Yêu cầu kiểm tra, xác minh vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An

Nhóm PVĐT 20/07/2020 18:51

(Baonghean.vn) - Sở TN&MT vừa có văn bản đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra, làm rõ thông tin vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh trên địa bàn xã Châu Hồng mà Báo Nghệ An phản ánh.

Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An

Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sau khi tiếp nhận và đã đăng tải thông tin “Phát lộ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An” (báo Nghệ An điện tử ngày 15/7/2020), từ mở rộng các kênh điều tra, khẳng định có tình trạng “quặng tặc”, qua đó cũng cho thấy chính quyền địa phương cơ sở có dấu hiệu buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước.

Văn bản số 3441/STNMT-KS ngày 17/7/2020 của Sở TN&MT gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nêu: Báo Nghệ An ra ngày 16/7/2020 có bài viết “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An” phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản đá thạch anh trái phép tại khu vực núi Lan Toong, bản Poòng, xã Châu Hồng (diễn ra thời gian dài nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm).

Văn bản số 3441/STNMT-KS ngày 17/7/2020 của Sở TN&MT gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhóm PVĐT
Văn bản số 3441/STNMT-KS ngày 17/7/2020 của Sở TN&MT gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhóm PVĐT

Căn cứ quy định của pháp luật về khoáng sản, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được UBND tỉnh phân công, phân nhiệm tại các văn bản: Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ban hành theo Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 12/9/2017, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo phòng, đơn vị liên quan và UBND xã Châu Hồng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh và có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép nêu trên; kiên quyết xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Châu Hồng và tổ chức, cá nhân liên quan nếu để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trong thời gian dài mà không xử lý dứt điểm như báo phản ánh.

Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị gửi về UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT, Sở TN&MT và phản hồi Báo Nghệ An trước ngày 30/7/2020.

Liên quan đến vụ việc này, vào đầu tháng 7/2020, Báo Nghệ An nhận được nguồn thông tin ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp đang có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh. Xác minh từ nhiều nguồn khác nhau thì tin báo đến với Báo Nghệ An là có cơ sở. Khu vực có tình trạng khai thác trái phép được xác định là tại núi Lan Toong, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Điểm khai thác là bên một con khe, trên vùng đất lâm nghiệp đã giao cho người dân quản lý, sản xuất theo Nghị định 163/NĐ-CP.

Khu vực có tình trạng khai thác trái phép. Ảnh: CTV
Khu vực có tình trạng khai thác trái phép. Ảnh: CTV

Từ các nguồn tin, nhóm PV của Báo Nghệ An đã xâm nhập hiện trường, là tại chân của một số quả đồi sát với núi Lan Toong, bao xung quanh là những vùng đất lâm nghiệp trồng cây keo với đủ độ tuổi; có khu vực, mới được khai thác chưa trồng mới. Phạm vi có dấu hiệu khai thác quặng đá trái phép có chiều dài khoảng 200m, ước lượng về diện tích đã có sự đào bới, khai thác rộng khoảng vài nghìn m2. Trên đó có một số đá quặng đã được đào bới, dồn thành đống. Cũng tại đây, có một lán trại phủ bạt với các vật dụng sinh hoạt, chăn màn cùng vài chiếc xe máy.

Để hình thành được tuyến đường, người ta đã cắt hạ chiều cao các sườn đồi, khai mở tuyến đường đủ rộng để xe có tải trọng lớn vào ra.
Để hình thành được tuyến đường, người ta đã cắt hạ chiều cao các sườn đồi, khai mở tuyến đường đủ rộng để xe có tải trọng lớn vào ra. Ảnh: NLTV
Cũng vì để mở đường, người ta đã cắt hạ những khoảng đất trồng cây keo đã vài năm tuổi. Ảnh: NLTV
Cũng vì để mở đường, người ta đã cắt hạ những khoảng đất trồng cây keo đã vài năm tuổi. Ảnh: NLTV

Đường vào khu vực này, bắt đầu từ con khe cạn dưới chân cầu Châu Hồng 1 nối với một tuyến đường mới mở uốn theo vùng đồi đất lâm nghiệp đang được trồng cây keo có độ tuổi từ 4 – 5 năm. Để hình thành được tuyến đường, người ta đã cắt hạ chiều cao các sườn đồi, khai mở tuyến đường đủ rộng để xe có tải trọng lớn vào ra.

Về loại quặng đá bị khai thác trái phép, có màu sắc không đồng nhất. Phần lớn có màu trắng, có một số hòn màu trắng pha vàng, xám và có ánh kim. Về kích thước, trọng lượng cũng không đồng đều, một số hòn tương đối lớn khoảng từ 0,1 – 0,3m3. Nhìn chung, có nhiều điểm tương đồng với loại đá quặng đá thạch anh bị khai thác trái phép ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương mà nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã phản ánh năm 2019.

Quặng đá được dồn, gom lại thành đống tại khu vực khai thác trái phép. Ảnh: NLTV
Quặng đá được dồn, gom lại thành đống tại khu vực khai thác trái phép. Ảnh: NLTV

Nhóm phóng viên cũng đã thực hiện điều tra xác minh về việc quản lý, sử dụng đất đai nơi có điểm khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, xác định được đây là vùng đất lâm nghiệp nhà nước đã giao quyền quản lý sử dụng cho một hộ gia đình sống trên địa bàn xã Châu Hồng.

Với những thông tin đã điều tra, xác minh, trong hai ngày 15 – 16/7/2020, Báo Nghệ An đăng tải các tin, bài: “Phát lộ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An”; “Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An”.

Vị trí có tình trạng khai thác trái phép nằm không quá xa khu dân cư bản Poòng và Quốc lộ 48C. Ảnh: NLTV
Vị trí có tình trạng khai thác trái phép nằm không quá xa khu dân cư bản Poòng và Quốc lộ 48C. Ảnh: NLTV

Tại các tin, bài này, Báo Nghệ An đã thông tin về vụ việc. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại xã Châu Hồng và nghiêm túc xem xét trách nhiệm vai trò quản lý nhà nước của chính quyền xã này.

Mới nhất
x
Yêu cầu kiểm tra, xác minh vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO