Xã hội đòi hỏi nghề giáo sự nỗ lực, nghề giáo đòi hỏi một sự cảm thông

Ngọc Quý 20/11/2018 11:19

(Baonghean.vn) - “Không có tượng đồng, bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng”! Đấy là phát biểu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nghề giáo.

Tác giả:Nguyễn Khắc AnBút danh:Cua đồng

Người còn nói, “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, Không có giáo dục thì không nói gì đến phát triển kinh tế, văn hóa”. Nhân ngày nhà giáo, ngẫm lại lời dạy của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 6 năm 1956 lại mặn chút nỗi niềm. Hơn 60 năm từ ngày Bác nhắn nhủ, vị trí người thầy đã và đang ở đâu? Xuất hiện bao nhiêu “anh hùng”?

Hình như xã hội chưa bao giờ “rời mắt” khỏi người thầy. Nhất cử nhất động đều được “camera xã hội” phân tích dưới những bộ tiêu chuẩn khắt khe gắn mác mô phạm. Ai cũng có thể phát biểu làu làu về vai trò vĩ đại của người thầy trong đời sống xã hội, tất nhiên cũng không ai đủ khờ dại để phỉ báng điều đó. Những câu như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” dày đặc trên báo tường, báo hình, báo viết và không thiếu trong vô số phải phát biểu chào mừng.

Tuy nhiên giữa khẩu hiệu và hành động vẫn là một khoảng cách đủ để chúng ta rùng mình vì sợ vô cảm có thể lọt qua. Trên các bục giảng những người thầy giáo vẫn miệt mài giảng bài, xa tít những rẻo cao bao cô giáo hợp đồng vẫn lặng lẽ cõng con chữ về bản trong tâm trạng nơm nớp giảm biên!. Đành rằng cuộc sống không thể nhiều vần điệu như những lời răn dạy, nhưng liệu cuộc sống có nhất thiết phải giăng thật nhiều thách thức để người thầy phải vượt qua? Xã hội đòi hỏi người thầy phải sáng tạo nhưng liệu xã hội có đủ cởi mở cho đòi hỏi đó?.

Câu chuyện “giáo sư quần đùi” xách va ly về nước, câu chuyện ném đá hội đồng vào một người thầy 40 năm đeo đuổi “sách giáo dục công nghệ” liệu đã đủ sinh động để chúng ta hình dung về một góc của bức tranh thái độ? Chúng ta có quyền phỉ nhổ những gã biến thái khoác áo thầy, chúng ta có quyền lên án những cô giáo bạo hành học trò bằng hình phạt quái dị. Nhưng cô giáo bắt học sinh quỳ sai, còn phụ huynh bắt cô giáo quỳ trước mặt học sinh để trả đũa thì đúng ư? Không, đó không phải là hình phạt, đó là xúc phạm! Chỉ vì một vài cá biệt mà chúng ta thỏa hiệp với hành vi phỉ báng hình ảnh mọi người thầy? Đừng đùa, lịch sử hoàn toàn đủ cứ liệu để chứng minh một cách mạch lạc và công minh rằng quá trình phát triển ngàn năm của nhân loại gắn liền với quá trình phát triển ngàn năm của giáo dục.

Xã hội thịnh hay suy, tiến bộ hay lụn bại đều tùy thuộc vào sự phát triển giáo dục mà xã hội đó áp dụng. Dung túng một nền giáo dục tha hóa là con đường nhanh nhất để tiễn chế độ đến với tha ma. Nuôi dưỡng một nền giáo dục tiến bộ là cách tốt nhất để cập bờ hạnh phúc. Giáo dục chính là hàn thử biểu của văn minh của nhân loại. Đừng quên chúng ta đang sống trong hành tinh từng có những người thầy vĩ đại như Khổng tử, như Aristotle hay Albert Einstein… Thật là một tổn thất cho lịch sử nước nhà nếu chưa từng có những người thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, “La Sơn Phu Tử’ Nguyễn Thiếp… Lịch sử dân tộc cũng sẽ vĩnh viễn nhắc tên những người thầy vĩ đại như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nhưng lịch sử cũng không bao giờ bỏ quên những cô giáo đang chui vào bao ni lông để vượt lũ đến trường. Vâng, dù ở đâu, dù chế độ xã hội nào thì người thầy vẫn là những tấm gương đáng tôn vinh và trân trọng. Có thể tôi và bạn chưa góp phần làm trong sáng những tấm gương ấy nhưng chúng ta cũng không nên, không được phép làm vẩn đục.

Chúng ta đòi hỏi rất nhiều ở người thầy nhưng liệu chúng ta đang mang đến cho người thầy được bao nhiêu? Tại sao nghề giáo vẫn không nằm trong danh sách ưu tiên lựa chọn của sinh viên? Tại sao cánh cổng trường sư phạm vẫn hờ hững với nhân tài? Bao giờ người thầy hết bận tâm với cơm gạo áo tiền để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người? Những câu hỏi không chỉ của một ngày, không chỉ của một người. Nhỉ? Nếu chúng ta đang mắc nợ người thầy cũng có nghĩa là chúng ta đang mắc nợ tương lai. Xã hội đòi hỏi nghề giáo một sự nỗ lực, tất nhiên rồi. Nghề giáo đòi hỏi xã hội một sự cảm thông, tại sao không.

Mới nhất

x
Xã hội đòi hỏi nghề giáo sự nỗ lực, nghề giáo đòi hỏi một sự cảm thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO