Bám trục nào trong sản xuất nông nghiệp để phát triển?

Khánh Nguyên 02/01/2019 09:08

Tiếp tục những thành quả của năm 2018, bước sang năm 2019, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, cả nước sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Nhiều sản phẩm của các HTX trên địa bàn Nghệ An sản xuất theo quy trình an toàn. Ảnh: Xuân Hoàng

Trên cơ sở đó, các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết trong thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản được ngành nông nghiệp chú trọng:

* Thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phối hợp hỗ trợ các làng nghề, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng hiện đại có sức cạnh tranh cao.

* Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

* Đẩy mạnh tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước; tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất; dự báo và xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản chính.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới được triển khai ở Nghệ An đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Lương Mai

“Dù là cung ứng cho ai và theo kênh nào thì chỉ có một đòi hỏi chung, duy nhất: Đó là phải nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, giá thành hợp lý, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đây là đòi hỏi không phải chỉ trong một thời điểm, đối với một mặt hàng mà là đòi hỏi liên tục và tất cả các mặt hàng, các quy mô sản xuất phải đáp ứng, đó cũng là yêu cầu của cung ứng hàng hóa trong xã hội đương đại. Nông dân, doanh nghiệp, các địa phương, các ngành chức năng phải nhớ được nguyên tắc bất di bất dịch đó để quản trị, phát triển sản xuất phù hợp” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi sử dụng chất không đúng quy định.

Tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Theo danviet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Bám trục nào trong sản xuất nông nghiệp để phát triển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO