Xung đột Nga-Ukraine: Biểu tình lan rộng, châu Âu đối mặt với khủng hoảng và bất ổn xã hội
Giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nguy cơ bất ổn xã hội lan rộng trên khắp châu Âu trước mùa Đông tới. Sự bất mãn của người dân với chính phủ cũng gia tăng do các chính sách không thực sự phù hợp đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn nổ ra tại nhiều thành phố của châu Âu.
Biểu tình lan rộng ở nhiều quốc gia
Báo cáo mới nhất được công bố đầu tháng 9 của công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu ở Anh ghi nhận hơn 50% trong số gần 200 quốc gia được khảo sát có chỉ số bất ổn trong xã hội gia tăng, đặc biệt từ quý 2 đến quý 3 năm 2022.
Cuối tuần qua, khoảng 70.000 người đã tập trung tại Quảng trường Wenceslas, trung tâm Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc để biểu tình phản đối các biện pháp của chính phủ trước tình trạng khủng hoảng năng lượng và giá điện, khí đốt tăng cao kỷ lục. Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ có quy mô lớn nhất kể từ khi Chính phủ CH Séc được thành lập. Người dân CH Séc cho rằng, các biện pháp ứng phó của chính phủ đối với khủng hoảng năng lượng hiện nay không đạt hiệu quả cũng như cần có thay đổi trong chính sách với cuộc chiến giữa Nga – Ukraine. Cuộc biểu tình cũng diễn ra 1 ngày sau khi Chính phủ CH Séc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội.
Khoảng 70.000 người đã biểu tình tại Praha để phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters |
Trước đó, các làn sóng biểu tình ở Anh, bức xúc về giá cả năng lượng, cũng đã diễn ra. Một nhóm ẩn danh tổ chức chiến dịch biểu tình - mang tên Don’t Pay UK - cho biết, hàng chục nghìn người đã đăng ký và tham gia biểu tình ở nhiều địa phương cũng như sẽ không thanh toán hóa đơn năng lượng nếu chính phủ không có những thay đổi phù hợp. Trong một diễn biến tương tự, tại Hungary, người dân nước này đã tổ chức các cuộc biểu tình trong bối cảnh đồng tiền Forint mất giá, thuế tăng và chính phủ áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm ứng phó trước mối đe dọa về việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu.
Liên tiếp trong hơn 1 tuần qua, châu Âu ghi nhận 2 tin xấu là Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt khi đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức nhưng không nêu thời gian mở lại và lạm phát ở mức cao nhất kể từ năm 1997. Đường ống Nord Stream 1 cũng là tuyến huyết mạch mang khí đốt của Nga tới châu Âu, đóng góp khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm ngoái. Đường ống này cũng đưa khí đốt trực tiếp đến Đức - nền kinh tế lớn nhất khối.
Hai động thái mới nhất này đã giáng thêm đòn vào kinh tế châu Âu. Kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang EU giảm mạnh, khiến chi phí khí đốt và điện tăng cao. Việc này làm dấy lên lo ngại về khả năng châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông và giá khí đốt tăng cao. Động thái đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức cũng khiến cho những bất ổn chính trị đang gia tăng tại quốc gia này. Theo nguồn tin mới được công bố, các cuộc biểu tình tại Berlin và Leipzig sẽ diễn ra vào chiều 5/9 (theo giờ địa phương), nhằm phản đối việc tăng giá năng lượng và yêu cầu chính phủ có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Chi phí năng lượng tăng cao và những lo ngại sự thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông tới đang gây ra những bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia và đặt ra những thách thức cho chính phủ các nước về biện pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, cũng như có các chính sách về kinh tế - an sinh phù hợp đối với từng quốc gia và toàn khối EU.
Nội bộ chia rẽ ngày càng sâu sắc
Với những động thái gần đây của Liên minh châu Âu, các quốc gia trong EU đang thể hiện sự chia rẽ trong các chính sách liên quan Nga và Ukraine. Một nghiên cứu của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại cho biết, đã có những sự chia rẽ nhất định trong cách tiếp cận và chính sách đối ngoại của các quốc gia EU đối với Nga và Ukraine. Chính phủ một số nước cho rằng, cần phải cân bằng trong việc theo đuổi sự thống nhất châu Âu đằng sau các áp lực lên Moscow. Bất đồng chính kiến trong các quốc gia EU ngày càng gia tăng khi một bên theo đuổi các chính sách tiếp tục hỗ trợ Ukraine, áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay với Nga và một bên cân nhắc các biện pháp phù hợp, tìm kiếm giải pháp sớm kết thúc chiến tranh.
Sự mất đoàn kết của châu Âu được dự báo sẽ gia tăng hơn nữa nếu Ukraine và các đồng minh phương Tây quyết tâm theo đuổi chiến thắng trước Nga bằng mọi giá. Giữa một bên thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt trong chính sách đối với Moscow là các nước Đông Âu như Ba Lan, Phần Lan, Cộng hòa Séc, các quốc gia Baltic… và một bên đang lưỡng lự với các chính sách mạnh tay đối với Nga-Ukraine như Đức, Pháp, Italy; thậm chí phản đối quyết liệt các biện pháp trừng phạt là Hungary.
Theo các chuyên gia, việc theo đuổi mục đích này sẽ khiến cho cuộc chiến kéo dài hơn, khốc liệt hơn, với nguy cơ leo thang ngày càng cao và các những hệ lụy nặng nề về kinh tế - chính trị đi kèm đối với châu Âu. Với nền kinh tế châu Âu đang gặp nhiều bất ổn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ 2 năm trước, các chuyên gia châu Âu lo ngại rằng, các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi đang thể hiện sự bất mãn của người dân với chính phủ nhiều quốc gia châu Âu gia tăng đi kèm với sức ép từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát. Người dân châu Âu đang coi EU là một bên thua cuộc lớn trong cuộc chiến thay vì coi trọng sự thống nhất, đoàn kết trong các biện pháp trừng phạt với Nga.
Cam kết giảm 2/3 lượng tiêu thụ khí đốt của Nga trong năm nay của Liên minh châu Âu dường như không khả thi, bởi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế trong khi việc tiếp cận và tích trữ nguồn cung khí đốt gặp nhiều khó khăn. Một đợt suy thoái kinh tế mới của khối trong năm 2023 là nguy cơ hiện hữu có thể xảy ra đối với châu Âu. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Liên minh châu Âu cần nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế trong khu vực.
Các quan chức châu Âu và NATO thừa nhận việc tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong thời gian tới là không dễ dàng. Trước sự bất ổn xã hội đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu, giới phân tích cho rằng, khủng hoảng năng lượng hiện nay đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ của EU cũng như tạo ra thách thức về sự thống nhất trong các hành động chung của khối; đồng thời đặt ra các thách thức về chính sách đối ngoại của khối đối với cuộc xung đột của Nga – Ukraine trong thời gian tới./.