'Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ thế giới?'
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Có phải Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ của thế giới và sửa luật Chuyển giao công nghệ có thể khắc phục điều này.
Trình dự thảo luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi trước UB Thường vụ QH sáng nay, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận định sau gần 1 thập kỷ, luật hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân |
Cơ quan thẩm tra, UB Khoa học Công nghệ và Môi trường QH đồng tình: "Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính..., ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".
Tình trạng “lách luật” để đưa công nghệ lạc hậu vào VN, theo UB này, cần phải có chế tài phù hợp với bản chất về trình độ công nghệ để ngăn ngừa. UB kiến nghị sửa đổi toàn diện luật Chuyển giao công nghệ, Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình nói.
Đây cũng là vấn đề lo ngại của UB Thường vụ QH khi thảo luận. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn đặt câu hỏi: "Có phải VN đang trở thành bãi thải công nghệ của thế giới và sửa luật có thể khắc phục điều này?"
Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh |
Lấy ví dụ sự cố môi trường nghiêm trọng cho Formosa gây ra, Chủ tịch QH chỉ ra vai trò của công nghệ và việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ vào các dây chuyền sản xuất trong nước.
Cũng bàn về câu chuyện Formosa, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ ra những hậu quả của công nghệ lạc hậu không những ảnh hưởng đến môi trường, mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình an ninh trật tự, đời sống, an sinh.
"Từ đó đặt câu hỏi có phải ta chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ, luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn hạn chế, hay do quản lý nhà nước chưa tốt. Theo tôi là cả hai, và phải khắc phục cả hai vấn đề này", ông Uông Chu Lưu nói.
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì đặt câu hỏi về những vấn đề còn vướng mắc trong 10 năm qua trong chuyển giao công nghệ nội bộ ngay trong nước giữa các viện, trường và doanh nghiệp, từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn, từ các vườn ươm khởi nghiệp công nghệ đến các sản phẩm cụ thể...
Ông Phan Thanh Bình |
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cái khó lớn nhất chính là thị trường: "Doanh nghiệp dường như còn chưa có nhu cầu tự thân đối với công nghệ. Công nghệ nghiên cứu ra thì nhiều, nhưng muốn thành hàng hóa thì phải có đầu tư. Nhưng doanh nghiệp còn chưa có tư duy cạnh tranh bình đẳng với vũ khí là công nghệ".
Theo Bộ trưởng, đây chính là nơi nhà nước cần vào cuộc để tìm người mua, đặc biệt là những doanh nghiệp thực sự quan tâm đến công nghệ nhưng nguồn lực tài chính còn hạn chế.
"Cũng cần phát triển cả những tổ chức trung gian, vì nhà khoa học chỉ dừng lại trước cánh cửa phòng thí nghiệm. Đi đến đó mang công nghệ ra ngoài chào bán phải là người khác", ông nói.
Theo Vietnamnet.vn