Ukraine tìm cách “cắt đứt” Dòng chảy phương Bắc-2
Ukraine đang tìm mọi cách "cắt đứt" tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc - 2” (Nord Stream 2) từ Nga, chạy dưới đáy biển Baltic đến Đức.
Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman hôm 16/4 tuyên bố rằng, cần phải ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả trong khuôn khổ của kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt qua đáy biển Basltic là dự án “Dòng chảy phương Bắc - 2” (Nord Stream 2), hiện đã trở thành “vũ khí lai” của Mockva.
Ông Groysman nói tại cuộc họp với người đồng cấp Slovakia Peter Pellegrini rằng, chính quyền Kiev xem dự án “Dòng chảy phương Bắc - 2” là một loại vũ khí lai của Nga. Nội dung cuộc trao đổi này đã được đăng tải trên trang web của Chính phủ Ukraine.
Đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. Ảnh: Nord Stream 2 |
Theo người đứng đầu Nội các Ukraine, việc thực hiện dự án này sẽ dẫn đến “phá hủy hệ thống truyền tải khí đốt của đất nước ông, hiện đang đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu cho các nước châu Âu.
Ông Groysman thể hiện quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống lại việc xây dựng "Dòng chảy phương Bắc - 2", đã được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nêu ra, bằng tuyên bố là “kẻ xâm lược sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình”.
Nhà lãnh đạo chính phủ Ukraine cũng cam đoan rằng, hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này đã, đang và sẽ là tuyến quá cảnh đáng tin cậy, đảm bảo vận chuyển an toàn 100% khí đốt đến cho người tiêu dùng châu Âu. Chính quyền Kiev sẵn sàng làm việc chung với các đối tác quốc tế để nâng cấp và quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.
Trong những nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn "Dòng chảy phương Bắc-2", hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, chính quyền Kiev tiếp tục yêu cầu chấm dứt xây dựng dự án “Nord Stream 2” và đề xuất ưu tiên cho các công ty Đức tham gia quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.
Mỹ và chính quyền Kiev lo ngại Nord Stream 2 sẽ "thắt nút" tuyến đường ống qua Ukraine. |
Phụ họa với đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng trước, cũng đã đề nghị bà từ bỏ việc hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn khí Dòng Bắc - 2 để đổi lấy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, quan điểm của Đức là rất rõ ràng, họ không coi dự án này là “vũ khí địa-chính trị” hay “vũ khí lai” gì đó của Nga, mà đơn thuần đánh giá nó là một dự án mang tính chất thương mại đầy tiềm năng, góp phần bảo đảm an ninh năng lược cho châu Âu, trong đó có Đức.
Được biết, dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" có tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ euro, bao gồm việc xây dựng 2 tuyến đường ống từ bờ biển Nga chạy ngầm dưới đáy Biển Baltic; qua lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của 5 nước là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đa Mạch và Đức - chính là điểm đến đầu tiên.
Tuyến đường ống mới này dự kiến sẽ được xây dựng bên cạnh hệ thống ống dẫn của "Dòng chảy phương Bắc" đang hoạt động từ năm 2012. Tổng công suất dự tính của 2 tuyến ống mới là 55 tỷ mét khối khí/năm và dự kiến, nếu thuận lợi sẽ bắt đầu khai dòng vào năm 2020.
Tính đến đầu tháng 4, đã có 1.000 km đường ống trên tổng số hơn 1.200 km chiều dài của tuyến ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc-2" (Nord Stream 2) ở vùng biển Phần Lan, Thụy Điển và Đức được đặt dưới đáy biển Baltic. Hiện nay, liên doanh thực hiện dự án này là Nord Stream 2 AG chỉ còn chờ phê duyệt điều chỉnh lộ tuyến chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch là có thể hoàn tất giai đoạn cuối của việc lắp đặt tuyến đường ống, chuẩn bị bước sang giai đoạn vận hành.