Băn khoăn du lịch trải nghiệm trong các nhà trường

Mỹ Hà 17/02/2023 10:48

(Baonghean.vn) - Trải nghiệm học tập đang ngày được nhiều trường thực hiện với mong muốn giúp học sinh được tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử và rèn luyện các kỹ năng tập thể, tích lũy các kinh nghiệm. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này lại đang có những ý kiến trái chiều.

Háo hức với trải nghiệm ngoài nhà trường

Đầu tháng 2 này, Trường THPT Thanh Chương 3 vừa tổ chức hoạt động trải nghiệm cho 1.200 học sinh ba khối lớp 10, 11,12 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Thung Lũng hoa Phủ Quỳ. Chuyến đi kéo dài trong 1 ngày với khá nhiều điểm đến được nhà trường phối hợp với một công ty lữ hành thực hiện đã diễn ra an toàn. Đây cũng là chuyến đi xa hiếm hoi với nhiều học sinh của trường bởi đặc thù học sinh của Trường THPT Thanh Chương 3 là con em gia đình thuần nông. Vì vậy, so với học sinh ở vùng trung tâm và ở các thành phố lớn các em không có nhiều cơ hội được đi tham quan, trải nghiệm.

Học sinh Trường THPT Thanh Chương 3 chuẩn bị cho chuyến đi trải nghiệm. Ảnh: NTCC

Theo thầy giáo Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng nhà trường: Trải nghiệm học tập là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại… Tại Trường THPT Thanh Chương 3, trong quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm ban giám hiệu nhà trường cũng có nhiều trăn trở. Do đó, việc lựa chọn địa điểm hoạt động trải nghiệm được cân nhắc kỹ lưỡng và lấy ý kiến của học sinh, phụ huynh. Trong đó tiêu chí quan trọng trước hết là phục vụ mục đích học tập. Sau đó nhà trường hướng đến các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh.

Trước đó, lịch trình được đưa ra là tham quan quê Bác, di tích lịch sử Truông Bồn, khu lưu niệm Lê Hồng Phong… trong tỉnh. Mặc dù vậy, nhiều học sinh cho biết đã từng được đi các địa điểm trên và mong muốn đến nơi mới lạ hơn. Trong quá trình tổ chức, nhà trường cũng đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Mỗi lớp được bố trí 1 xe ô tô, có giáo viên chủ nhiệm, đại diện phụ huynh đi cùng để giám sát, quản lý. Học sinh cũng được chuẩn bị 3 tuần trước đó, phân công nhiệm vụ theo nhóm trong suốt hành trình.

Chuyến đi trải nghiệm tham quan nhiều di tích lịch sử của học sinh Trường THPT Thanh Chương 3. Ảnh: NTCC

Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Thanh Chương 3, chi phí cho chuyến đi là 420 nghìn đồng/học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng trích quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ và tài trợ từ công ty du lịch để miễn phí cho 75 em khó khăn. Một số thầy cô giáo cũng hỗ trợ thêm cho học sinh của mình trong chuyến đi và nhà trường cũng đặt mục đích không để học sinh nào muốn tham gia mà không đi được do hoàn cảnh khó khăn. Sau chuyến đi các học sinh đều viết bài thu hoạch.

Sau 3 năm bị gián đoạn do dịch Covid – 19, từ năm học này, các nhà trường bắt đầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh với nhiều hình thức khác nhau.

Tại Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh), nhân Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà trường đã tổ chức cho học sinh có một ngày trải nghiệm làm chiến sỹ tại một đơn vị quân đội tại huyện Đô Lương, Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) cũng đã tổ chức cho học sinh lớp 9 có một ngày trải nghiệm qua các địa chỉ đỏ như Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn); Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh; Trường THPT Tân Kỳ có chuyến tham quan học tập tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng văn hóa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, học sinh Trường PT Hermann Gmeiner (TP Vinh) có chuyến tham quan, trải nghiệm tại Quảng Trị và Huế...

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao đi trải nghiệm nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân. Ảnh: Mỹ Hà

Những chuyến đi với trải nghiệm dù chưa tổ chức thường xuyên nhưng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều học sinh và phụ huynh. Thông qua các hoạt động trải nghiệm đã để lại cho các em nhiều kỷ niệm đặc biệt trong tuổi học trò và để các em hiểu hơn về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng và hướng các em đến nhiều giá trị sống tích cực cho bản thân và cộng đồng.

Nhiều ý kiến trái chiều

Cuối tuần vừa rồi, Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) đã tổ chức buổi họp phụ huynh cho học sinh toàn nhà trường. Ngoài các nội dung liên quan đến việc học tập thì một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm, đó là kế hoạch đi tham quan trải nghiệm của học sinh khối 10 và khối 11 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2/2023.

Qua trao đổi, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có kế hoạch tổ chức đi trải nghiệm cho học sinh và đang lấy ý kiến từ phụ huynh, học sinh nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Hiện chúng tôi đang đưa ra 3 phương án, thứ nhất là tổ chức cho học sinh đi trong ngày đến tham quan các di tích như Truông Bồn, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và ngã 3 Đồng Lộc. Hai phương án còn lại, thứ nhất là đi 2 ngày gồm Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Linh và phương án thứ 3 vào đến Huế, thăm lăng Khải Định và đi Đại Nội, tổ chức đêm Gala. Cả ba phương án này, mức phí cao nhất là 1,4 triệu đồng và thấp nhất chỉ mấy trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến của học sinh, đa phần học sinh thích đi xa vì các điểm ở Nghệ An, Hà Tĩnh hầu hết các em đã đi nhiều lần.

Học sinh thành phố Vinh tham quan Đại nội Huế. Ảnh: ĐVCC

Thầy giáo Cao Thanh Bảo cũng cho biết: Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm đã từng được nhà trường thực hiện nhưng năm nay, kế hoạch được tổ chức dài ngày hơn. Tuy nhiên, do số lượng học sinh dự kiến tham gia đông nên trong quá trình triển khai nhà trường đang cân nhắc, lấy ý kiến và chưa chốt phương án cuối cùng. Để đảm bảo an toàn, nhà trường cũng đang lựa chọn đơn vị phối hợp thực hiện, xây dựng tour - tuyến không có những điểm đến có nhiều nguy hiểm như sông nước và sẽ bàn bạc với từng lớp, hội phụ huynh để cùng thực hiện việc giám sát học sinh trong quá trình tham gia chương trình.

Liên quan đến việc tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là việc không thực sự cần thiết vì tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thời gian qua trên địa bàn cả nước đã có nhiều sự việc không hay xảy ra khi các em học sinh đi du lịch trải nghiệm.

Một phụ huynh còn cho biết “tuổi các cháu chưa đến lúc cần trải nghiệm!. Vừa tốn tiền vừa lo. Hoặc nếu đi thì nên đi trong tỉnh". Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng “Phụ huynh cứ lo lắng các con thiếu an toàn, bị xâm hại, đi giữa mưa nắng, ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, điều này là rất cần thiết vì các con đi với các bạn, khác với đi bố mẹ và đây là cơ hội để các con cọ xát, trưởng thành. Thực tế, những nhà có điều kiện còn cho các cháu đi trại hè ở nước ngoài, học sinh ở các nước khác cũng được trải nghiệm rất sớm và các cháu rất tự tin. Ở độ tuổi các cháu, học sinh cũng đã có ý thức để bảo vệ mình".

Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập chia sẻ về những chuyến đi trải nghiệm. Ảnh: MH

Về việc có hay không đi trải nghiệm, nhiều học sinh cũng cho rằng “rất háo hức với những chuyến đi trải nghiệm cùng với tập thể lớp”.

Học sinh Nguyễn Ngọc Hà, Đặng Quốc Bảo, Lê Đức Đạt – lớp 12T3 – Trường THPT Hà Huy Tập cùng cho rằng: Chuyến đi trải nghiệm em nghĩ sẽ giúp học sinh trong trường, trong lớp gắn bó với nhau và xây dựng môi trường tích cực cho học sinh. Về vấn đề an toàn, chúng em nghĩ rằng mình đã là học sinh cấp 3 thì chúng em sẽ tự chăm lo cho bản thân. Thực tế ở nhà, bố mẹ cũng đi làm cả ngày và chúng em đều phải tự chăm sóc để trưởng thành.

Không chỉ học sinh THPT mà việc trải nghiệm cũng đang được nhiều bậc học khác từ mầm non, tiểu học, THCS thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, điều kiện của phụ huynh, học sinh.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng là đơn vị nhiều năm liên tục tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại và có nhiều chuyến đi kéo dài từ 4 - 5 ngày. Thầy giáo Ngô Sỹ Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vì điều kiện học tập nên việc tổ chức các chuyến đi dài ngày trong năm học là rất khó khăn. Thế nên trường chúng tôi thường tổ chức vào dịp hè và do hội phụ huynh và các lớp chủ động triển khai theo từng lớp riêng. Nhà trường ủng hộ chủ trương này và yêu cầu các lớp trong quá trình thực hiện phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.

Học sinh Trường Tiểu học Nghi Hoa (Nghi Lộc) tham quan Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: BT QK4

Thực tế cũng cho thấy, những chuyến đi trải nghiệm thực tế đem lại nhiều ý nghĩa cho lứa tuổi học trò, ít nhiều cho các em những bài học bổ ích lý thú. Vấn đề hiện tại, đó là việc thực hiện ở các nhà trường vẫn đang mang tính chất tự phát, chưa có một hướng dẫn, một quy định chung nên việc phụ huynh băn khoăn, lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Chưa kể, việc thực hiện, chủ yếu là do nhà trường phối hợp với một công ty du lịch hoặc một đơn vị tổ chức sự kiện nên khó thẩm định về chất lượng tour - tuyến. Trong khi đó, số lượng học sinh tham gia một chương trình lại rất đông, lên đến hàng trăm học sinh và khó quản lý.

Việc tổ chức cũng cần phải triển khai theo tinh thần tự nguyện để tránh áp lực cho phụ huynh, học sinh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho viết: Sở sẽ sớm có văn bản về việc tổ chức trải nghiệm cho học sinh ở các nhà trường. Tuy nhiên, quan điểm của Sở đó là không tổ chức cho học sinh đi dài ngày với chi phí lớn. Việc tham quan trải nghiệm phải gắn với địa chỉ đỏ, trong tỉnh và các địa điểm gần nhà trường./.

Mới nhất
x
Băn khoăn du lịch trải nghiệm trong các nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO