V.League 2018: Người hăng hái, kẻ hững hờ
(Baonghean) - Sau một thời gian hào hứng đầu tư cho bóng đá, nhiều nhà tài trợ, cũng như ông chủ một số đội bóng ở V.League bắt đầu cảm thấy hụt hơi và có phần chán nản vì đầu tư cho bóng đá chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”.
Chuẩn bị cho mùa giải 2018, những CLB từng “làm mưa làm gió” ở V.League như Bình Dương (4 lần vô địch V.League) và Hà Nội (3 lần vô địch V.League) đã không có động thái mua sắm cầu thủ mới, thậm chí họ còn để những cầu thủ ngôi sao ra đi.
Một số đội bóng khác trước đây cũng từng nuôi tham vọng trong cuộc đua đến chức vô địch V.League như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh nay cũng chẳng mặn mà gì với mùa giải mới. Bằng chứng là sau khi Huỳnh Đức xin nghỉ, Đà Nẵng mời HLV Minh Phương (người vừa cùng CLB Long An xuống hạng Nhất) về cầm quân theo kiểu cho qua chuyện, còn Quảng Ninh, Hải Phòng cũng để một số trụ cột ra đi.
Trong khi đó những CLB mới nổi như Thanh Hóa, TP. HCM lại ra sức mua sắm cầu thủ, thuê HLV ngoại về cầm quân. Thậm chí như CLB TP HCM của Lê Công Vinh còn mời cả chuyên gia thể lực người Đức - Martin Forkel và HLV Miura về giúp sức.
Theo các chuyên gia, sau một thời gian hào hứng đầu tư cho bóng đá, nhiều nhà tài trợ, cũng như ông chủ một số đội bóng ở V.League bắt đầu cảm thấy hụt hơi và có phần chán nản vì đầu tư cho bóng đá chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”. Tiền thì mất hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà không khéo còn “tật mang” khi cầu thủ bóng không lo đá mà chỉ quan tâm đến tiền chuyển nhượng, tiền thưởng cho mỗi trận đấu, dẫn đến nếu treo tiền thưởng cao thì đá hăng, không có tiền thưởng thì chơi cầm chừng, thậm chí là bán độ cả trận đấu.
Mùa giải này CLB Hà Nội (áo trắng) của bầu Hiển cầm chừng trong việc mua sắm cầu thủ. Ảnh: Đức Dũng |
Trong khi chất lượng chuyên môn ngày càng giảm sút, khán đài không có khán giả đến xem, nhưng lương, thưởng, tiền lót tay cho cầu thủ vẫn phải chi đều đều. Để không mang tiếng là “bỏ của chạy lấy người” các nhà tài trợ, các ông chủ đành chuyển sang chính sách “sống cầm chừng” và khoán theo kiểu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Thế nên, các HLV và lãnh đạo các CLB đành phải “liệu cơm gắp mắm” không còn tiền để “vung tay quá trán” mua sắm cầu thủ như chúng ta thường thấy trước đây mà đành chấp nhận “giật gấu vá vai”, qua ngày nào hay ngày đó.
May cho V.League là bây giờ vẫn còn một vài đội bóng có “ông chủ mới” đang cần đánh bóng thương hiệu, thành tích như TP HCM, FLC Thanh Hóa mới quyết tâm đầu tư để mong được hưởng cái cảm giác vô địch V.League, điều mà một số ông bầu trước đây cũng từng rất hăng hái nhưng đến nay cảm thấy “thế là quá đủ”!