U23 Việt Nam: Đường dài có thấy 'ngựa hay'?
(Baonghean.vn) - Chắc chắn, câu chuyện vòng bảng không quá phức tạp khi trận đấu cuối U23 Việt Nam chỉ gặp U23 Timor Leste, đội bóng đã thua cả 3 trận trước đó.
Ba trong số bốn trận đấu vòng bảng A môn bóng đá nam SEA Games 31 của U23 Việt Nam đều diễn ra theo một kịch bản: chủ nhà tấn công dồn dập từ mọi hướng, đối thủ co cụm phòng ngự tử thủ, đá rát hòng giảm thiểu mọi nguy cơ. Hai trận đấu U23 Việt Nam không cho đối thủ rời sân theo ý muốn là trận ra quân giòn giã thắng U23 Indonesia 3-0, thắng nhọc nhằn U23 Myanmar 1-0, nhưng thầy trò ông Park Hang-seo đã bất lực trong việc xuyên phá hàng thủ được tổ chức tốt của U23 Philippines ở lượt trận thứ 2, khi đội bóng này còn đầy đủ thể lực và bài vở để kìm chân đội chủ nhà.
Hùng Dũng đi bóng trong trận thắng Myanmar trên sân Việt Trì tối 13/5. Ảnh: Lâm Thỏa |
Đó chính là khi mọi đối thủ trong khu vực đều hiểu quá rõ sức mạnh của U23 Việt Nam, không ai bảo ai đều lựa chọn lối đá phòng ngự chặt-phản công nhanh vốn là bài vở đi tới thành công của chính thầy trò ông Park Hang-seo để thực hành lối đá này. Và chính sở trường này của U23 Việt Nam khi được đối thủ vận dụng lại khiến chính đội bóng gặp khó khi phải dùng sở đoản để phá vỡ mọi bức tường phòng ngự kiên cố luôn giăng ra trước khung thành đối thủ. Vấn đề là U23 Việt Nam phải tạo được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự, tạo được sự đột biến, bất ngờ, sự phối hợp nhuần nhuyễn và sự lạnh lùng ở khâu dứt điểm… như trong trận gặp U23 Indonesia, hay ít nhất ở trận gặp U23 Myanmar.
Tất nhiên, bất cứ đội bóng mạnh nào cũng có những điểm yếu nhất định, những gót chân A-sin nào đó. Qua 3 trận đấu bảng, cho đến nay, U23 Việt Nam vẫn chưa bị thủng lưới nhưng không thể nói thủ môn Văn Toản đã chơi tốt, nhất là trong các tình huống phạt góc. Bộ ba trung vệ vẫn chỉ có Thanh Bình, Việt Anh đảm bảo vị trí, còn trung vệ lệch phải vẫn là sự luân phiên giữa Tuấn Tài, Tiến Long và đây chính là điều chưa an tâm. Tiền vệ chơi cạnh Hoàng Đức-Hùng Dũng qua 3 trận luôn là Hoàng Anh hoặc Công Đến, ít phút cuối với Quang Nho. Hoàng Anh phòng ngự tốt, tham gia tấn công nhiều nhưng chưa gặp may, trong khi Công Đến linh hoạt hơn, thông thoáng hơn trong xử lý. Chơi tiền đạo cùng Tiến Linh là Văn Tùng và Mạnh Dũng, chưa kể Thanh Minh.
Myanmar (trắng) chơi phòng ngự phản công khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lâm Thỏa |
Hiệp 1 của 3 trận đấu vừa qua, U23 Việt Nam đều không thể ghi bàn và mọi điều chỉ đến ở hiệp 2 trong 2 trận gặp U23 Indonesia và U23 Myanmar. Đó là khi ông Park Hang-seo đưa Tuấn Tài về đá trung vệ lệch trái, Văn Xuân về cánh trái, Văn Đô về cánh phải và mọi việc trở nên “thuận” hơn với cả hệ thống. Hãy nhớ tình huống tiền đạo U23 Myanmar đi bóng qua cả Thanh Bình lẫn Việt Anh để đối mặt với Văn Toản, mới thấy được nếu ông Park Hang-seo tin dùng Tuấn Tài ở vị trí trung vệ lệch trái là có lợi hơn, hiệu quả hơn, khi trung vệ này nhanh như cắt phá bóng chịu phạt góc trong tình thế hiểm nghèo vô cùng.
Hãy nhớ 4 bàn thắng có được cho đến nay của U23 Việt Nam, có dấu giày của 3 nhân tố trên 23 tuổi gồm Tiến Linh (bàn thứ nhất), Hoàng Đức-Tiến Linh-Hùng Dũng (bàn thứ hai), Hoàng Đức-Hùng Dũng (bàn thứ 4). Trong khi đó, các cầu thủ trẻ Văn Đô chuyền bóng để Mạnh Dũng kiến tạo ở bàn thứ nhất, Văn Đô ghi bàn thứ 3 và chính Văn Đô kiến tạo bàn thắng thứ 4. Rõ ràng, việc ông Park Hang-seo chọn 3 nhân tố trên 23 tuổi là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả, trong khi đó, Tuấn Tài và Văn Đô là 2 nhân tố trẻ thi đấu xuất sắc, là những phát hiện thú vị của U23 Việt Nam tại SEA Games 31 này.
Chắc chắn, câu chuyện vòng bảng không quá phức tạp khi trận đấu cuối U23 Việt Nam chỉ gặp U23 Timor Leste, đội bóng đã thua cả 3 trận trước đó. Mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn, cân não hơn khi ở bán kết, rất có thể U23 Việt Nam gặp đại kình địch U23 Thái Lan. Trong khi U23 Thái Lan càng đi sâu vào giải càng thi đấu hay như điều vẫn thấy ở các đội bóng mạnh, thì U23 Việt Nam đang không cho thấy điều đó, nếu không nói là ngược lại? Bung sức, bung lực, phơi hết bài vở, lực lượng để có chiến thắng thuyết phục ngay từ trận đầu, U23 Việt Nam sau đó lại cho thấy sự bế tắc, nhọc nhằn rất đáng lo ngại? Liệu đó có phải là điều minh chứng về một đội bóng sẽ bảo vệ bằng được tấm HCV SEA Games ở môn bóng đá nam?
Hy vọng, từ ban huấn luyện, từ các trụ cột trên 23 tuổi cũng như các nhân tố trẻ sẽ biết cách vượt qua khó khăn ở các trận đấu quyết định sắp tới. Hy vọng sẽ có thêm bước đột biến từ những người lâu nay từng là niềm hy vọng như Văn Xuân, Thanh Minh, bên cạnh sự thăng tiến hơn nữa của Tuấn Tài, Văn Đô, Mạnh Dũng… hay những đòn đánh từ Thanh Bình, Việt Anh khi cơ hội vụt đến, như câu chuyện đợi đấy “đường dài mới biết ngựa hay”? Bóng đá trẻ thường khởi đi với những diễn biến bất ngờ, không thể đoán định và hy vọng lứa U23 này của bóng đá Việt sẽ làm được những điều kỳ diệu, vượt ra khỏi mọi suy đoán của giới chuyên môn và người hâm mộ gần xa...