Vạch trần âm mưu đối phó với PCA của Trung Quốc

07/07/2016 19:38

Trung Quốc tuyên bố không quan tâm đến phán quyết của PCA nhưng thực tế đang phát động chiến dịch đối phó với vụ kiện của Philippines.

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là giới lãnh đạo Trung Quốc luôn thể hiện thái độ không đánh giá cao nếu như không muốn nói là “coi thường” Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan. Theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng phán quyết của PCA được đưa ra ngày 12/7 sẽ mang đến nhiều bất lợi cho phía Trung Quốc.

chuyen gia quoc te vach tran am muu doi pho voi pca cua trung quoc hinh 0
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Đá Subi ở Biển Đông. (Ảnh: Getty)

Chiến dịch tuyên truyền rầm rộ…

Đương nhiên, lường trước được khả năng này, Trung Quốc đã đưa ra nhiều cách khác nhau để cố gắng làm giảm uy tín của PCA cũng như tính pháp lý của phán quyết sắp tới.

Tuần trước, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đồng loạt cho đăng tải các bài viết mô tả PCA như một “tòa lạm dụng luật” và “quyền tài phán còn gây tranh cãi rộng rãi”. Trong khi các quan chức ngoại giao cấp cao của Bắc Kinh cho rằng, phiên tòa này không đảm bảo tính công bằng.

Trung Quốc thậm chí đem chiến dịch tuyên truyền quan điểm của mình về Biển Đông tới tận Washington. Ngày 5/7, ông Đới Bỉnh Quốc - cựu ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã đến phát biểu tại một hội nghị tổ chức ở trụ sở của Tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie Endowment for International Peace ở Washington.

Tại đây, ông Đới Bỉnh Quốc ngang nhiên cho rằng, phán quyết của PCA sẽ chẳng khác nào “tờ giấy lộn đáng vứt vào sọt rác”, đồng thời lặp lại luận điệu quen thuộc của nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng, không ai và không một quốc gia nào cần tuân thủ phán quyết của PCA dưới mọi hình thức và rằng, PCA không có thẩm quyền đối với trường hợp này.

Chuyên gia Anders Corr của Corr Analytics nhận định: “Trung Quốc tự coi họ là một cường quốc trên thế giới và muốn làm gì thì làm. Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ chống lại bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, cho dù đó là Liên Hợp Quốc hay một tòa án quốc tế vì lo sợ bị đụng đến những gì họ tự cho là sân sau”.

chuyen gia quoc te vach tran am muu doi pho voi pca cua trung quoc hinh 1
Quang cảnh bên ngoài Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan. (Ảnh: Quazt)

Sonya Sceats, một chuyên gia luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh giận dữ đối với vụ kiện của Philippines vì đuối lý hơn. Tuy nhiên, bà Sceats cũng lưu ý rằng, đằng sau thái độ bất cần, Trung Quốc đang âm thầm thuê các luật sư quốc tế để hỗ trợ pháp lý cho những tranh chấp trong khu vực.

Ở bình diện quốc gia, Trung Quốc cũng không ngừng tiêm nhiễm cảm giác giống như chính họ là nạn nhân trong vụ kiện. Mới đây, một bài xã luận đăng tải trên tờThời báo Hoàn cầu cho rằng, vụ kiện của Philippines là do Mỹ đạo diễn.

Tờ báo này còn cáo buộc, PCA đã cố tình giả vờ không biết động cơ thực sự của Philippines khi khởi kiện, đó là muốn mượn tay tòa để đòi lãnh thổ và đây chính là một cái bẫy hòng làm mất uy tín của Trung Quốc.

…Nhưng lập luận lỏng lẻo

Ngoài ra, Trung Quốc còn cố gắng hạ uy tín của tòa trọng tài bằng lập luận rằng người chỉ định ban thẩm phán là công dân Nhật Bản và do đó, sẽ có sự thiên vị bởi Tokyo hiện đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, lập luận lỏng lẻo này của Trung Quốc cũng đã bị giới phân tích bác bỏ. Còn nhớ, sau khi Philippines nộp đơn kiện vào tháng 1/2013, ban thẩm phán được thành lập để xét xử.

chuyen gia quoc te vach tran am muu doi pho voi pca cua trung quoc hinh 2
Một buổi làm việc của Tòa Trọng tài Thường trực. (Ảnh: PCA)

Theo luật định, trong ban thẩm phán gồm 5 thành viên, mỗi bên trong vụ kiện có quyền chọn hai thẩm phán, còn chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) chọn người thứ 5.

Mặc dù vậy, Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia vào vụ kiện, tự chối bỏ quyền chọn thẩm phán, buộc chủ tịch ITLOS khi đó là ông Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản, phải chọn thẩm phán thay cho Trung Quốc theo quy trình chuẩn (ông Shunji Yanai không trực tiếp tham gia vụ kiện).

“Đó không phải là một vấn đề cần được tranh luận nghiêm túc”, James Kraska, Giáo sư luật quốc tế, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu luật Stockton, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định.

“Luận điểm này cũng như kiểu Donald Trump nói về thẩm phán gốc Mexico”, ông Kraska đề cập đến việc ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa nói rằng, thẩm phán người Mỹ gốc Mexico không đáng tin cậy để ra phán quyết vụ kiện về việc trường Đại học Trump ngừng hoạt động.

Từ năm 1997, ITLOS đã xử 25 vụ kiện, nhưng theo Kraska, đây là lần đầu tiên quốc tịch của một thẩm phán có liên quan được mang ra để nghi ngờ về tính công bằng.

“Không ai trong số các thẩm phán đó có bất kỳ thiên hướng chính trị rõ ràng nào trong suốt sự nghiệp. Họ là những chuyên gia pháp lý đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì pháp trị trong lĩnh vực biển. Họ là những người tận tụy và thực sự tin tưởng giá trị của luật pháp quốc tế và luật biển”, ông Kraska cho biết./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Vạch trần âm mưu đối phó với PCA của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO