Vì sao Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động đối với 3 địa phương của Nghệ An?

Nguyễn Hải 17/03/2023 09:52

(Baonghean.vn) - Như Báo Nghệ An đã đưa, đầu tháng 3/2023, Hàn Quốc đã chính thức thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động đợt 1 năm 2023 của Chương trình hợp tác EPS đối với 3 huyện thị là Cửa Lò, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Trong bối cảnh Hàn Quốc cần nhân lực nhưng vẫn ngừng tiếp nhận lao động. Vì sao?

Thị trường lao động giàu tiềm năng nhưng nhiều cám dỗ

Từ nhiều năm lại đây, Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận đầy tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Do số lượng lao động hàng năm sang làm việc nhiều và công tác quản lý còn có những bất cập nên phát sinh tình trạng lao động bỏ trốn còn nhiều. Vì vậy, việc tạm dừng tiếp nhận lao động xuất khẩu đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng là biện pháp gây áp lực của Hàn Quốc đối với các nước.

Lao động các huyện 30a của Nghệ An đăng ký thi tuyển đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Giai đoạn 2017-2019, hàng chục huyện, thị của Việt Nam bị phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động. Tại Nghệ An, theo báo cáo của Sở Lao động, TB&XH thời điểm năm 2018 - 2019, bình quân 100 người sang Hàn Quốc lao động có 57 người bỏ trốn sau khi kết thúc hợp đồng, khiến phía Hàn Quốc đưa 18/21 huyện, thị vào diện xem xét và sau đó thông báo dừng tiếp nhận lao động của 11/21 huyện, thị.

Sở Lao động, TB&XH Nghệ An và UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức tuyên truyền về tình trạng lao động sang Hàn Quốc không về nước đúng hạn. Ảnh Tư liệu (cơ sở cung cấp)

Sau một thời gian tạm dừng để các địa phương vận động, tuyên truyền, tình trạng trên đã giảm, một số huyện như Yên Thành, Quỳnh Lưu đã có chuyển biến, nên vài năm lại đây phía bạn đã tiếp nhận lao động trở lại. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng lao động các huyện, thị, nhất là Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò lại tái diễn tình trạng bỏ trốn, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Đáng nói, vừa qua phía Hàn Quốc lại tiếp tục ra thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động đối với 8 huyện, thị trên cả nước .

Theo số liệu của UBND huyện Hưng Nguyên, từ năm 2013 đến nay có hơn 1.000 lao động của địa phương đã sang lao động tại Hàn Quốc, nhưng hiện tại có 136 lao động chưa về nước đúng hạn. Ảnh tư liệu (cơ sở cung cấp).

Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam, nhất là lao động các huyện nghèo biên giới, xã bãi ngang ven biển sang lao động tại Hàn Quốc là chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS).

Theo đó, hàng năm Hàn Quốc ưu tiên tiếp nhận các lao động tại địa bàn trên sang Hàn Quốc làm việc trên các lĩnh vực nông lâm, hải sản, cơ khí... Năm 2022, Hàn Quốc tiếp nhận hơn 10.000 lao động và năm nay tăng lên 12.000 lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mời các chuyên gia lao động quốc tế về tập huấn truyền thông cho các lao động tạo nguồn trước khi đi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động, TB&XH: "Nghệ An có 4 huyện nghèo thuộc diện 30a là Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu và một số xã thuộc vùng bãi ngang ven biển là những địa phương nhu cầu lao động xuất khẩu tại các nước, trong đó có thị trường Hàn Quốc rất lớn. Trước khi có các lệnh dừng tiếp nhận và trước dịch Covid-19, hàng năm Nghệ An có từ 5.000 - 6.000 lao động sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, nay do lệnh cấm nên số lao động đã giảm, năm 2022 chỉ có 1.300 người".

Tìm hiểu thêm, được biết, thời gian gần đây thông tin về điều kiện, thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc ngày càng rõ ràng, minh bạch, chi phí trung gian giảm và chế độ thu nhập của lao động khá cao nên thị trường lao động tại Hàn Quốc là có sức hút đối với lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là nước sở tại có tỷ lệ lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng nhiều nhất. Nguyên nhân là do một bộ phận doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh của Hàn Quốc muốn sử dụng lao động Việt Nam nhưng không muốn bỏ chi phí dịch vụ giới thiệu, tuyển dụng lao động. Lợi dụng tâm lý người Việt Nam muốn ở lại sau khi hết hợp đồng, thay vì động viên Việt Nam về nước làm thủ tục gia hạn, các doanh nghiệp này tiếp tay, chứa chấp các lao động trốn ra ngoài làm việc.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh:"Do không mất chi phí làm thủ tục đi trở lại và chủ sử dụng không mất chi phí giới thiệu, tuyển chọn cho các nhà tuyển dụng nên các chủ sử dụng lao động trả lương khá cao. Nay Chính phủ Hàn Quốc làm mạnh, thậm chí trao thưởng cho tin báo tố giác doanh nghiệp chứa chấp, sử dụng lao động bất hợp pháp nên nguy cơ lao động Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ ngày càng lớn hơn".

Hệ lụy và giải pháp giảm lao động bỏ trốn?

Báo cáo của Sở Lao động, TB&XH Nghệ An cho thấy, tính đến đầu tháng 3/2023, toàn tỉnh có 1.770 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó 372 lao động không về nước từ 2020-2021 và 1.524 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước 2020-2021.

Tuy nhiên, sau khi vận động, chỉ một số lao động về nước và do tỷ lệ không về nước đúng hạn của Nghệ An còn khá cao (chiếm 24,41%). Cụ thể, trong 5 địa phương thì Nghi Lộc đứng đầu với 295 lao động bỏ trốn chưa về, Nam Đàn 207 lao động, TP Vinh 194 lao động, TX Cửa Lò 192 lao động và Hưng Nguyên 136 lao động. Các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TX Cửa Lò có tỷ lệ lao động không về nước đúng hạn cao, lần lượt là 29,03%; 46,55% và 28,97% nên bị phía bạn thông báo tạm dừng tiếp nhận...

Nhu cầu đăng ký lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc của người lao động Nghệ An rất lớn, nhưng hiện tại mỗi năm phía bạn chỉ tiếp nhận được 1.200 - 1.300 người. Ảnh minh họa: Nguyễn Hải

Tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hợp đồng đã gây ra những hệ lụy rất lớn. Theo thông báo của phía Hàn Quốc, lao động nào tự nguyện ra khai báo trước thời điểm 28/2/2023 thì được phía Hàn Quốc hỗ trợ chi phí máy bay đưa về nước; sau 1/3/2023, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức kiểm tra, truy quét, khi bắt được lao động bất hợp pháp sẽ xử phạt 300 ngàn Won (tương đương 500 triệu đồng Việt Nam) và có thể bị xem xét phạt tù...

Các nhà tuyển dụng nước ngoài kết hợp với doanh nghiệp và Sở Lao động, TB&XH về một cơ sở đào tạo định hướng tại Nghệ An kiểm tra năng lực lao động đi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hải

Những hình ảnh do một số nhóm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gần đây cũng cho thấy lực lượng cảnh sát nước này đã tổ chức kiểm tra, truy quét rất gắt gao. Có trường hợp các lao động Việt Nam (nghi là bỏ trốn) ngay khi vừa đến quán để ăn trưa thì bị lực lượng cảnh sát ập vào kiểm tra giấy tờ tùy thân và dẫn giải đi.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, TB&XH, trước khi đưa ra biện pháp mạnh, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo cho Việt Nam và trên cơ sở đó, từ quý 3/2022, Bộ Lao động, TB&XH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động để các lao động hết hạn về nước. Vì thế, từ tháng 10/ 2022, Sở Lao động, TB&XH Nghệ An và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền vận động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Nghệ An tham gia một hội nghị trực tuyến toàn quốc do Bộ Lao động, TB&XH tuyên truyền với chuyên đề giảm tình trạng lao động Việt Nam ra nước ngoài bỏ trốn. Ảnh Tư liệu (Báo Nghệ An)

Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc:"Là một trong những huyện thường xuyên trong danh sách bị phía Hàn Quốc ra thông tin dừng tiếp nhận nên huyện cũng xấu hổ và áp lực. Huyện đã tổ chức nhiều cuộc vận động và trên nhiều diễn đàn tuyên truyền cho bà con nhân dân, cùng chính quyền tổ chức cho các gia đình ký cam kết vận động con em về sau khi hết hạn hợp đồng nhưng chuyển biến còn thấp".

Tình trạng lao động bỏ trốn không chỉ khiến các lao động đối mặt với rủi ro pháp lý rất cao, mà còn khiến các lao động khác hiện đang được đào tạo, chuẩn bị nguồn cũng bị ảnh hưởng. Để được tiếp nhận sang làm việc tại Hàn Quốc là không hề dễ và là mong muốn của nhiều lao động bởi điều kiện làm việc, thu nhập khá tốt so với các thị trường khác.

Lao động kỹ thuật được đào tạo huấn luyện xong chuẩn bị sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải

Để làm tốt việc này, thiết nghĩ cùng với yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các lao động đang bỏ trốn khai báo làm thủ tục về nước để phía bạn tháo dỡ lệnh dừng tiếp nhận, thì đồng thời yêu cầu gia đình có con em đi lao động ký cam kết với chính quyền địa phương; các đơn vị chuẩn bị nguồn và tuyển dụng lao động tăng cường giáo dục định hướng, thực hiện nghiêm các quy định về ký quỹ bảo lãnh…

Đại diện Phòng việc làm - Sở Lao động, TB&XH Nghệ An kiến nghị: Về lâu dài, Bộ Lao động giữa 2 nước cần xây cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn, theo đó lao động làm việc hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn và đảm bảo điều kiện thì được ưu tiên đi trở lại Hàn Quốc làm việc thay vì tuyển mới từ đầu sẽ mất chi phí lớn hơn. Cũng như Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất muốn sử dụng những lao động đã qua đào tạo và thạo việc sẽ hiệu quả hơn, thay vì tiếp nhận lao động mới sẽ phải mất thời gian hướng dẫn lại.

Mới nhất
x
Vì sao Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động đối với 3 địa phương của Nghệ An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO