnh cao cho những nước láng giềng đối đầu với Trung Quốc.
Tương tự , Mỹ chắc chắn cũng không thoải mái khi “đối tác chiến lược của thế kỷ 21” của họ lại trở về thời kỳ nồng ấm với Nga. Đây rõ ràng là một bài toán khó đối với Thủ tướng Modi. Đường lối trung lập trong các mối quan hệ với các cường quốc có thể mang lại cho Ấn Độ nhiều lợi ích trước mắt khi các cường quốc này đem “nhiều quà” đến để lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ.
Nhưng về lâu dài, một khi ai cũng chơi thì không bao giờ có bạn thân. Và như vậy, Thủ tướng Modi sẽ phải thật khéo léo để xử lý khi “đi trên dây” trong mối quan hệ với các nước lớn.
Theo giới quan sát, mối quan hệ Nga - Ấn sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai do vai trò địa chính trị của cả hai nước. Và để có “tuần trăng mật” thứ 2 tốt đẹp hơn, cả hai đều cần những tính toán linh hoạt không chỉ ở bình diện song phương mà còn trong mối quan hệ quốc tế khác.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|