Vì sao chưa có giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em?

Thanh Nga 11/07/2019 19:03

(Baonghean.vn) - Trẻ em bị đuối nước gia tăng; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em; trẻ em vi phạm pháp luật… diễn ra nhiều nơi là những vấn đề nóng tại phiên chất vấn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Chiều 11/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tình trạng trẻ em bị đuối nước; tình trạng bạo hành trẻ em; mua bán trẻ em; trẻ em vi phạm pháp luật…

71 vụ trẻ bị xâm hại đã sát thực tế?

Báo cáo tại phiên chất vấn, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB & XH cho biết: Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 71 vụ trẻ em bị xâm hại, bạo hành; có 17 vụ mua bán trẻ em; 22 trẻ em bị mua bán.

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB & XH giải trình tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Ngay sau báo cáo của Giám đốc Sở, bà Lữ Thị Thìn đại biểu Quế Phong nêu ý kiến: Hiện có rất nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng trên thực tế chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về việc gia tăng các vụ trẻ em bị xâm hại. Vậy con số 71 vụ trẻ em bị xâm hại đã đúng thực tế chưa?

Gần 1.000 học sinh Nghệ An chia sẻ kỹ năng phòng chống xâm hại. Ảnh tư liệu
Học sinh Nghệ An chia sẻ kỹ năng phòng, chống xâm hại. Ảnh tư liệu

Ông Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Những con số này được thống kê dựa trên thống kê các vụ việc của Công an tỉnh, còn những số liệu qua các kênh khác thì sở, ngành không tổng hợp”. Ông Vũ cho rằng, giải pháp ngăn chặn thì chúng ta đã ban hành nhiều, nhưng cần nhất vẫn là các nguồn tin kịp thời từ các cấp cơ sở; và sự phối hợp giữa các liên ngành để có những giải pháp sát sườn hơn.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn về nạn bạo lực học đường. Ảnh: Thành Cường

Hội trường nóng khi báo cáo của Sở LĐ-TB & XH cho biết: Các năm học từ 2016 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, một số vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích. Ông Trần Văn Hường, đại biểu Nam Đàn băn khoăn: “Các vụ bạo lực học đường đều do học sinh đưa lên chứ chưa có kênh thông tin từ nhà trường, vậy Sở Giáo dục và Đào tạo có ý kiến gì về điều này?”.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Dù vụ việc diễn ra trong hay ngoài trường học, thì trách nhiệm vẫn thuộc về ngành Giáo dục. Sở, ngành rất đau lòng và xin nhận trách nhiệm". Ông Thành cũng cho biết, đến nay Sở đã xây dựng được các tổ tư vấn tâm lý học đường để kịp thời hỗ trợ can thiệp những tâm lý bất thường của học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của các tổ tư vấn này chưa cao, vì năng lực của các thành viên trong tổ chưa đáp ứng được.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời ý kiến về nạn tảo hôn. Ảnh: Thành Cường

Nghị trường cũng nóng bởi thông tin hiện có tới 182 trẻ em tảo hôn, 179 cặp tảo hôn. Bà Phan Thị Thanh Thủy, đại biểu TX. Thái Hòa chất vấn rằng: Hiện có tới 182 trẻ em tảo hôn thì sở, ngành và các ban, ngành liên quan đã có giải pháp gì, và con số này đã chính xác hay chưa?.

Trả lời về vấn đề này, ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Một phần vì tập tục, nhưng phần khác thì công tác quản lý của chúng ta chưa nghiêm, chưa có chế tài đủ mạnh, nhiều cặp không báo cáo lên chính quyền xã. Thậm chí có nhiều người là cán bộ xã, là chủ tịch Hội LHPN xã nhưng con của họ vẫn tảo hôn.

Gia tăng đuối nước vì thiếu bể bơi

Về việc trẻ nghiện game và từ đây có nhiều hệ lụy, ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng: Nghị định của Chính phủ quy định còn chưa chặt chẽ, ví dụ quán game phải cách cổng trường 200m thì điều này không khả thi, hay việc xử phạt các nhà mạng cũng không đủ sức răn đe, nhằm ngăn chặn tình hình này.

Trẻ em nghiện game sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Ảnh tư liệu
Trẻ em nghiện game sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Ảnh tư liệu

Ông Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: Hiện có tới 360 nhà mạng có phép và hoạt động nhưng có tới 500 triệu người sử dụng mạng xã hội. Hiện trẻ em rất thích vào các nhà mạng nhỏ và vừa, vì các nhà mạng này rất thu hút các em.

Tuy nhiên, Quy định 72 của Bộ TTTT về mạng Internet còn có những quy định bất cập với thực tế. “Trên thực tế chúng tôi đã xử phạt 3 tài khoản facebook và 2 tài khoản zalo có trò chơi độc hại” - ông Hùng cho biết.

Còn ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng: “Trăm tờ rơi, trăm diễn đàn tuyên truyền cũng không bằng một lần “tuyên truyền” qua các kênh trò chơi, game. Thế nên việc ngăn chặn các trò chơi độc hại cần được tăng cường”.

Hội trường cũng nóng về những ý kiến xung quanh việc tổ chức các Diễn đàn trẻ em; ý kiến trẻ em thông qua các diễn đàn đã được giải quyết như thế nào?. Hay “Liệu có lỗ hổng nào trong trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ không, vì kinh phí hay vì phân công trách nhiệm chưa đúng, khi các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành hơn 109 văn bản về công tác trẻ em nhưng hiệu quả chưa cao” - đại biểu Quỳ Hợp, bà Võ Thị Minh Sinh nêu ý kiến.

Về vấn đề này ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng đến nay toàn tỉnh có 5.914 cán bộ làm công tác trẻ em ở thôn, xóm, nếu thực hiện hết trách nhiệm thì không có lỗ hổng.

Hơn 200 trẻ em tại thị trấn Hòa Binh và các địa bàn lân cận của huyện Tương Dương được dạy bơi miễn phí. Ảnh: Đình Tuân.
Hơn 200 trẻ em tại thị trấn Hòa Binh và các địa bàn lân cận của huyện Tương Dương được dạy bơi miễn phí. Ảnh: Đình Tuân.

Về thực trạng gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhiều đại biểu cho rằng mô hình “Toàn trường biết bơi, toàn xã biết bơi” chưa thực hiện được. Ông Thái Văn Thành cho rằng, một phần vì cơ sở vật chất còn thiếu, toàn tỉnh chỉ mới có 200 bể bơi, trong đó mới chỉ có 150 bể bơi cố định. “Hiện Bộ chưa có bộ giáo trình dạy bơi trong nhà trường, chưa có giáo viên dạy bơi, chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Sắp tới Sở sẽ đẩy mạnh phong trào xã hội hóa để xây bể bơi”. Ông Thành cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng gia tăng đuối nước rõ ràng chúng ta còn chủ quan.

Bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Kết luận phiên chất vấn, bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Sắp tới ngành LĐ-TB & XH cần phối hợp với các ngành liên quan rà soát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016 và các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em để xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện có hiệu quả cao nhất.

Đổi mới hình thức tuyên truyền về kiến thức pháp luật, giáo dục kỹ năng sống có nguy cơ cao dễ bị bạo lực, xâm hại, tảo hôn... Đồng thời tập trung chiến dịch truyền thông về đuối nước... Nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ ,chăm sóc và giáo dục trẻ em. “Nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em được bảo vệ an toàn và có cơ hội được phát triển về thế chất, trí tuệ, tinh thần” - bà Cao Thị Hiền khẳng định.

Mới nhất

x
Vì sao chưa có giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO