5 vùng đất học nổi danh của Nghệ An

17/11/2017 08:26

(Baonghean.vn) - Nghệ An là miền địa linh nhân kiệt, văn chương khoa bảng, từ truyền thống hiếu học đã sản sinh ra nhiều 'anh tài phát tú' nức tiếng thiên hạ.

Thanh Chương - nhiều dòng họ nổi danh sự học

Trong chế độ khoa cử thời phong kiến của Việt Nam, Nghệ An có 150 vị đỗ đại khoa, riêng huyện Thanh Chương chiếm tới 25 vị. Trong đó, có 3 người đỗ tiến sỹ là Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (1724) và Nguyễn Lâm Thái (1739).

Đặc biệt, dưới thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789), có hai cha con là Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh ở xã Hoa Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đều đỗ đại khoa.

Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, Thanh Chương) - nơi thờ Thành hoàng Phan Đà - một vị tướng của Lê Lợi  có 2 dãy nhà bia với 6 tấm bia đá ghi lại tên tuổi, quê quán của 455 vị khoa bảng, đỗ từ Tú tài đến Cử nhân và Tiến sỹ của Tổng Võ Liệt từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn.. được xem là “Văn Miếu” của Thanh Chương Ảnh tư liệu
Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, Thanh Chương) trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước cho các thế hệ. Ảnh tư liệu

Mảnh đất gian khó ấy là nơi sinh cơ lập nghiệp và cư trú của những dòng họ nổi danh, có nhiều người khổ học thành tài, để lại danh thơm cho quê hương, xứ sở như họ Nguyễn Tài ở Thượng Thọ (Thanh Văn), họ Trần Sỹ ở xứ Phuống (Thanh Giang), họ Nguyễn Sỹ, Nguyễn Duy ở Kẻ Trằm (Thanh Lương), họ Tôn ở Võ Liệt...

Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, Thanh Chương) - nơi thờ Thành hoàng Phan Đà, vị tướng của Lê Lợi, có 2 dãy nhà bia với 6 tấm bia đá ghi lại tên tuổi, quê quán của 455 vị khoa bảng, đỗ từ tú tài, cử nhân đến tiến sỹ của Tổng Võ Liệt từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn... Đình Võ Liệt được xem là “Văn Miếu” của huyện Thanh Chương.

Ở xã Thanh Hương, lại có một ngọn núi giống hình chiếc bút đang viết vào trang sách là bầu trời. Người dân gọi là núi Tháp Bút nhằm gửi gắm khát vọng về sự thành công trên con đường khoa cử, mong muốn con em mình thành đạt trong học hành, lưu lại tiếng thơm cho hậu thế.

Yên Thành - văn chương khoa bảng đứng đầu một phủ

Những người nông dân huyện Yên Thành không chỉ từng thuần hóa, giữ gìn những giống lúa quý như lúa chăm, lúa hẻo, mà còn là những người chuộng đạo học, nêu cao truyền thống khổ học, hiếu học và học giỏi.

Thuở Hán học còn thịnh đạt, làng xã nào cũng giành một phần ruộng đất làm học điền, nhiều làng xây dựng văn miếu, thành lập hội tư văn, hội đồng môn để tôn vinh đạo học. Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng cố gắng nuôi dưỡng cho con cháu “học dăm ba chữ để làm người”.

Bia dẫn tích của quần thể Di tích lịch sử văn hóa quốc gia  Đền thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc.
Bia dẫn tích của quần thể Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc. Ảnh tư liệu

Người mở đầu cho truyền thống khoa bảng huyện Yên Thành và cả xứ Nghệ là Trạng nguyên Bạch Liêu. Ông quê gốc ở làng Trúc Hạ, xã Thanh Đà (nay là xã Mã Thành). Bạch Liêu đỗ Trạng nguyên khoa thi Bính Dần, năm Thiệu Long thứ chín (1266) đời vua Trần Thánh Tông.

Từ đó về sau, theo các tài liệu đăng khoa lục, thì huyện Yên Thành có 22 vị đỗ đại khoa, trong đó có 4 vị trạng nguyên (cả Nghệ An có 6 vị trạng nguyên), 3 vị thám hoa, 3 vị hoàng giáp, 7 vị tiến sĩ, 4 vị phó bảng. Tổng Quỳ Trạch có 4 vị trạng nguyên, 2 hoàng giáp, 4 tiến sĩ, 20 cử nhân, 192 tú tài. Làng Tam Thọ (nay thuộc xã Thọ Thành) có 3 trạng nguyên, 1 tiến sĩ, 1 cử nhân, hàng chục hiệu sinh, tú tài. Ở Tràng Thành có 2 thám hoa, 1 hoành từ (tiến sĩ), 21 cử nhân, 81 tú tài…

Truyền thống hiếu học, khổ học và học giỏi của nhân dân huyện Yên Thành được nuôi dưỡng và phát huy suốt chiều dài lịch sử, nối tiếp cho đến thời kỳ tân học, học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, đã sản sinh ra một lớp tri thức tân học, kịp tiếp thu những “Tân thư” của các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và những tài liệu sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài chuyển về, đã trở thành những hạt giống đỏ, góp phần truyền bá “Đường cách mệnh” vào phong trào yêu nước của nhân dân huyện Yên Thành những năm 1925 - 1930.

Một trong những người gieo hạt giống đầu tiên là Phan Đăng Lưu - nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thuở nhỏ, Phan Đăng Lưu có tiếng học giỏi, thông minh, khi mới 16 tuổi, ông đã tham dự kỳ thi Hương, dù phải khai tăng thêm 2 tuổi để được đi thi (1918). Tuy nhiên, do Nho học không còn được trọng, ông học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại Trường tiểu học Pháp - Việt ở Vinh và Trường Quốc học Huế. Ảnh hưởng của Phan Đăng Lưu với phong trào cách mạng quê hương rất lớn.

Đô Lương - Đất thủ khoa

Những tên đất, tên làng Bạch Ngọc, Văn Khuê, Văn Lâm, Văn Tràng, Rú Bút, Hòn Nghiên, Hòn Mực... từ lâu đã được nhân dân hình tượng hoá thể hiện sự khát vọng vươn lên trên con đường học hành, đỗ đạt khoa bảng. Triết lý "học để biết, biết để làm người" được chắt lọc, chưng cất qua bao thế hệ, trở thành truyền thống hiếu học và tôn trọng nhân tài của nhân dân Đô Lương ngày nay.

Sách Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919) có nói đến chuyện một người ở làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương. Ông là Nguyễn Đăng Quý, tự Phúc Trạch, sinh năm Chính Hoà thứ 26 (1705), con cụ Sinh đồ Nguyễn Đăng Cự nổi tiếng hay chữ trong làng Nho học một thời. Năm 25 tuổi, Nguyễn Đăng Quý thi đậu hương cống và liên tục 5 khoa đều đậu thi Hội. Năm 40 tuổi, ông dự thi Hội đậu tam trường (như phó bảng triều Nguyễn) và khoa Ngự - ân khoa do vua ra đề thi (như khoa tiến sĩ).

Đô Lương cũng chưa có nhiều người học giỏi, đỗ cao, tài văn chương được gọi là “Tứ lân”, “Tứ hổ” như con cháu họ Hồ hay ở Nam Đàn thời ấy. Nhưng có rất nhiều người, nhiều gia đình dù khó khăn đến mấy cũng cho con em đi học với triết lý giản đơn mà thấm thía “học để biết, biết để làm người”.

Thấm nhuần triết lý đó, cho đến nay có khá nhiều người “gốc” Đô Lương vượt khó vươn lên học hành, đỗ đạt, trưởng thành được cả nước biết đến. Đó là GS.TS. Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, GS. Hoàng Hữu Yên, GS.TS Nguyễn Sỹ Mão, GS.TS. Thái Bá Cầu, GS.TS. Hoàng Văn Hoàn, PGS.TS Nguyễn Bá Chất, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, PGS.TS. Lê Viết Nghị, GS.TS.NGND Hoàng Xuân Lượng…

Những năm gần đây, người Đô Lương càng phấn khởi, tự hào hơn khi con em trong huyện, trong xã học hành, đỗ đạt cao, khiến có người còn cao hứng lên viết rằng “Đô Lương - đất thủ khoa!”.

Nếu như trước có Trương Hồng Quang - giải Nhất Văn toàn quốc (1976) thì sau này Nguyễn Tất Nghĩa - HCV Vật Lý quốc tế và Châu Á - Thái Bình Dương (2009), rồi một loạt học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học đều có “gốc” Đô Lương: Hoàng Tuấn Anh (2005), Tăng Văn Bình (2011), Nguyễn Duy Hải (2012)…

Quỳnh Lưu - Vùng đất trọng chữ

Quỳnh Lưu nơi địa đầu của xứ Nghệ vốn có truyền thống hiếu học bao đời nay, trong đó tiêu biểu cho sự học của Quỳnh Lưu là làng Quỳnh Đôi. Theo thuyết phong thủy thì Quỳnh Đôi được đất ''địa linh nhân kiệt". Xế Đông Nam là hai cột đá nhô lên như hai quản bút và một vũng đá giống cái nghiên mực gọi là Hòn Bút, Hòn Nghiên.

Có phải vậy mà dân Quỳnh Đôi có truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao, làm quan to? Thời phong kiến - thực dân, nhiều gia đình nghèo phải đi mò cua, bắt ốc nhưng vẫn cố gắng cho con theo đòi nghiên bút. ''Ăn mày lấy dăm ba chữ thánh hiền'', Quỳnh Đôi xưa chỉ có 2 nghề: đi học và dệt lụa, làm nghề nông ít vì ít ruộng.

Khai bút đầu Xuân là một nét đẹp văn hóa ở vùng đất học Xứ Nghệ nói chung và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) nói riêng. Ảnh tư liệu
Khai bút đầu Xuân là một nét đẹp văn hóa ở vùng đất học Xứ Nghệ nói chung và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) nói riêng. Ảnh tư liệu

Thời ấy, Quỳnh Đôi có 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương trong đó có đến 13 giải nguyên như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát... đỗ đại khoa thì có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai. Có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ; một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương.

Thời Pháp thuộc, người đỗ thủ khoa trường Đại học Luật khoa đầu tiên ở Đông Dương là Nguyễn Xuân Dương (sau này là Chánh nhất Tòa thượng thẩm Bắc Bộ rồi Chánh án Hà Nội). Cũng trong thời kỳ này, người duy nhất trong cả nước được giải thưởng của Bảo Đại trong một kỳ thi đặc biệt (Concours général) là ông Nguyễn Đình Lương.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, xã Quỳnh Đôi có những tiến sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Dũng, Phan Tam Đồng, Phan Cự Tiến, Hồ Đức Việt...; Phó giáo sư: Văn Như Cương, Hồ Sĩ Giao, Hoàng Văn Lân, Dương Như Xuyên...; Giáo sư: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến, 3 viện sĩ quốc tế: Nguyễn Xuân Dũng, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến.

Người Quỳnh Đôi tuy nghèo nhưng hiếu học. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện của ông Hồ Sĩ Dương, nhà ông có bữa ăn rau dưa, có nhiều bữa nhịn nhưng vẫn bấm chí học hành. Ông đỗ đầu khoa thi Hương (1651), đỗ đầu khoa Đông Các (1659), trở thành một trong 2 người Việt Nam đỗ lưỡng quốc trạng nguyên (người còn lại là Mạc Đĩnh Chi).

Diễn Châu - đất "phụ tử đồng khoa"

Hiếu học, khổ học, sáng dạ, thông minh là những đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của người dân Diễn Châu.

Dưới thời Nho học, Diễn Châu có 34 vị đỗ đại khoa và hơn 400 vị đỗ trung khoa (hương cống - cử nhân). Cụ Nguyễn Xuân Ôn, ở Diễn Thái từ một hàn nho, hiếu học, trở thành ông Nghè, một nhà thơ, một nhà yêu nước, thủ lĩnh của khởi nghĩa Cần Vương ở Bắc Nghệ - Tĩnh; cụ Cao Xuân Dục làm đến chức Thượng thư Đông các Đại học sỹ ở triều Nguyễn…

Hằng năm, các trường học đều phối hợp với hội đồng gia tộc tổ chức 50 giờ học ngoại khóa cho 1500 học sinh tại Nhà thờ để các em học tập tấm gương khổ học của Cụ Nghè Ôn.
Hằng năm, các trường học đều phối hợp với hội đồng gia tộc tổ chức 50 giờ học ngoại khóa cho học sinh tại nhà thờ để các em học tập tấm gương khổ học của Cụ Nghè Ôn. Ảnh tư liệu

Làng Nho Lâm có cụ Đặng Văn Thụy xuất thân từ một gia đình thường dân, ông nội là thợ rèn, cha là ông đồ nghèo. Khoa thi năm Giáp Thìn (1904), cụ đỗ hoàng giáp làm đến chức Tế tửu Quốc tử giám. Trước đó, vào đời Lê có Hoàng Nhạc đỗ Ttến sỹ năm 1502. Dưới thời Pháp thuộc có Hoàng Đức Thi đỗ Cao đẳng sư phạm Đông Dương, là nhà giáo tâm huyết...

Đặc biệt, cả nước chỉ có duy nhất dòng họ Ngô - Lý Trai ở Diễn Châu được hưởng vinh hiển "phụ tử đồng khoa", tức là hai cha con đều đỗ giải cao trong cùng một khoa thi (Khoa thi Nhâm Thìn năm Quang Hưng thứ 15, tức năm 1592). Sự kiện này đã được ghi danh Kỷ lục Guiness Việt Nam với nội dung “Tôn vinh kỷ lục cha và con cùng đỗ tiến sỹ lần đầu tiên trong một khoa thi” dành cho cha là danh nhân Ngô Trí Tri và con là danh nhân Ngô Trí Hòa.

Hữu xạ tự nhiên hương, dòng họ Ngô trải bao thế hệ đã đóng góp cho đất Việt nhiều danh tướng, công thần, kể cả thời nay, thì những cái tên như Thiếu tướng Ngô Sỹ Quân, Trung tướng Ngô Văn Sơn, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, ông Ngô Quang Xuân - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội... ; rồi còn có chắt là Ngô Phương Lan, Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2007.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
5 vùng đất học nổi danh của Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO