Xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường
(Baonghean.vn) -Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch Covid- 19 và Bộ Y tế đã ra khuyến cáo, một số người dân vẫn tỏ ra chủ quan khi ra đường, đến khu vực công cộng mà không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh đầu cơ, trục lợi từ khẩu trang. Đây là những hành vi cần xử lý nghiêm.
Nhiều trường hợp không đeo khẩu trang bị xử phạt
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc tuyên truyền, vận động người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người... để phòng, chống dịch Covid-19, chiều tối 31/3, trong lúc tuần tra trên đường Ngô Đức Kế, Công an phường Hồng Sơn (TP Vinh) đã xử lý nhắc nhở và phạt hành chính 200.000 đồng đối với bà Hồ Thị Th. (SN 1974) trú tại phường Vinh Tân (thành phố Vinh) vì hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Công an xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) gọi đối tượng K lên làm việc. Ảnh: tư liệu |
Cá biệt có đối tượng không chấp hành việc đeo khẩu trang còn tỏ thái độ “thách thức” như Lê Vũ K. (trú tại xóm 5, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai) đã bị Ban Công an xã Quỳnh Lộc gọi lên làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300.000 đồng. Lý do là khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã Quỳnh Lộc công khai các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch lên Facebook, bạn bè vào nhắc nhở cần đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19, K bình luận thách thức "thằng nào dám phạt tao". Trước đó K đã vi phạm đồng thời 2 lỗi là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Tiếp đó, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra công tác chấp hành phòng, chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang của người dân tại khu vực công cộng như cảng cá, các khu chợ... Do vậy, đã có hàng chục cá nhân bị xử phạt vì ra đường hoặc tới các khu vực công cộng mà không đeo khẩu trang.
Nhiều trường hợp không đeo khẩu trang bị xử phạt. Ảnh: Tư liệu |
Điển hình chiều 1/4, Công an thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) đã nhắc nhở, xử phạt hành chính 200.000 đồng nam thanh niên tên Lô.V.T trú ở bản Hợp Tiến, xã Châu Thôn vì lưu thông trên địa bàn thị trấn Kim Sơn nhưng không đeo khẩu trang.
Tiếp đó, sáng 2/4, Công an xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) tổ chức tuần tra, kiểm soát tại khu vực cảng cá thuộc thôn Tân Hải và thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập đã phát hiện 2 người đàn ông điều khiển xe máy trên đường nhưng không đeo khẩu trang. Tổ tuần tra đã ra hiệu lệnh dừng xe đưa 2 trường hợp trên về trụ sở để lập biên bản về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ y tế cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang).
Nam thanh niên đi chợ không đeo khẩu trang bị Công an xã Đà Sơn ( Đô Lương) phát hiện, xử phạt. Ảnh: Tư liệu |
Tương tự, sáng 3/4, cơ quan chức năng huyện Đô Lương cũng đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300.000 đồng đối với 1 thanh niên vì đi chợ không đeo khẩu trang. Cùng ngày Ban Công an xã Môn Sơn (Con Cuông) cũng đã xử phạt 1 trường hợp trú tại bản Thái Sơn, Công an phường Hồng Sơn (TP Vinh) xử phạt 3 trường hợp với hành vi tương tự tại đường Thái Phiên và khu vực chợ Vinh.
Dù do chủ quan hay do ý thức kém thì hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng đáng bị lên án. Bởi nó tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát trong cộng đồng.
Áp dụng mức phạt từ 100.000-300.000 đồng
Mức phạt cho các trường hợp trên được áp dụng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó nêu rõ: Hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 7, Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng nêu rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Như vậy, bất kỳ người dân nào có hành vi không đeo khẩu trang đến nơi công cộng đều bị xử phạt hành chính theo các quy định nêu trên. Riêng đối với người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan cho cộng đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù cao nhất từ 10 đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng.
Đầu cơ, trục lợi từ khẩu trang
Bên cạnh hành vi lợi dụng dịch bệnh để nâng giá khẩu trang gấp nhiều lần so với thực tế, sản xuất khẩu trang kém chất lượng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư y tế. Thời gian qua, đã có không ít trường hợp lừa đảo bán khẩu trang trên mạng, hoặc đầu cơ trục lợi, buôn lậu khẩu trang bị các cơ quan chức năng xử lý.
Số khẩu trang y tế được vận chuyển từ Việt Nam sang bên kia biên giới bị thu giữ tại Đồn Cửa Khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Tư liệu |
Điển hình vào lúc 16 giờ ngày 20/3, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện ô tô biển kiểm soát Lào UN 0095 (biển số Lào) vận chuyển 64.500 chiếc khẩu trang y tế và 1.686 chai nước rửa tay kháng khuẩn không hóa đơn, chứng từ hợp pháp được cất giấu lẫn trong hàng hóa. Tài xế điều khiển xe là Nguyễn Bá Tuấn (SN 1982), có hộ khẩu thường trú tại xã Thạch Thanh, Thạch Hà, Hà Tĩnh khai nhận chở thuê số hàng hóa trên từ Việt Nam qua bên kia biên giới cho một người có tên là Nguyệt.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn kiểm tra số hàng khẩu trang trên xe. Ảnh: Hải Thượng |
Trước đó, phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp các đơn vị liên quan phát hiện tại cơ sở của ông Bùi Văn Đ., trú tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa có 30.000 khẩu trang nhái mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp và không có lớp kháng khuẩn. Cơ sở này vốn lò mổ gia súc, thấy nhu cầu về khẩu trang y tế của người dân tăng cao, nên chủ cơ sở đã sắm sửa máy móc và thuê nhân công sản xuất khẩu trang y tế để thu lợi nhuận.
Ông Đ. khai nhận: Nguyên liệu đầu vào để sản xuất khẩu trang được nhập từ một người đàn ông ở Triệu Sơn, Thanh Hóa không có hóa đơn chứng từ mà chỉ hợp đồng bằng miệng.
Theo cơ quan chức năng đây là cơ sở đầu tiên ở Nghệ An bị phát hiện về hành vi sản xuất các loại khẩu trang có mẫu mã giống khẩu trang y tế không có giấy tờ pháp lý liên quan.
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 30.000 khẩu trang nhái khẩu trang y tế. Ảnh: MT |
Về các hành vi lừa đảo liên quan đến khẩu trang, trong tháng 2/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc đã khởi tố đối tượng Lê Thị Lan Na (SN 2001), trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Na lợi dụng thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp lập facebook ảo để lừa bán 5 thùng khẩu trang giá rẻ cho chị Nguyễn Thị H, trú tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để sử dụng và làm từ thiện.
Sau khi đồng ý giá cả Na yêu cầu chị H chuyển tiền đặt cọc trước là 4,6 triệu đồng. Chị H đồng ý và đã chuyển số tiền cọc trên vào tài khoản của đối tượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, chị H liên lạc lại thì Na tắt máy, khóa facebook, không chuyển số thùng khẩu trang theo yêu cầu.
Tại cơ quan điều tra, Na phải thừa nhận: Bằng thủ đoạn này, từ tháng 2/2019 đến nay, đối tượng cùng các đồng phạm đã thực hiện trót lọt trên 150 vụ lừa đảo khắp cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt trên 200 triệu đồng.
Đối tượng Lê Thị Lan Na và tang vật. Ảnh: CTV |
Trước đó ngày 4/2/2020, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đối tượng Hồ Thị Thúy (SN 1996, trú tại xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Qua đấu tranh, Hồ Thị Thúy khai nhận, lợi dụng nhu cầu và tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, Thúy sử dụng tài khoản Facebook ảo để đăng bài với nội dung bán số lượng lớn khẩu trang y tế với giá rẻ.
Tin tưởng Thúy, nhiều người đã nhắn tin đặt mua số lượng lớn khẩu trang, nhưng khi nạn nhân chuyển tiền thì Thúy chặn Facebook, ngắt liên lạc với họ để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Qua khai thác ban đầu Thúy khai đã chiếm đoạt của hơn 10 người.
Hồ Thị Thúy và tang vật. |
Những hành vi kinh doanh, trục lợi trên khó khăn chung của toàn xã hội và trước sinh mạng của người khác không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội cần được lên án, xử lý nghiêm để răn đe.
Để ngăn chặn các hành vi gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường phát hiện, xử lý cương quyết các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan