Tuổi trẻ phải ham làm, ham tiến bộ, chớ có ham làm quan to

Quốc Phong 08/05/2019 08:33

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra những nguy cơ khi người trẻ được trao vào tay tiền bạc, địa vị và danh vọng quá sớm.

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua đã “gọi tên” thêm 1 cán bộ trẻ, nối dài danh sách những người “trưởng thành quá sớm” và “sa ngã quá sớm”. Đó là ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Đây cũng là bài học đau xót về ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ.

Ông Nguyễn Bá Cảnh - Thành ủy viên, phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Cảnh.

36 tuổi, ông Nguyễn Bá Cảnh - con trai cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có trong tay rất nhiều thứ. Ông được sinh ra trong một gia đình truyền thống, có điều kiện để đi du học ở nước ngoài rồi trở về thành phố công tác. 30 tuổi làm thủ lĩnh thanh niên và 5 năm sau, được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Ông Cảnh cũng là đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng khóa 9, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trước khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật, ông Nguyễn Bá Cảnh đã bị Thành ủy Đà Nẵng đề nghị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, đồng thời vi phạm những điều đảng viên không được làm.

“Có khổ đâu mà biết mình đang sướng”. Cố giáo sư Tôn Thất Bách đã từng nói như vậy khi giao lưu với sinh viên khi ông còn sống. Ngẫm lại, những điều vị giáo sư nói thật chí lý với những trường hợp “con nhà nòi” như ông Cảnh. Không kinh qua chiến tranh, không được "nhào lộn" trong khó khăn, thử thách, không thấu hiểu những vất vả, lam lũ của dân, cộng thêm thói ích kỷ và hưởng thụ quá sớm đã khiến ông không thể giữ nổi mình.

Lẽ ra, truyền thống gia đình, điều kiện ăn học hơn người, con đường thăng tiến trơn tru… đó vừa là thuận lợi nhưng cũng là "áp lực" bởi những người như ông Cảnh chịu sự giám sát rất khắt khe của nhân dân. Nhưng tiếc rằng, họ đã không ý thức được điều đó, đi ngược lại niềm tin của nhân dân. Thất vọng hơn nữa khi ông Cảnh là thủ lĩnh thanh niên nhưng đã nêu một “tấm gương xấu” về đạo đức, lối sống và ông sẽ chẳng thể “vận động quần chúng” khi bản thân không trong sạch. Quy định nêu gương đã ban hành, 27 biểu hiện suy thoái với những người như ông Cảnh chắc đã “nằm lòng” nhưng vẫn cố tình bước qua nó.

Bài học nhãn tiền đối với ông Cảnh đã có. Tưởng rằng, mọi thứ đã ở trong tay nhưng rồi, họ đánh mất tất cả, trở về với con số 0 tròn trĩnh, đi lại những bước đầu tiên và không có gì khác, họ phải chứng minh bản thân mình để lấy lại niềm tin đối với quần chúng nếu như họ thực sự có năng lực. Có người tiếc cho họ nhưng cũng có người lại đồng tình cho rằng: giá như ngay từ đầu, họ đi từng bước vững chắc, kinh qua những khó khăn, thử thách, chịu tu dưỡng bản thân thì chắc chắn đã không có hậu quả như ngày hôm nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Tuổi trẻ phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, chớ có ham làm quan to. Nghĩa là, những người trẻ hãy dành thời gian để hoàn thiện bản thân, để cống hiến cho Tổ quốc thay vì mang một tham vọng quyền lực quá sớm. Bác đã nhìn ra những nguy cơ khi người trẻ được trao vào tay tiền bạc, địa vị và danh vọng quá sớm. Nó giống như liều thuốc ngủ khiến họ ảo tưởng về bản thân và đánh mất mình lúc nào không biết.

Trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu tất yếu. Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII đã đề ra những con số rất cụ thể về cán bộ trẻ đến năm 2030 nhằm phát huy sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng trẻ hóa phải đi đôi với việc sàng lọc kỹ càng và nâng cao khả năng đề kháng cho cán bộ trẻ trước những cám dỗ đời thường.

Suy cho cùng, đạo đức vẫn là cái gốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy "có tài mà không có đức là người vô dụng". Nó đúng với quá khứ, với hôm nay và cả tương lai.


Theo vov.vn
Copy Link
Tuổi trẻ phải ham làm, ham tiến bộ, chớ có ham làm quan to
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO