Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua đề án xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030
(Baonghean.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua chủ trương ban hành Đề án xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030.
Sáng 29/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã nghe và cho ý kiến dự thảo Đề án xây dựng thị trấn Đô Lương thành thị xã thương mại, dịch vụ và du lịch.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ngành, địa phương liên quan.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
DẦN HỘI TỤ ĐẦY ĐỦ CÁC ĐIỀU KIỆN
Huyện Đô Lương hiện tại có 32 xã và 1 thị trấn, phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương nằm trong địa giới hành chính của 13 xã và 1 thị trấn. Dự kiến đô thị Đô Lương trở thành thị xã sẽ chia làm 12 phường, 19 xã còn lại (vùng nằm ngoài đô thị Đô Lương) dự kiến sẽ chia thành 12 xã.
Tổng cộng đơn vị hành chính cấp phường, xã khi huyện Đô Lương trở thành thị xã là 24 đơn vị hành chính, giảm được 9 đơn vị hành chính cấp xã.
Vùng nghiên cứu lập Đề án phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương với phạm vi nằm trong địa giới của 14 đơn vị hành chính cấp xã, tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.930 ha.
Qua việc rà soát, phân tích, đánh giá, tổng hợp hiện trạng đô thị Đô Lương và đối chiếu với tiêu chuẩn đô thị loại IV được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, huyện có 53/59 tiêu chuẩn đạt.
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương trình bày dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy |
Đối với tiêu chí về thị xã, huyện Đô Lương có 3 tiêu chuẩn đạt gồm: Quy mô dân số; Diện tích tự nhiên; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 1 tiêu chuẩn chưa đạt là Tiêu chuẩn loại đô thị (chưa được công nhận đô thị loại IV); 1 tiêu chuẩn chưa thực hiện đánh giá được là tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc, tiêu chuẩn này, sau khi được công nhận đô thị loại IV, khi lập Đề án thị xã đồng thời thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thành lập phường, xã.
Về định hướng lộ trình phát triển đô thị Đô Lương, dự thảo Đề án cho biết sẽ xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030.
Bản đồ đô thị Đô Lương hiện hữu. Ảnh: Thành Duy |
Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh tiềm năng của Đô Lương và thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Đề án; đồng thời góp ý thêm vào một số nội dung liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đồng tình chủ trương xây dựng thị xã tại khu vực huyện Đô Lương; tuy nhiên đề nghị làm rõ cách làm đột phá đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa 19 xã còn lại.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy |
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, Đô Lương đang hội tụ dần các điều kiện và trong dự thảo Đề án được UBND tỉnh xem xét rất kỹ đã xác định lộ trình, bước đi tương đối rõ.
Tuy nhiên hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình ban hành bộ tiêu chí mới, trong đó có tiêu chí về thị xã và đô thị loại IV. Do đó, quá trình thực hiện Đề án cần tiếp cận nội dung mới cho phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, cần cân nhắc thực hiện theo hai giai đoạn, trước hết hướng đến đảm bảo các tiêu chí theo đô thị loại IV, sau đó sẽ tiến lên thị xã. Tuy nhiên, về nội hàm phát triển thị xã theo hướng nào thì đến giai đoạn đó sẽ xác định cụ thể, vì không chỉ thương mại, dịch vụ như định hướng trong dự thảo Đề án mà Đô Lương đang có tiềm năng để phát triển cả công nghiệp.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án xây dựng Đô Lương thành thị xã, trách nhiệm không chỉ của huyện mà còn của tỉnh.
Góp ý vào dự thảo Đề án, đồng chí Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh lộ trình cần xây dựng trung tâm đô thị huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã vào năm 2030. Như vậy, từ nay đến 2025, xây dựng vùng lõi của huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, sau đó mới quy hoạch toàn huyện Đô Lương thành thị xã.
PHẢI CÓ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CAO
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao sự chuẩn bị của huyện Đô Lương và sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc xây dựng dự thảo Đề án, nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất chủ trương thông qua dự thảo Đề án do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương phối hợp trình.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu kết luận nội dung về Đề án xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã. Ảnh: Thành Duy |
Bên cạnh đó, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị các đơn vị trình cần tiếp thu các ý kiến chuyên môn để điều chỉnh tiêu đề phù hợp, đồng thời phải xác định thực trạng thật sát để phân vùng phù hợp; cũng như làm rõ hơn giai đoạn, tiến độ để xây dựng Đô Lương thành đô thị loại IV, sau đó trở thành thị xã; gắn liền với đó là bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, để thực hiện đạt được mục tiêu theo lộ trình đề ra, người đứng đầu Tỉnh ủy lưu ý phải có quyết tâm chính trị cao không chỉ của riêng huyện Đô Lương mà cả của tỉnh, đặc biệt là Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Ở cấp tỉnh, quyết tâm chính trị để có cơ chế, chính sách; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; dành nguồn lực đầu tư. Đồng thời, huyện Đô Lương cần phải tạo được đồng thuận, thống nhất, tập trung rất cao trong hệ thống chính trị đến Nhân dân để thực hiện hiệu quả Đề án.
Các đồng chí Thường trực Huyện ủy Đô Lương dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý công tác quy hoạch phải đi trước, với quan điểm phải có tầm nhìn, chất lượng và quy hoạch cần phải được bảo vệ và triển khai.
Mặt khác, tập trung chuẩn bị các hạ tầng đô thị, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải...
Để có thêm nguồn lực thực hiện Đề án, tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu ban hành dự thảo cơ chế, chính sách đủ mạnh để Đô Lương phát triển thành thị xã, sau đó báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh xem xét theo thẩm quyền.
Tỉnh và huyện Đô Lương cũng cần năng động, có trách nhiệm kêu gọi thêm các nguồn lực khác để xây dựng Đô Lương thành thị xã. Mặt khác, Đề án cũng phải phân công trách nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đơn vị chủ trì.
(Baonghean.vn) - Nhấn mạnh tính chất quan trọng của Quyết định số 827, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan liên quan và TP. Vinh phải phân công, vào cuộc với tinh thần kiên trì, quyết liệt đeo bám thực hiện các nội dung đề ra cho đến khi có kết quả.Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến phát triển TP. Vinh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ