Bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội

(Baonghean) Sau hai ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án đối với 14 bị cáo bị truy tố trong vụ án “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Bản án đã thể hiện sự nghiêm minh, đúng người, đúng tội cũng như chính sách khoan hồng, truyền thống đạo lý của nhà nước và nhân dân ta.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, 14 bị cáo bị truy tố trong vụ án này đã nhiều lần ra nước ngoài để tham gia các khóa huấn luyện do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân – tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài trực tiếp giới thiệu. Nội dung của các khóa huấn luyện là phương pháp đấu tranh “bất bạo động”, “lịch sử tổ chức Việt Tân và các trang web của tổ chức Việt Tân”, “chương trình vượt tường lửa và an toàn mạng”, “thông báo tình hình quốc tế và Việt Nam”, “phương pháp tuyển lựa người tham gia tổ chức”, “việc kích động “dân oan”, “kỹ năng lãnh đạo”, “cách đối phó với cơ quan an ninh”… Toàn bộ chi phí cho các chuyến đi Thái Lan, Philippine, Campuchia, Hoa Kỳ… đều do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân ở nước ngoài như Nguyễn Ngọc Đức (bí danh Quang), Nguyễn Kim (bí danh Tân), Ngô Trọng Đức (bí danh Minh), Nguyễn Hoàng Tâm (bí danh Thanh), Lương Văn Mỹ (bí danh Dương), Nguyễn Thị Thanh Vân (bí danh Thảo)… cung cấp. Ngoài ra, Việt Tân còn cấp tiền và trang thiết bị như máy tính, máy ảnh, camera, điện thoại… và chỉ đạo đặt tên bí danh cho các bị cáo để thực hiện các hoạt động tội phạm nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, ví dụ như Hồ Đức Hòa có bí danh là Thìn, Đặng Xuân Diệu có bí danh là Tất, Lê Văn Sơn bí danh là Lê…

Tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo đều khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội đúng như cáo trạng nêu và truy tố. Cụ thể như bị cáo Nguyễn Văn Oai đã nhận: “Tôi là đảng viên đảng Việt Tân kết nạp ngày 26/11/2010 tại khách sạn Hải Âu, Thị xã Cửa Lò”, bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc cũng đã thừa nhận trước tòa “việc tôi theo mẹ và em gái tham gia khóa huấn luyện “Quang Trung 711” do Việt Tân tổ chức là sự thật và vi phạm pháp luật Việt Nam”, bị cáo Nguyễn Đăng Minh Mẫn cũng thừa nhận “tôi là thành viên của tổ chức Việt Tân”… Căn cứ vào chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, được thẩm tra đánh giá toàn diện (cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội), Hội đồng xét xử đã xác định các bị cáo: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Lê Văn Sơn, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc đã thực hiện các hành vi phạm tội như bản cáo trạng đã truy tố và lời buộc tội của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

Riêng bị cáo Lê Văn Sơn, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa khai báo không trung thực, không nhận tội nhưng căn cứ vào các lời khai của các bị cáo khác và nhân chứng Nguyễn Văn Triều cùng nhiều chứng cứ khác thu thập được trong quá trình điều tra đã chứng minh Lê Văn Sơn tham gia Việt Tân từ tháng 11/2010, tham gia lớp huấn luyện mang tên “Quang Trung 711” do Việt Tân tổ chức từ ngày 25-30/7/2011. Tại phiên tòa, nhân chứng Nguyễn Văn Triều khai: “Tôi là người đã chứng kiến lễ kết nạp của Lê Văn Sơn vào tổ chức Việt Tân tại Thái Lan và toàn bộ chi phí cho tôi đi Thái Lan là do Lê Văn Sơn chi trả”. Như vậy, bị cáo Lê Văn Sơn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia Việt Tân và là người phục vụ đắc lực cho việc tham gia tổ chức Việt Tân là đúng như cáo trạng nêu.

Trong vụ án này, bị cáo Đặng Xuân Diệu, Hồ Văn Oanh khiếu nại rằng các bị cáo không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng căn cứ vào các chứng cứ, chứng lý thu thập được trong quá trình điều tra, lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và chiếu theo điều luật đã quy định thì các bị cáo đã tự nguyện tham gia tổ chức Việt Tân, mà đây là tổ chức phản động, có mục tiêu lật đổ chính quyền nhân dân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên đủ căn cứ để truy tố. Việc một số bị cáo cho rằng tổ chức Việt Tân là “ôn hòa”, “bất bạo động”, chứ không phải là lật đổ chính quyền nhân dân là ngụy biện, bởi đây chỉ là thay đổi phương thức hoạt động với hình thức tinh vi hơn bằng “diễn biến hòa bình” núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “cách mạng xanh” như đã diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới. Đây không phải là một thủ đoạn mới, mà là phương thức hoạt động do tổ chức phản động Việt Tân áp dụng lâu nay đối với cách mạng nước ta, mục tiêu cuối cùng của tổ chức này là lật đổ chính quyền nhân dân - nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bị cáo Hồ Đức Hòa - người thực hiện hành vi tích cực nhất (xuất cảnh ra nước ngoài 5 lần để gặp gỡ, báo cáo tình hình với một số đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân, đã trực tiếp thông qua đồng bọn tuyên truyền, lôi kéo 9 đối tượng tham gia vào tổ chức Việt Tân) cũng đã khai báo với cơ quan điều tra: “Anh Quang - Vụ trưởng quốc nội (thuộc tổ chức Việt Tân - PV) giảng bài “Phương pháp đấu tranh bất bạo động” nêu rõ mục tiêu của tổ chức Việt Tân là: Sử dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng”…

Đối chiếu hành vi vi phạm mà các bị cáo đã thực hiện như bản cáo trạng đã nêu, với quy định của Bộ luật Hình sự, có đủ cơ sở để khẳng định: 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm này đã tham gia “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, được quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự. Từ đó, khẳng định các bị cáo: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn - những người hoạt động đắc lực cho tổ chức Việt Tân bị truy tố theo Khoản 1, Điều 79 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Nông Hùng Anh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Phúc bị truy tố với vai trò đồng phạm theo Khoản 2 của Điều 79 Bộ luật Hình sự, là phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

Đây là vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, những hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, việc Hội đồng xét xử đưa ra các mức án nghiêm minh để cải tạo, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung là việc làm cần thiết. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi và có thân nhân là người có công với đất nước. Điều này cho thấy pháp luật nhà nước ta rất nghiêm khắc, nhưng cũng sẵn sàng mở lượng khoan hồng đối với những người lầm đường lạc lối đã biết quay đầu lại nhận sai và sửa sai.

                                            Tòa tuyên án các bị cáo.

Vụ án có 14 bị cáo tham gia, vai trò, tính chất, hành vi, mức độ tham gia, nhân thân của từng bị cáo có khác nhau, vì vậy hội đồng xét xử đã đánh giá, xem xét từng bị cáo để áp dụng hình phạt phù hợp, cụ thể, các bị cáo: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn tham gia và hoạt động đắc lực cho tổ chức Việt Tân, bị tuyên án 13 năm tù giam; Nguyễn Đặng Minh Mẫn 8 năm tù giam. Các bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm: Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Đình Cương, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung bị tuyên án 4 năm tù giam; Nông Hùng Anh, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh bị tuyên án 3 năm tù giam. Ngoài ra, các bị cáo còn bị hình phạt bổ sung là bị quản chế từ 3 năm đến 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Riêng bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc từ khi bị bắt cho đến suốt phiên tòa đã tỏ ra thành khẩn, tích cực hợp tác, ăn năn hối lỗi nên tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án mà Viện Kiểm sát đã đưa ra (áp dụng Khoản 2 Điều 79, Điểm p Khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự), xử phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

                                              Bị cáo Hồ Văn Hòa (giữa).

Đây là bài học cho tất cả những ai đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân ta! Đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả những kẻ đang lén lút có âm mưu đen tối chống lại Đảng và Nhà nước ta - nhà nước của dân, do dân và vì dân!

Điều 79 BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam quy định về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

2. Người đồng phạm khác bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

Nhóm PVPL
;
Các tin khác
.
.

tin mới

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

(Baonghean.vn) - Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, Tổ tuần tra, kiểm soát Đại đội Cảnh sát Cơ động đã bắt 01 đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và 02 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý; thu giữ các tang vật liên quan.

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.