Vay tiền qua mạng xã hội, người phụ nữ vùng tái định cư mất 45 triệu đồng

Huy Thư 18/11/2022 16:16

(Baonghean.vn) - Sau khi dùng điện thoại chuyển khoản 45 triệu đồng cho người lạ để được vay tiền, hai phụ nữ ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) mới biết mình đã bị lừa.

Chị V.T.M. (30 tuổi) trú ở bản Tân Ngọc, xã Ngọc Lâm cho biết, chiều 17/11, chị đã thực hiện giao dịch trên điện thoại giúp bạn chị là L.T. H. (32 tuổi) ở cùng bản để vay tiền qua mạng. Chị M. đã chuyển 3 lần tiền vào số tài khoản 0779940737 ngân hàng SHB, tên khách hàng thụ hưởng là Tran Huu Trong với tổng số tiền là 45 triệu đồng.

Theo chị H., gia đình chị đang xây nhà, trong lúc còn thiếu tiền để thanh toán cho cửa hàng bán vật liệu xây dựng thì thấy trên Facebook đăng tin cho vay tiền, chị liền trao đổi với họ. Sau khi nhắn tin qua lại, bên “cho vay tiền” đồng ý cho chị H. vay tiền và yêu cầu chị làm "hồ sơ” để được vay 20 triệu đồng.

Chị H. đến nhà chị M. chơi, chị M. đã giúp chị H. cung cấp thông tin cá nhân và làm “hồ sơ” vay tiền. Tuy nhiên, khi làm xong “hồ sơ”, bên “cho vay” lấy lý do viết hồ sơ sai, thiếu chữ “bản Tân Ngọc”, đã yêu cầu chị H. gửi 5.000.000 đồng để chỉnh sửa “hồ sơ”.

Thông báo chuyển khoản thành công trên điện thoại của chị M. Ảnh: Huy Thư

Chị H. và chị M. đề nghị bên “cho vay” cung cấp danh tính, thông tin cá nhân, thì được nick name Nguyễn Thị Bảo Ly gửi qua Facebook hình ảnh 1 người phụ nữ đang cầm thẻ căn cước công dân có tên Nguyễn Thị Bảo Ly quê quán và hộ khẩu thường trú tại thị trấn Đô Lương.

Bên "cho vay tiền" gửi cho chị M. hình ảnh và thông tin cá nhân. Ảnh: NVCC

Tin tưởng “đối tác cho vay” qua hình ảnh, chị M. đã dùng điện thoại của mình thực hiện giao dịch chuyển vào số tài khoản mà "đối tác" cung cấp 5 triệu đồng, để chỉnh sửa hồ sơ.

Sau đó, với nhiều lý do khác nhau, bên “cho vay” tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển tiền để “hoàn tất hồ sơ”. Từ 16h đến 19h cùng ngày, chị M. đã vay tiền người thân để giúp chị H. và chuyển tiếp 2 lần nữa vào tài khoản trên, mỗi lần 20 triệu đồng.

Sau khi chị M chuyển 45 triệu đồng, nick name Nguyễn Thị Bảo Ly thông báo chị đã chuyển nhầm tài khoản và yêu cầu chuyển lại. Tin nhắn của bên “cho vay” gửi qua điện thoại của chị H. ghi: “Em xử lý được thì lấy tiền về, không xử lý được thì buộc chị phải đóng hồ sơ của em lại và đưa về kho bạc nhà nước”.

Chị M. cho biết thêm, do bên “cho vay” vẫn yêu cầu chuyển tiền. Đêm qua, chị đi vay anh em, người quen, bạn bè mà không ai cho vay, nên không có tiền để chuyển nữa.

"Hồ sơ" cho vay tiền do người lạ trên mạng xã hội lập. Ảnh: NVCC

Cho đến sáng 18/11, chị M. vẫn tin là mình đã chuyển tiền nhầm, nên nhắn tin, gọi điện cho một số người nói về việc chuyển tiền nhầm và hỏi cách xin lại. Qua cách phân tích của một số người hiểu biết chị mới ngộ ra mình bị lừa

“Tiền của em là 20 triệu đồng, tiền của một người quen gửi về cho người thân là 5 triệu, em đi vay được 20 triệu, tất cả đều chuyển qua thẻ đó. Đêm qua, em như người mất hồn, cứ nghe họ nói chuyển tiền là chuyển” - chị M. vừa nói, vừa khóc.

Trong lúc nóng ruột, bối rối, chị M đã đến ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Thanh Chương thông báo đêm qua đã chuyển tiền cho người lạ và nhờ nhân viên ngân hàng tư vấn. Lúc này, chị M. liên lạc với số điện thoại 0385 216 809 của bên “đối tác cho vay” thì chỉ nghe tiếng tút, tút….

Tin nhắn trao đổi giữa chị H. và người lạ trên mạng. Ảnh: Huy Thư

Chị L.T.H. chia sẻ: Do chị không có tài khoản ngân hàng và cũng không rành chuyện giao dịch trên điện thoại, nên mọi việc đều do chị M. thao tác. "Nhà em thì đang làm, còn mắc nợ" - chị H. nói.

Nhắc chuyện chị M. bị lừa mất số tiền lớn, bà V.T.L. (52 tuổi) - mẹ ruột chị M. cho biết: Chiều qua, M. gọi điện vay tiền cháu đang đi làm công ty, giúp chị H., cháu nó cho vay 20 triệu liền, rồi chuyển hết cho họ. Tôi ở nhà thì cũng sẽ hỏi vay tiền để chuyển cho ai, chuyển vì lý do gì, để ngăn cản kịp thời.

"Một lúc mất 45 triệu đồng, nghe mà nóng ruột. Giờ phải làm lễ cúng vía, động viên nó, của đi thay người, cầu cho nó có sức khỏe, bình tâm để làm ăn và kiếm tiền trả nợ cho đứa cháu " - bà L. nói.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội, dưới các chiêu trò như: cho vay tiền, nộp tiền hoàn tất hồ sơ; trúng giải thưởng nộp tiền lệ phí nhận giải; có quà từ nước ngoài gửi về, nộp tiền để thông quan; chuyển tiền vào tài khoản được nhận lại gấp rưỡi, gấp đôi; hack tài khoản Facebook nhắn tin vay, mượn tiền...

Mặc dù hình thức lừa đảo không mới và đã được tuyên truyền nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng một số người dân, đặc biệt là phụ nữ vẫn nhẹ dạ cả tin, để mất tiền oan.

Mới nhất

x
Vay tiền qua mạng xã hội, người phụ nữ vùng tái định cư mất 45 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO