Vượt hàng trăm cây số, phụ huynh đưa con 'xuống phố' dự thi

Mỹ Hà - Đức Anh 06/06/2023 11:21

(Baonghean.vn) - Đó là những phụ huynh đưa con đi thi ở hai ngôi trường đặc thù trên địa bàn thành phố Vinh, dành cho học sinh là người dân tộc thiểu số. Vượt quãng đường hàng trăm cây số, hành trình đưa con đi thi mang theo cả những hi vọng về một sự thay đổi, vượt qua đói nghèo.

Phụ huynh... lớn tuổi nhất tỉnh

Cụ bà Phùng Thị Hường năm nay đã 91 tuổi, tóc bạc trắng, tay chống gậy bước đi không vững, những vẫn đưa cháu gái vượt hơn 150km từ xã Châu Hoàn, huyện miền núi Quỳ Châu xuống dự thi vào Trường PT DTNT THPT số 2. Đầu buổi thi, cháu tranh thủ ngồi ôn bài với bạn, còn bà ngồi từ xa nheo mắt chăm chú nhìn. “Cháu không còn ai nữa, năm 1 tuổi thì mất mẹ, năm 4 tuổi thì không còn bố, bà nuôi từ nhỏ đến giờ. Mấy hôm nay cháu thi xuống nội trú, nên bà cháu cùng với mấy gia đình trong bản có con đi thi cùng bắt xe khách xuống thành phố Vinh”, cụ Hường kể.

Phụ huynh và học sinh tại điểm thi Trường PT DTNT THPT số 2 . Ảnh: Đức Anh

Phụ huynh của trường dân tộc nội trú đều từ các bản làng miền núi, vùng cao xuống dự thi với khoảng cách hàng trăm cây số, có nơi cách hơn 300km. Vì vậy, những ngày qua nhà trường đã tạo điều kiện để phụ huynh, thí sinh được ở miễn phí trong khu ký túc xá.

“Bà cháu cũng ở trong ký túc xá. Thấy hoàn cảnh khó khăn, vất vả nên mọi người động viên, giúp đỡ rất nhiều, phát tặng phiếu ăn để cháu yên tâm đi thi”, cụ Hường cho hay.

Ở tuổi 91, cụ bà Phùng Thị Hường vẫn từ Quỳ Châu đưa cháu xuống Vinh dự thi vào Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Cháu gái của cụ Phùng Thị Hường là Chào Thị Ngọc Trúc, nguyên là học sinh Trường PT DTNT THCS Quỳ Châu. Theo lời cụ, nhà nghèo nhưng cháu Trúc từ nhỏ đã tự lập, chăm ngoan, cố gắng học tập. Năm học vừa qua còn đạt giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Giáo dục công dân.

Có mệt, vất vả vẫn thấy vui

Lần thứ hai trong 2 năm liên tục, chị Nguyễn Thị Soa (bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) lại vượt quãng đường bằng xe máy để xuống Vinh đưa con đi thi. Gặp lại chị ở trước cổng trường THPT DTNT tỉnh khi chị đang cố dỗ đứa con út khoảng 4 tuổi ngồi yên lặng, người phụ nữ có gương mặt tần tảo này cho biết: "Năm ngoái tôi xuống để động viên đứa anh thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Năm nay thì đứa em xuống để đăng ký thi vào lớp 10, Trường THPT DTNT tỉnh. Cháu La Thị Thúy Hà đang học THCS ở trường gần nhà và có thể học trường THPT ở huyện. Nhưng nguyện vọng của cháu muốn được xuống Vinh học, tôi phải ủng hộ thôi".

Chị Nguyễn Thị Soa và con gái trước cổng Trường THPT DTNT tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Nói rồi, chị lại kể chuyện về các con của mình, kể về chuyện vừa vay mượn được 30 triệu đồng để đi mổ mắt cận cho con trai: Năm ngoái La Tất Thành (con trai của chị) thi tốt nghiệp được 26 điểm, cộng thêm cả điểm cộng là có thể đậu vào Trường Đại học Y khoa. Nhưng rồi, nó bảo bố mẹ nghèo thế lấy tiền đâu cho con nạp học phí, rồi lại còn các em. Nguyện vọng lớn nhất của con là vào trường quân đội nhưng mắt của cháu lại bị cận, không đủ tiêu chuẩn. Cả năm nay, con ở nhà ôn thi. Tôi dù không có tiền nhưng vẫn đem cháu đi mổ mắt để có cơ hội được đi học. Ở nhà khổ lắm.

Người phụ nữ này cũng nhận mình thất học. Trong khi đó, chồng của chị lại mồ côi từ nhỏ, mù chữ, nhà bao nhiêu năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Dù hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng không muốn con lặp lại cuộc sống của bố mẹ nên bao năm nay nguyện vọng lớn nhất của hai vợ chồng là các con học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm: “Vì con, tôi chấp nhận hết, vì con dẫu mệt mỏi nhưng tôi vẫn thấy vui” – chị cười rất tươi nói thêm.

Các học sinh người dân tộc thiểu số xuống thành phố Vinh dự thi lớp 10 đều mang theo hoài bão của bản thân, gia đình và thầy cô, nhà trường. Ảnh: Đức Anh

Để xuống Vinh kịp giờ thi, ba mẹ con chị Soa đi chung một xe máy và phải xuống trước một ngày. Đến Trường THPT DTNT tỉnh, gặp lại thầy cô cũ của con trai, chị được đội tình nguyện hỗ trợ xếp vào ở miễn phí trong ký túc xá của nhà trường. Cơm trưa, cơm tối cũng ăn với các sỹ tử. Sau kỳ thi này, cuối tháng 6, có thể chị lại có một hành trình đưa cậu con trai La Tất Thành đi thi lại lần thứ 2. Ở chị luôn có một sự lạc quan, niềm tin tuyệt đối vào những người con chăm chỉ của mình...

Điểm thi Trường THPT DTNT tỉnh năm nay có hơn 500 học sinh đăng ký dự thi. Nếu tính theo tỷ lệ chọi, việc trúng tuyển vào trường còn khó hơn các trường công lập tốp đầu ở tỉnh. Thậm chí, không chỉ cạnh tranh trong cùng một trường thi, học sinh trong từng huyện cũng phải cạnh tranh với nhau, vì chỉ tiêu được giao đến từng huyện. Với tính chất khá đặc biệt này, nên chỉ những học sinh thực sự có năng lực, các em mới tự tin đăng ký thi vào trường nội trú của tỉnh.

Đội tình nguyện ở Trường THPT DTNT tỉnh tiếp sức cho các sỹ tử. Ảnh: NTCC

Có con tham dự kỳ thi năm nay, chị Vũ Thị Như (xóm 9, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) kể rằng: Gần 40 tuổi tôi mới sinh đứa thứ 2 nên mọi tâm nguyện của gia đình gửi gắm vào con. Tôi không được học hành, hai vợ chồng đều làm nông nên cũng không biết các con học hành ra sao. Khi nghe con nói cháu đăng ký thi lớp 10 ở tỉnh tôi cũng bất ngờ lắm. Nhưng rồi gia đình ủng hộ và thấy vui lắm. Nhờ con đi thi, tôi mới lần đầu được xuống Vinh. Ngày hôm qua cháu bảo làm bài kha khá, mong hôm nay còn làm tốt hơn nữa để thực hiện được ước mơ của mình.

Để hỗ trợ cho các thí sinh ở xa, từ trước kỳ thi hơn 2 tuần, Trường THPT DTNT tỉnh và Trường PT DTNT THPT số 2 đã chủ động cung cấp số điện thoại, liên hệ một số khách sạn giá rẻ hoặc cho phụ huynh, thí sinh đăng ký để được ở miễn phí tại trường. Bữa cơm dành cho phụ huynh, thí sinh cũng được phục vụ chu đáo trong nhà ăn của trường...

Những trải nghiệm đẹp đẽ và quý giá cũng đã tiếp thêm động lực cho các sỹ tử cùng cố gắng, để cho mùa thi dẫu còn áp lực nhưng đã nhẹ nhàng đi rất nhiều...

Mới nhất

x
Vượt hàng trăm cây số, phụ huynh đưa con 'xuống phố' dự thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO