Với Triều Tiên, con đường duy nhất là đối thoại

07/01/2016 09:21

(Baonghean) - Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Để hiểu rõ hơn về sự kiện đặc biệt gây chú ý này, Báo Nghệ An có bài phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

Địa điểm diễn ra vụ thử hạt nhân của Triều Tiên (chấm tròn màu đỏ). Ảnh: Internet.
Địa điểm diễn ra vụ thử hạt nhân của Triều Tiên (chấm tròn màu đỏ). Ảnh: Internet.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có bị bất ngờ trước thông tin Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch vào lúc này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chỉ cách đây 5-6 hôm, vào ngày đầu năm mới 2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu dài gần 30 phút, kêu gọi cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và hứa hẹn Bình Nhưỡng sẽ chân thành đối thoại với Seoul về vấn đề thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un còn kêu gọi Hàn Quốc tôn trọng thỏa thuận liên Triều đã ký kết hồi tháng 8/2015, để giảm căng thẳng và kiềm chế hành động quân sự của các bên có thể gây hại cho không khí hòa giải.

Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đưa ra bản thông điệp có thể nói là ngọn gió tốt lành gieo vào tất cả người dân Đông Bắc Á một không khí hòa bình, hữu nghị, cởi mở và người ta hy vọng 2016 sẽ là năm hòa dịu trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Ấy vậy mà, chỉ ít ngày sau họ lại tiến hành thử bom H, nên có thể nói rằng theo lôgích thông thường thì dư luận hoàn toàn bất ngờ.

Nhưng nếu hiểu rõ tính cách và phương thức lãnh đạo của ông Kim Jong-un, thì sẽ thấy không hề bất ngờ. Bởi từ cuối năm 2011 đến nay, ở vị trí lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông thường xuyên có những hành động khiến dư luận phải giật mình. Đây là con người có tính cách khó đoán định, ông Kim có thể làm bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào, bất chấp nội dung thông điệp tốt đẹp đầu năm mới vừa được đưa ra.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

PV: Thưa Thiếu tướng, tại sao một quốc gia đang phát triển, thậm chí có thể xem là nước nghèo như Cộng hòa DCND Triều Tiên trong nhiều thập niên vẫn theo đuổi sở hữu vũ khí hạt nhân?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự rất tốn kém, công nghệ cần có để sở hữu bom H hay bom nhiệt hạch rất hiện đại và đòi hỏi nhiều về nguồn tài chính và kỹ thuật. Thông thường, các nước có tiềm lực kinh tế hạn chế sẽ không theo đuổi điều này. Ngược lại, Triều Tiên đã bắt đầu theo đuổi chương trình hạt nhân từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Để lý giải điều này, cần xem xét phương diện mối quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc. Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cuộc cạnh tranh trên Bán đảo Triều Tiên diễn ra với đường phân chia là vĩ tuyến 38 Bắc giữa 2 quốc gia, 2 hệ thống chính trị đối lập. Sau hơn 50 năm, rõ ràng về kinh tế hay ngoại giao, Triều Tiên đều tụt hậu xa so với Hàn Quốc. Triều Tiên cho rằng, nếu không có vũ khí hạt nhân, họ sẽ bị các nước lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… thiếu tôn trọng. Người Triều Tiên vốn trọng danh dự nên không chịu bị nước khác xem thường. Vì thế, với họ con đường duy nhất chỉ có thể là tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, danh dự cá nhân và danh dự tập thể chính là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân.

PV: Theo quan điểm của Thiếu tướng, tại sao Triều Tiên lại thử bom H vào lúc này và mục đích của họ là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Triều Tiên thường có những hành động bất thường như bắn tên lửa tầm ngắn, tầm trung, phóng vệ tinh, thử bom nguyên tử,… Những việc làm này họ đều tính toán cẩn thận chứ không hề bột phát. Có luồng dư luận cho rằng lần này Triều Tiên tiến hành thử bom H như là lời chúc mừng ngày sinh của nhà lãnh đạo tối cao, song tôi cho rằng điều đó không đúng.

Chúng ta nên nhớ rằng, mỗi khi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nói chung có vẻ xao nhãng vấn đề Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ có động thái, chẳng hạn như bắn thử tên lửa, thử bom nguyên tử để khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý. Phải chăng, cuối năm 2015, đầu năm 2016, một loạt hoạt động ngoại giao diễn ra đã khiến Triều Tiên khó chịu, đó là cuộc gặp cấp cao 3 bên Hàn-Trung-Nhật, Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Mỹ, Ấn Độ, Australia,… Các nước khác như Nga và Mỹ cũng đang bận tâm tới cuộc xung đột Syria và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Liệu rằng Triều Tiên cảm thấy không được quan tâm và bị “bỏ rơi”?

Mỗi lần như vậy, họ sẽ tạo ra “sự cố”, và lần này họ thử bom nguyên tử. Tất nhiên, phản ứng của các nước lớn xảy ra ngay tức khắc, khi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc buộc phải trao đổi với nhau, vô hình trung trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.

Một ý đồ khác của Triều Tiên là tạo thêm vốn liếng để gây áp lực với các đối thủ và nâng vị thế của Bình Nhưỡng trong các đàm phán song phương và đa phương, đặc biệt là Đàm phán Sáu bên với các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Người Hàn Quốc theo dõi tin tức về tuyên bố thử thành công bom H của Triều Tiên. Ảnh: Internet.
Người Hàn Quốc theo dõi tin tức về tuyên bố thử thành công bom H của Triều Tiên. Ảnh: Internet.

PV: Vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua có tác động gì đến an ninh Đông Bắc Á nói riêng và an ninh thế giới nói chung, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực ra tác động của việc Triều Tiên thử bom H đến an ninh toàn cầu không lớn, chủ yếu là làm nóng lên bầu không khí Đông Bắc Á. 2 quốc gia trong trạng thái thường xuyên bị động ứng phó với Triều Tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục bị đặt vào tình cảnh khó khăn khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch - một công nghệ cao đặc biệt. Không khí an ninh ở Đông Bắc Á nóng lên, tạo ra dư luận quốc tế về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Seoul và Tokyo chắc chắn phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn, và hợp tác với cả Washington để cùng đối phó với Bình Nhưỡng.

Việc Triều Tiên thử bom H vô hình trung thúc đẩy thắt chặt thêm quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn, do đó cũng sẽ mang lại hậu quả khó lường đối với Trung Quốc. Khi 3 nước nói trên xích lại gần nhau, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều bất lợi, về cả chính trị, đối ngoại và an ninh đều rơi vào thế khó xử. Nói cách khác, dù các nước vẫn cần hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này, nhưng quan hệ đồng minh của họ sẽ gây rắc rối nhiều hơn là có lợi cho Bắc Kinh - người bạn gần như duy nhất của Triều Tiên. Nguy cơ mất cân bằng quyền lực tại Đông Bắc Á và khiến cán cân nghiêng về phía Mỹ rõ ràng là viễn cảnh mà Trung Quốc không hề mong đợi.

PV: Vậy, cộng đồng quốc tế phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Triều Tiên thử bom nhiệt hạch là hành động vi phạm một số Nghị quyết của Liên hợp quốc. Nhưng đối với Triều Tiên, tôi cho rằng cộng đồng quốc tế không có cách thức nào khác để ứng phó ngoài đối thoại. Sau sự kiện này, dự kiến Đàm phán Sáu bên sẽ được khôi phục. Nhiều khả năng, đàm phán sẽ có thêm sự tham gia của bên thứ 7 là Liên hợp quốc. Song song với đó, không nên loại trừ mà cần tranh thủ đối thoại song phương Triều Tiên-Hàn Quốc, đối thoại 3 bên, 4 bên giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… cũng được kỳ vọng đem lại hiệu quả trực tiếp hơn.

Tóm lại, cộng đồng quốc tế trước mắt chưa có giải pháp nào thực tế hơn là mở rộng đối thoại song phương, đa phương với Triều Tiên, đồng thời phải hỗ trợ quốc gia này về khía cạnh nhân đạo, kinh tế,…, làm hòa dịu không khí trên Bán đảo Triều Tiên.

Thu Giang

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Với Triều Tiên, con đường duy nhất là đối thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO