Về Đông Hiếu nghe câu ví, dặm
(Baonghean) - Gần 20 năm nay, những tiết mục văn nghệ của những nông dân chân lấm tay bùn đến từ Câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa) đã trở nên quen thuộc với đông đảo người dân vùng Phủ Quỳ. Đây thực sự là một điều đáng quý, bởi để bảo tồn dân ca ví, dặm, đặc biệt là ở một xã miền núi là một điều không dễ dàng...
CLB Dân ca ví, dặm xã Đông Hiếu luyện tập. |
Tôi tình cờ biết đến các thành viên của Câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Đông Hiếu từ một tiểu phẩm có tên là “Tổ ấm gia đình”, được phát trên loa phát thanh nhằm tuyên truyền về vấn nạn ma túy. Không ngờ, một tiết mục đầy kịch tính và nhiều cảm xúc như vậy lại được diễn hoàn toàn từ những người nông dân chân lấm tay bùn.
Người khởi xướng và giữ vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ là anh Trần Văn Hồng, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu. Anh kể, thời điểm năm 1995, khi mới thành lập, các thành viên chưa có khái niệm về câu lạc bộ hay là đội văn nghệ mà chỉ đơn thuần là tập hợp một nhóm 4 đến 5 người yêu dân ca cùng sinh hoạt với nhau. Có chương trình văn nghệ nào của thôn, của xóm là các anh tự dàn dựng chương trình rồi biểu diễn cho bà con xem. Sau này, thấy hoạt động của nhóm có hiệu quả, đặc biệt là sau khi các anh đã xây dựng được một số tiểu phẩm có giá trị tuyên truyền cao, xã động viên các anh thu băng cát-xét rồi phát trên loa phát thanh các xóm khuyến khích; các anh, các chị được tham dự các hội diễn của thị xã. Hoạt động bền bỉ hơn mười năm, đến năm 2008, khi tỉnh có chủ trương thành lập các câu lạc bộ dân ca ví, dặm xứ Nghệ, Câu lạc bộ dân ca ví, dặm xã Đông Hiếu mới chính thức được thành lập. Số thành viên của câu lạc bộ cũng được nâng lên từ 5 người, 7 người, 15 người và nay tăng lên 25 người. Ngoài ra, những khi có sự kiện hoặc chương trình thì có thể huy động nhiều hơn nữa.
Xã Đông Hiếu đang được Thị xã Thái Hòa chọn để tổ chức chương trình “Làng vui chơi, làng ca hát”, nên ngày nào các thành viên trong câu lạc bộ cũng tập luyện miệt mài. Người nhỏ tuổi nhất của câu lạc bộ là 2 em Trang và Tuấn năm nay mới học lớp 5 cũng tranh thủ tập luyện để theo kịp chương trình. Dù chỉ mới được làm quen với dân ca ví dặm xứ Nghệ một thời gian ngắn, nhưng các em đã xử lý khá khéo léo, kể cả những câu hò có âm vực cao. Anh Trần Văn Hồng cảm thấy rất vui bởi CLB không chỉ biểu diễn, đưa dân ca ví, dặm xứ Nghệ đến gần với bà con trong vùng, mà còn phát hiện và truyền dạy dân ca cho lớp trẻ.
Để câu lạc bộ phát triển như hôm nay, bản thân anh Trần Văn Hồng, chị Phạm Thị Hương hay anh Phạm Thế Lâm, những thành viên “cây đa, cây đề” của câu lạc bộ đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc phát triển thành viên câu lạc bộ. Bởi lẽ, Đông Hiếu dù là một xã miền núi, nhưng dân trong vùng lại là dân góp. Đây cũng không phải là cái nôi, là nơi gốc tích của dân ca ví, dặm xứ Nghệ nên để tìm được người hiểu và biết hát dân ca không dễ. Nhưng bằng tình yêu dân ca, bằng một khát khao muốn lưu giữ loại hình dân ca dân vũ của quê hương xứ Nghệ, các thành viên trong câu lạc bộ đã không quản ngại lặn lội xuống các thôn xóm, tìm kiếm các hạt nhân có năng khiếu văn nghệ rồi từ đó truyền dạy cho các em những làn điệu dân ca truyền thống. Bản thân các anh, các chị cũng chỉ đam mê chứ chưa am hiểu về dân ca, thế nên để truyền dạy cho các em, các cháu, các thành viên trong CLB phải tự học, tự tìm hiểu. Bên cạnh đó là vấn đề kinh phí, bởi câu lạc bộ hoạt động tự phát trên tinh thần tự nguyện nên hầu như mọi chi phí đều do mọi người đóng góp…
Vượt lên tất cả những khó khăn đó, các thành viên câu lạc bộ được người dân đón nhận nhiệt tình, họ đã đưa dân ca ví dặm trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc với người dân trong vùng. Anh Lâm kể: Đêm văn nghệ nào có tiết mục biểu diễn các làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ cũng được bà con đón nhận nhiệt tình. Nhiều cụ già ở Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn lên đây lập nghiệp đã lâu không được nghe lại những bài hát của quê hương đã không giấu được xúc động, biểu diễn xong còn yêu cầu chúng tôi hát đi hát lại nhiều lần. Và đó là lý do để chúng tôi gắn bó với câu lạc bộ từ ngày ấy đến giờ.
Không chỉ hoạt động ở xã, Câu lạc bộ dân ca ví, dặm xã Đông Hiếu cũng đã tạo được tiếng vang sau nhiều hội diễn thành công ở thị xã và khu vực. Hiện các thành viên trong câu lạc bộ cũng không nhớ được mình đã được đi dự bao nhiêu liên hoan văn hóa văn nghệ, Lễ hội Làng Sen, liên hoan dân ca ví dặm của tỉnh nữa. CLB được nhận nhiều giấy khen và bằng chứng nhận có giá trị như: Giải A, tiết mục “Đối đáp giao duyên” tại Liên hoan các câu lạc bộ dân ca ví dặm của tỉnh, giải Bạc tại Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và nhiều giải khác. Bản thân anh Trần Văn Hồng, sau 24 năm đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, truyền dạy dân ca ví dặm vinh dự được công nhận Nghệ nhân dân gian Việt Nam và đang tiếp tục làm hồ sơ để đề nghị xét phong trặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Từ ngày câu lạc bộ đi vào hoạt động, công tác văn hóa thông tin cơ sở của xã nhà có bước phát triển đáng kể, góp phần đưa 12/14 xóm của xã đạt danh hiệu Làng Văn hóa và đang đặt mục tiêu xây dựng thành xã văn hóa vào năm 2015. Năm 2011, Đông Hiếu được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động văn hóa thể thao tại địa phương và hiện đã đạt 16/19 tiêu chí về nông thôn mới.
Chia tay các thành viên câu lạc bộ, chúng tôi tin vào sức sống trường tồn của dân ca ví dặm. Bởi còn có những người thực sự tâm huyết, những người thực sự khát khao đưa dân ca trở thành món ăn tinh thần của cả cộng đồng như các thành viên CLB dân ca ví dặm xã Đông Hiếu…
Bài, ảnh: Mỹ Hà