Tuyển Việt Nam: Niềm tin phía trước
(Baonghean.vn) - Dù chưa được điểm nào sau 2 trận ra quân, tạm xếp trên ĐT Trung Quốc ở bảng B do hơn về hiệu số bàn thắng/bại nhưng ĐT Việt Nam đã cho thấy nhiều tích cực, tiến bộ về nhiều mặt.
Lời khen FIFA dành cho ĐT Việt Nam về “đội bóng thi đấu quả cảm” và “bàn thắng nhanh nhất vòng bảng” của Quang Hải trong trận gặp Arabia Saudi là những ghi nhận khách quan, là sự tưởng thưởng xứng đáng cho ĐT Việt Nam tiếp tục vững bước trong 8 trận đấu cam go ở phía trước.
Trước hết, “lòng quả cảm” mà FIFA nói đến chính là vũ khí tinh thần được thầy trò ông Park Hang-seo thể hiện trước 2 đối thủ hàng đầu châu lục là Arabia Saudi và Australia. Dù bị ép sân trong phần lớn thời gian thi đấu (đối thủ cầm bóng trên dưới 70% thời gian) nhưng ĐT Việt Nam không tỏ ra bị động, lúng túng trong hệ thống phòng ngự, trái lại luôn tự tin để hóa giải các pha tấn công biến hóa, đẳng cấp cao của đối thủ. ĐT Việt Nam đã chơi “trên cả tuyệt vời” trong hơn 55 phút trận ra quân, nhất là trong hiệp 1 trước đối thủ Tây Á là Arabia Saudi, đã chơi tốt trong gần 90 phút trước đội bóng 5 lần dự World Cup là Australia.
Hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) đã vô hiệu hóa gần như hoàn toàn sức mạnh tấn công của Đội tuyển Australia. Ảnh tư liệu Hải Hoàng |
Những khiếm khuyết về cự ly lối chơi trong tổ chức phòng ngự ở trận đấu thứ nhất đã nhanh chóng được điều chỉnh hợp lý ở trận đấu thứ 2 trên sân Mỹ Đình. ĐT Việt Nam cũng đã vô hiệu quả lợi thế về thể hình, thể lực của đối thủ bằng một lối chơi tỉnh táo, phân phối sức hợp lý, phát huy tốt khả năng nhanh nhẹn, khéo léo để chuyển trạng thái và phản công chớp nhoáng, uy hiếp đối thủ từ nhiều hướng khác nhau với bài bản khác nhau.
Hình ảnh Trọng Hoàng tả xung hữu đột như một chiến binh thực sự bên hành lang phải chứng minh điều đó. Cựu cầu thủ SLNA đã bịt kín mọi lối vào từ cánh, chiến thắng trong tất cả các lần tranh chấp tay đôi, kể cả trên không trước đối thủ có thể hình, thể lực vượt trội. Thậm chí một thống kê chỉ ra trong trận gặp Australia, đối phương buộc phải phạm lỗi với Trọng Hoàng 4 lần khi ngăn cản những tình huống phòng ngự và tham gia phản công của “lão tướng” dẻo dai này.
Một bài toán đặt ra sau khi tiền vệ Hùng Dũng vắng mặt gần như đang được giải đáp trọn vẹn. Đó là vị trí số 6 của Hoàng Đức trong cặp tiền vệ trung tâm được tin cậy nhất hiện nay Tuấn Anh - Hoàng Đức. Đây là cầu thủ trẻ, thể hình tốt, khả năng đánh chặn tốt, kỹ năng cầm giữ bóng và qua người thuộc loại “quái chiêu”, là cầu nối lợi hại nhất của ĐT Việt Nam khi vận hành chiến thuật bắt buộc phòng ngự - phản công. Hai trận đấu vừa qua, những tình huống phản công hay nhất của ĐT Việt Nam đều qua chân Hoàng Đức - Văn Đức và Quang Hải, chắc chắn “mô hình” tấn công này sẽ tiếp tục được mài sắc cho những trận đấu tới.
Hồng Duy đã chơi rất hay trong trận đấu trên sân Mỹ Đình. Ảnh tư liệu Hải Hoàng |
Bên cạnh những ưu trội vừa nêu, 2 trận đấu vừa qua để lại những băn khoăn về phong độ không như mong muốn của một số trụ cột. Vì nhiều lý do khác nhau, cả 2 trận đấu, tiền vệ Tuấn Anh đều bị rút ra sớm nhất, trong khi mũi tấn công cao nhất là Tiến Linh cũng không cho thấy uy lực thực sự của một cầu thủ ghi bàn hàng đầu…
Nhưng điều cần nói hơn cả là những giây phút mất tập trung vô cùng đáng tiếc của hàng thủ ĐT Việt Nam. Khi đối phương đẩy nhịp độ trận đấu hoặc bất ngờ tăng tốc, hàng thủ đang vận hành trơn tru bỗng nhiên bối rối và mắc lỗi trầm trọng. Phút 27 và 55 trận đấu gặp Arabia Saudi, hàng thủ ĐT Việt Nam bị đánh bại rất đơn giản từ một tình huống tấn công trung lộ và một tình huống mở biên, may mắn lần một Duy Mạnh phá bóng thành công nhưng lần hai là thảm họa khi vừa bị thổi penalty vừa phạt thẻ đỏ.
Bàn thua duy nhất trong trận gặp Australia cũng diễn ra rất nhanh khi hàng thủ tổ chức bẫy việt vị bất thành và lỗi này không chỉ diễn ra một lần? Nếu không “mổ băng” lại, xem xét thật kỹ để rút kinh nghiệm thì rất có thể ĐT Việt Nam sẽ tiếp tục gặp rắc rối trước các đối thủ biết tận dụng cơ hội mở ra bất cứ lúc nào để trừng phạt đối thủ, dù họ luôn tỏ ra chậm rãi, tưởng như vô hại nhưng nhiều khi chỉ một khoảnh khắc là đủ như Australia vừa rồi.
Chưa phải là tất cả những điều cần phân tích về ĐT Việt Nam qua 2 trận đấu đầu tiên nhưng chừng đó cho thấy thầy trò ông Park Hang-seo còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian 1 tháng chuẩn bị để sẵn sàng đối đầu với 2 đội bóng được coi dễ chơi hơn, là Trung Quốc và Oman? Duy Mạnh sẽ trở lại với kinh nghiệm để đời dù đã chơi tuyệt hay có thể trước đó. Văn Đức sẽ tiếp tục được tin dùng nhưng nếu không thực sự đóng góp nổi trội thì việc trở lại ghế dự bị sẽ không còn là dự đoán khi ông Park Hang-seo vơi cạn niềm tin? Hy vọng Tiến Linh, Quang Hải, Trọng Hoàng… làm được một điều gì đó, tương xứng với năng lực và cống hiến của họ. Và tất nhiên, Văn Lâm hay Tấn Trường sẽ không phụ lòng ông thầy người Hàn và đông đảo người hâm mộ, trong khi Ngọc Hải chứng minh bằng thực tế rằng, những con số đo kiểm nào đó chỉ là một chi tiết tham khảo, còn vai trò, uy lực của Đội trưởng ĐT Việt Nam lâu nay không bao giờ chỉ được đo bằng những con số khô khan từ máy móc và công nghệ?