Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 2

Thành Duy 24/02/2021 18:05

(Baonghean.vn) - Chiều 24/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 2/2021 để nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÓ BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG

Tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 8/12/2017 của Ban Thường vụ về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm hơn. Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nhiều cách làm hiệu quả được đề xuất và triển khai đem lại kết quả tích cực.

Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường được phát động rộng rãi từ các xã, phường, thị trấn, trong đó công tác thu gom rác thải sinh hoạt và vệ sinh đường làng, ngõ xóm được tập trung thực hiện khá nền nếp, hiệu quả. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 58% năm 2018 được nâng lên 58,5% năm 2020.

Công tác thanh tra, kiểm tra về nội dung bảo vệ môi trường được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại được quan tâm hơn, đã tập trung khoanh vùng, lập dự án xử lý để khắc phục ô nhiễm tại các khu vực đất bị tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; giảm dần số cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phát sinh cơ sở ô nhiễm môi trường mới.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 08, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đạt và vượt 8/19 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết.

Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện cho thấy, 11 chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Nghị quyết vẫn chưa đạt như: Tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn…

Qua phân tích tình hình thực tiễn, phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong quá trình phê duyệt các dự án sản xuất kinh doanh có nguy cơ phát thải nhiều, phải hết sức chặt chẽ, từ thiết kế ban đầu đến quá trình dự án đang xây dựng phải giám sát, đến khi hoạt động phải có chứng chỉ, cấp phép rõ ràng, chắc chắn, thận trọng, đúng yêu cầu về mặt kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng nêu lên thực tế, qua đánh giá 3 năm Nghị quyết 08 có 11/19 tiêu chí chưa đạt. Do đó cần phân tích làm rõ nguyên nhân, khi xây dựng Nghị quyết đặt chỉ tiêu cao hay do quá trình thực hiện chưa có biện pháp để đạt được chỉ tiêu.

Mặt khác, một nguyên nhân được chỉ ra là do chi phí thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các dự án thường khoảng 30%, nên có những doanh nghiệp tiết giảm chi phí này, hoặc đã xây dựng các hạng mục phục vụ công tác bảo vệ môi trường song quá trình vận hành doanh nghiệp không thực hiện.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, phân tích, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới nên ban hành một nghị quyết mới về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để phù hợp tình hình thực tiễn là Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tình hình biến đổi khí hậu và các vấn đề ô nhiễm khác như khói bụi, tiếng ồn mà Nghị quyết 08 chưa đề cập.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Việc xây dựng nghị quyết mới sẽ gắn với thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng.

PHÁT TRIỂN PHẢI GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá, qua 3 năm thực hiện cho thấy sự phù hợp và cần thiết của việc ban hành Nghị quyết số 08; tuy nhiên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất sẽ ban hành một Nghị quyết mới về công tác này gắn với ứng phó biến đổi khí hậu để phù hợp với những yêu cầu đặt ra cho giai đoạn mới.

Tuy nhiên, để xây dựng Nghị quyết mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công tác đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 08 cần nâng tầm từ sơ kết thành tổng kết.

Theo đó, chính quyền tỉnh cần chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát lại các nhiệm vụ, rà soát chỉ tiêu nghị quyết làm một cách bài bản, đồng thời dự báo, hoạch định một hệ thống chỉ tiêu, nhiệm vụ mới phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, tình hình biến đổi khí hậu… trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Cùng với đó, Nghị quyết mới về công tác bảo vệ môi trường phải đưa ra được giải pháp để xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành, thị trong tỉnh thông qua quy hoạch, kêu gọi được các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ tốt, giá cả hợp lý.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận nội dung về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Nghị quyết mới phải tiếp tục nhấn mạnh được quan điểm của tỉnh là: phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với các dự án đầu tư phải kiên quyết thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, nếu chưa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường thì chưa cho vận hành; đồng thời không bằng mọi giá kêu gọi các nhà đầu tư mà có thể tác động, ảnh hưởng đến môi trường; hạn chế tối đa khai thác khoáng sản.

Mặt khác, phải thực hiện đúng, nghiêm công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo đúng quy chuẩn; do đó cần rà soát lại để đầu tư đồng bộ hệ thống.

Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết mới cần có giải pháp để xây dựng phong trào sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý thức thu gom, phân loại rác thải nhằm phục vụ quá trình tái chế rác thải. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phải thực hiện quyết liệt, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, trong quá trình xây dựng cần cân nhắc thật kỹ, xác định rõ nguồn lực thực hiện nhằm xây dựng chỉ tiêu đặt ra; và một khi đã ban hành chỉ tiêu sát thì phải thực hiện bằng được vì đây là vấn đề tác động ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Cũng trong phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phương án phân bổ kinh phí từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa, bão gây ra trên địa bàn tỉnh trong các tháng 9, 10 năm 2020.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO