Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số

Thành Duy 28/05/2022 12:29

(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, mục tiêu chuyển đổi số cuối cùng là hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và hệ thống chính trị.

Sáng 28/5, tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 5 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sáng 28/5. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện một số ban Đảng Trung ương, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành liên quan.

ĐỀ CAO NHẬN THỨC, VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Quá trình triển khai thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin đã cơ bản tối ưu hoạt động trong đơn vị, tổ chức, cơ sở dữ liệu nằm trong hoạt động đơn vị. Tuy nhiên, chuyển đổi số là giai đoạn hoàn toàn khác; theo đó dữ liệu được chia sẻ; người dân và doanh nghiệp, cơ quan chính quyền sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động. Để thực hiện được các trụ cột liên quan đến chuyển đổi số thì thể chế là vấn đề rất quan trọng; theo đó việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này và kèm theo kế hoạch thực hiện là bước đi rất cần thiết.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Theo dự thảo Nghị quyết trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chuyển đổi số hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hạ tầng số, hướng đến xã hội số.

Gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vững vị trí thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chính phủ số.

Dự thảo Nghị quyết đã xây dựng các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030; gắn với giải pháp thực hiện liên quan đến xây dựng và phát triển các trụ cột quan trọng là: hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và về đô thị thông minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Nghị quyết; đồng thời trao đổi, nêu ý kiến liên quan đến căn cứ, cơ sở xây dựng một số chỉ tiêu đặt ra trong nghị quyết; lựa chọn trọng tâm ưu tiên thực hiện trong các trụ cột đề ra cũng như lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra; đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp trên không gian mạng;…

Đặc biệt, ý kiến nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất cao với việc cần đề cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố rất quan trọng nếu muốn thực hiện chuyển đổi số thành công.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu về nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi, làm rõ thêm các nội dung mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra, nhất là liên quan đến hệ thống các chỉ tiêu, nguồn lực thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng thống nhất cao đối với việc đặt ra giải pháp phải phát huy được vai trò người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số. “Người đứng đầu không quyết tâm, không thực sự tham gia chỉ đạo thì thực sự là khó”, Chủ tịch UBND tỉnh nêu quan điểm.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi về một số nội dung dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy

Về giải pháp đối với phát triển hạ tầng số, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, giải pháp là sử dụng phương thức thuê hạ tầng số trong điều kiện địa bàn rộng, nguồn lực hạn chế. Hiện nay, tỉnh đang sử dụng phương thức này và cho thấy hiệu quả.

CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC PHẢI ĐI ĐẦU

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về chuyển đổi số.

Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ những định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An kết luận nội dung về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, nhận định nội dung đánh giá tình hình triển khai trong những năm qua ở dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện ngang tầm, đồng chí Thái Thanh Quý lưu ý phải chú ý đánh giá trọng tâm, tổng quát phải cao, trong đó nội dung rất quan trọng là phải nhận định được Nghệ An đang ở vị trí nào trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Về quan điểm của dự thảo Nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ cần phải chú ý, mục tiêu chuyển đổi số cuối cùng là hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng ý với quan điểm được nhiều đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu ý kiến là các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải đi đầu; gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng chí Lê Thị Hoài Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trình bày dự thảo Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Ảnh: Thành Duy

Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm nghiên cứu lại một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Mục tiêu “Mạng di động thế hệ mới được triển khai đảm bảo chất lượng độ phủ sóng 4G, 5G tại 100% khu dân cư tại trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, các điểm du lịch và các khu công nghiệp” đặt ra còn thấp, có thể mở rộng thêm phạm vi.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu: 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ được đào tạo công nghệ thông tin.

Đối với bộ chỉ tiêu về kinh tế số, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng một số chỉ tiêu; đồng thời nghiên cứu lượng hóa về khả năng bổ sung thêm các chỉ tiêu: tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số đối với GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Về đô thị thông minh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nội dung Nghị quyết cần đưa thành phố Vinh và các thị xã: Cửa Lò và Hoàng Mai triển khai thí điểm thành công và nhân rộng các dịch vụ: y tế, giáo dục, giao thông, an ninh - trật tự, du lịch…

Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp, đối với nhóm nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng số và dữ liệu số, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu phải có giải pháp để thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cơ sở; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của tỉnh để phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số; hoàn thiện phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phục vụ chuyển đổi số.

Để phát triển nhân lực chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất cần có chính sách thu hút người giỏi về lĩnh vực công nghệ tin, chuyển đổi số để phục vụ quá trình chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin cho người dân và cho doanh nghiệp trên không gian mạng, cả chính quyền, hệ thống chính trị.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu về nội dung dự thảo Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Ảnh: Thành Duy

Liên quan đến lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tập trung vào xây dựng chính quyền số, hoạt động của cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời tập trung vào lĩnh vực công thương, du lịch; an ninh trật tự, an toàn giao thông, giao thông vận tải và logistics.

Cũng tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác như: dự thảo Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 9/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An…; nghe báo cáo và thống nhất kế hoạch, phân công triển khai công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO