Vì sao ông Obama ủng hộ bà Hillary Clinton làm Tổng thống Mỹ?
Các nhà quan sát nhận định, lời khen của ông Obama dành cho cựu Ngoại trưởng của mình có thể giúp bà Hillary có thể ghi thêm điểm trước công chúng.
Cuộc đua tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang nóng dần lên từng ngày với những lá phiếu sít sao từ các ứng cử viên sáng giá. Một trong những ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã được Tổng thống đương nhiệm Barack Obama ca ngợi hết lời trên báo chí và các phương tiện truyền thông.
Thú vị ở chỗ bà Hillary từng là “đối thủ” của ông Obama trong cuộc chạy đua năm 2008 để làm người đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Cuộc chạy đua thất bại, bà Hillary rút lui và quay sang ủng hộ ông Obama trở thành Tổng thống. Đáp lại, sau khi lên làm Tổng thống, ông Obama đã bổ nhiệm bà trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
Bà Hillary thông minh một cách “xấu xa”
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí Politico, ông Obama thừa nhận, có nhiều điều không công bằng đối với bà Hillary trong cuộc đua năm 2008: báo chí đứng về phía ông, trong khi bà Hillary luôn phải nỗ lực nhiều hơn những ứng cử viên khác để đáp ứng được kỳ vọng cao từ phía công chúng, bao gồm cả việc đầu tóc phải hoàn hảo khi xuất hiện.
“Bà ấy đã phải thức dậy sớm hơn tôi bởi vì bà ấy cần chuẩn bị một bộ tóc hoàn hảo”, ông Obama hóm hỉnh trả lời.
Ông Obama tiếp tục: “Sự thật là trong cuộc đua năm 2007- 2008, đôi khi những người ủng hộ tôi và đội ngũ của tôi đã hơi nóng giận trước những câu hỏi quyết liệt nhưng chính đáng mà bà Hillary đặt ra. Và cũng có lúc tôi cho rằng các phương tiện truyền thông có đôi chút không công bằng đối với bà ấy”.
Trong thực tế, bà Hillary gặp nhiều khó khăn hơn phái nam khi tranh cử Tổng thống, “Bà ấy đã phải làm tất cả mọi thứ mà tôi làm, nhưng cùng với đôi giày cao gót”, ông Obama nói.
Nhận xét về 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong đảng Dân chủ, ông Obama cho biết, ứng cử viên Bernie đến cuộc đua với tâm lý khá thoải mái, còn bà Hillary, “tôi nghĩ rằng bà có sẵn nhiều “đặc quyền” và “gánh nặng” đi kèm”.
“Công chúng luôn chỉ quan tâm đến những cá nhân tỏa sáng mà họ chưa từng biết đến trước đây, đó là điều bất lợi đối với bà ấy”, ông Obama nói.
Ông Obama nhận định, thế mạnh cũng như những đặc quyền của bà Hillary có thể trở thành bất lợi cho chính bà. Kinh nghiệm phong phú, thông minh một cách “xấu xa”, nắm rõ các chính sách cùng những vấn đề chính trị có thể khiến bà Hillary trở nên thận trọng hơn, và bởi thế chiến dịch tranh cử có thể trở thành “bài văn xuôi” chán ngắt thay vì là “bài thơ” bay bổng.
Tuy nhiên, khả năng điều hành của bà Hillary là điều không thể phủ nhận. Ông Obama cho rằng: “Bà ấy (Hillary) có thể bắt đầu làm việc ở đây (Nhà Trắng) từ ngày đầu tiên với kinh nghiệm nhiều hơn bất kỳ ai khác chưa từng làm Tổng thống”.
Từ đối thủ trở thành bạn bè lâu năm
Mặc dù thất bại trong cuộc cạnh tranh gay gắt với ông Obama để giành "chiếc vé" ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2008, song sau đó bà Clinton đã trở thành một trong những phụ tá đắc lực cho vị Tổng thống Mỹ thứ 44 trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, trước khi từ nhiệm vào năm 2013.
Khi bà Hillary rời chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ, đã có nhiều đồn đoán rằng mối quan hệ giữa bà và ông Obama có nhiều rạn nứt. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Obama luôn dành cho bà những lời ca tụng. Hơn thế nữa, đội ngũ hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử hiện tại cho bà Hillary cũng chính là những phụ tá tài năng của ông Obama.
Về những có cánh của ông Obama dành cho bà Hillary, phát ngôn viên Nhà Trắng, Eric Schultz cho hay, “Chúng tôi chỉ có thể nói rằng, việc ông ấy công khai ủng hộ ai, đó là quyền của ông ấy”.
Giáo sư Matt Dickinson, chuyên ngành khoa học chính trị tại trưởng Cao đẳng Middlebury nhận định, thông thường một Tổng thống đương nhiệm sẽ không chính thức bày tỏ ý kiến rõ ràng về việc mình sẽ đứng về phía chiến tuyến nào trong cuộc tranh cử. Tuy nhiên ông ấy có thể gián tiếp gửi tín hiệu của mình về một ứng cử viên yêu thích.
“Trong thực tế, tôi nghĩ rằng ông Obama đã nói rõ trong cuộc phỏng vấn với Polotico rằng ông ấy thích ứng cử viên Hillary Clinton”, giáo sư Dickinson nói.
Trước đó, khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ra tranh cử, ông Obama đã từng từ chối khi được phóng viên hỏi liệu rằng ông muốn bà Clinton hay ông Biden thành công.
“Tôi thích cả 2 người. Rất đáng để thử xem”, ông Obama nói.
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, và bà Hillary Clinton. (ảnh: Flickr). |
Các nhà quan sát cho rằng, việc phải lựa chọn giữa bà Clinton hay ông Biden sẽ là một nhiệm vụ “bất khả thi” đối với Tổng thống Obama, khi mà cả 2 người này ông đều gọi là “bạn”. Sau đó, ông Biden rút lui, nhường chỗ cho các ứng cử viên khác, và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với ông chủ Nhà Trắng.
Các nhà quan sát cho rằng, thái độ của ông Obama dành cho nữ cựu Ngoại trưởng của mình có thể giúp bà Hillary có thể ghi thêm điểm trước công chúng, đồng thời tăng cơ hội giành lấy “tấm vé” duy nhất của đảng Dân chủ khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là tới cuộc họp kín của Đảng Dân chủ tại bang Iowa, bà Hillary luôn gắn cuộc tranh cử của bà gần hơn với Tổng thống đương nhiệm và thu hút thêm sự ủng hộ từ những người ủng hộ ông Obama.
Bà lập luận trằng trong khi ứng cử viên Bernie Sanders theo đuổi các mục tiêu đáng ca ngợi, nhưng một số mục tiêu trong đó là không thể đạt được và vị Thượng nghị sĩ đại diện bang Vermont này thiếu kinh nghiệm để xử lý một loạt vấn đề.
Nước Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên?
Có nhiều người cho rằng cuộc chạy đua tại bang Iowa vào ngày 1/2 tới đây sẽ giống việc đối đầu giữa ông Obama và bà Clinton hồi năm 2018 (khi đó, bà Clinton thua cuộc). Tuy nhiên, Tổng thống Obama không đồng tình với điều này. Ông nói: “Điều này là không đúng”.
Tổng thống Mỹ cũng chỉ ra rằng, chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders cần phải có những thay đổi, hướng tới khả năng xử lý nhiều vấn đề của ứng cử viên thay vì chỉ tập trung vào một vấn đề nhất định.
Công việc hàng ngày của một Tổng thống rất bận rộn với rất nhiều sự kiện xảy ra cùng một lúc. Ông Obama lấy ví dụ: “Cách đây hơn một tuần, khi tôi còn đang bận soạn thảo bài phát biểu Thông điệp Liên bang, thì một nhân viên Nhà Trắng bước vào và báo cáo một vài thủy thủ đã đi lạc vào hải phận của Iran. Đó là một ngày làm việc điển hình của Tổng thống”.
Thận trọng trước ứng cử viên Bernie Sanders, nhưng ông Obama lại dùng những lời "có cánh" cho bà Hillary. Không chỉ ông Obama, nhiều người dân Mỹ cũng tin tưởng rằng bà Hillary sẽ làm tốt vai trò của mình khi trở thành Tổng thống.
Nhiều người dân Mỹ cũng tin tưởng rằng bà Hillary sẽ làm tốt vai trò của mình khi trở thành Tổng thống. (ảnh: AP). |
Bloomberg cũng đã liệt kê ra hàng loạt những lợi thế mà bà Hillary đang có so với các đối thủ khác trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Trước hết, bà Hillary cho thấy triển vọng có thể đánh bại đối thủ Dân chủ Bernie Sanders, nhất là sau khi bà được Tổng thống Mỹ đánh “tín hiệu” ủng hộ.
Bà Hillary cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ các công đoàn lao động; từ các cử tri Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á và những cử tri trẻ tuổi.
Thêm vào đấy, chồng bà Hillary, cựu Tổng thống Bill Clinton đã sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch tranh cử của vợ bằng kinh nghiệm của mình đã giúp ông giành chiến thắng cách đây 8 năm.
Hơn thế nữa, nhóm vận động tranh cử của bà Hillary đã tìm kiếm được nguồn tài chính dồi dào từ giới doanh nhân giàu có phố Wall, tạo điều kiện chiến dịch tranh cử được trôi chảy, thuận lợi hơn rất nhiều.
Cuối cùng, Bloomberg khẳng định, phe Cộng hòa phạm sai lầm khi nghĩ rằng có thể hạ bệ bà Hillary bằng những bê bối xung quanh vụ email cá nhân hay vụ tấn công ở Benghazi khi bà Hillary còn làm Ngoại trưởng. Tuy nhiên, những vấn đề này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước hay đời sống của người dân.
Sau khi một người Mỹ da màu đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, ghi dấu ấn lịch sử trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, biết đâu người dân Mỹ sẽ chọn một người phụ nữ để ngồi vào chiếc ghế quyền lực tối cao trong nhiệm kỳ tới?
Theo VOV