Những thức quà hấp dẫn ở miền quê Nghệ An

Công Khang 02/12/2022 11:56

(Baonghean.vn) - Bên cạnh những điểm đến và món ăn hấp dẫn, du khách đến với Nghệ An còn có dịp mua những thứ quà tặng mang đậm bản sắc của miền “Gió Lào cát trắng”, đảm bảo khi đã thưởng thức sẽ mong có dịp trở lại vùng quê bên dòng Lam giang.

Nước mắm Cửa Lò

Tính đến nay, thị xã Cửa Lò đã có 6 sản phẩm nước mắm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, được hỗ trợ tiêu dùng, kết nối thị trường, chia sẻ thông tin đến với khách hàng. Điều này càng giúp gia tăng niềm tin và sự yên tâm cho người tiêu dùng, để hương vị nước mắm Cửa Lò được lan tỏa khắp mọi miền quê và gắn bó với bữa ăn của mỗi gia đình.

Nước mắm Cửa Lò. Ảnh: Đức Anh

Từ đó, mang lại niềm vui cho những người quanh năm gắn bó với biển khơi, gắn bó với nghề sản xuất nước mắm, từ công đoạn lựa chọn nguyên liệu (cá biển), ướp cá, phơi, đảo, rút, lọc và tách các tạp chất để có được những mẻ nước mắm sạch và ngon, đảm bảo hợp vệ sinh và mang đậm hương vị biển cả.

Đặc biệt, mới đây nước mắm Cửa Lò được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào tốp 100 đặc sản quà tặng. Người dân TX. Cửa Lò, nhất là những người làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống vô cùng tự hào vì sản phẩm được ghi nhận và tôn vinh. Nhờ đó, nhiều du khách đã tìm mua nước mắm Cửa Lò làm quà tặng cho chuyến du lịch thú vị.

Nhút Thanh Chương

Nhút là món ăn dân dã, phục vụ nhu cầu thường nhật của người dân xứ Nghệ. Nhút được chế biến từ những thứ gần gũi như mít non, bắp chuối, măng rừng thái nhỏ, trộn với muối, cho thêm một số gia vị rồi chất vào vại. Các thứ nguyên liệu thấm muối nên được dùng để ăn cùng với cơm, có thể ăn sống, xào và nấu cùng cá, thịt. Cũng nhờ thấm muối nên nhút bảo quản được trong thời gian rất lâu, không bị hỏng.

Ngày nay, cuộc sống của người dân xứ Nghệ nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng đã có nhiều đổi thay, nên nhút không còn là món ăn hàng ngày. Với nhiều người, nhút đã trở thành đặc sản, nhút theo những chuyến xe vào Nam, ra Bắc, vào các nhà hàng nổi tiếng. Mỗi khi có dịp dừng chân ở Nghệ An, không ít du khách đã tìm mua món nhút Thanh Chương được chế biến và đóng hộp kín đáo.

Nhút Thanh Chương. Ảnh: Công Khang

Ngày nay, trong quá trình chế biến, món nhút có thể được thêm một số gia vị để thơm và ngon hơn, nhưng quy trình và nguyên liệu hoàn toàn không thay đổi. Cùng với lươn đồng, bánh mướt, giò bê, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương được xem là thương hiệu của ẩm thực xứ Nghệ.

Đặc biệt, cùng với nước mắm Cửa Lò, nhút Thanh Chương cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào tốp 100 đặc sản quà tặng. Người dân huyện Thanh Chương càng thêm tự hào và du khách gần, xa càng có thêm niềm tin khi lựa chọn mặt hàng đặc sản của vùng quê này.

Tương Nam Đàn

“Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” là đúc kết của người xưa khi nói đến đặc sản hàng đầu của Nghệ An. Nguyên liệu chính để làm tương là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày: đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước được pha trộn với một tỷ lệ nhất định, tùy thuộc vào bí quyết và kinh nghiệm của từng gia đình. Tương đạt chuẩn là khi mở nắp chum tương, ngoài mùi thơm nức còn phải có màu vàng rơm hoặc màu cánh gián. Lúc này, nếu đong vào chai, khi để lắng ta thấy chai tương có 3 tầng. Trên cùng là đỗ, giữa là nước và dưới đáy là mốc.

Tương Nam Đàn. Ảnh: Công Khang

Từ một món ăn dân dã, ngày nay tương Nam Đàn đã trở thành đặc sản, có mặt trong các nhà hàng sang trọng, theo chân con người vào Nam, ra Bắc. Trong những quán ăn sang trọng, tương được xem là món “xúc tác” để những bữa tiệc mâm cao, cỗ đầy được ngon hơn. Nghĩa là tương được dùng để chấm các loại rau, củ, quả và thịt được chế biến bằng cách luộc chín hoặc tái.

Trong đó, phải kể đến các món thịt luộc tái (bò, dê, lợn) chấm nước tương, có thêm ít gia vị như gừng, tỏi. Thưởng thức món này, có lúc ta tưởng chừng như trên đời này không có thứ gì ngon hơn nữa. Huyện Nam Đàn hiện có 2 đặc sản khá nổi tiếng nữa là dê Cầu Đòn và bê thui Nam Nghĩa, nếu không có hương vị của tương thì 2 thứ đặc sản này sẽ khó có được hương vị như chúng đang có.

Giò bê (me)

Món giò bê cũng là đặc sản của xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), gần đây có thêm một số cơ sở chế biến ở thành phố Vinh. Món ăn này được làm từ giò bê nguyên tảng ướp các loại gia vị gồm nước mắm, hạt tiêu, trứng gà. Sau đó, cuộn tròn, gói lại bằng lá rồi hấp trong nồi gang, đun sôi khoảng nửa ngày.

Du khách lựa chọn mua giò bê Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Với cách chế biến này, giò bê giữ được hương vị của thịt bê và hương thơm của các loại gia vị. Giò bê thường được bài trí trên mâm, cỗ ngày lễ, tết và đám cưới, đám giỗ và có thể cất trữ được lâu ngày. Gần đây, giò bê được nhiều du khách ưa chuộng và chọn mua về làm quà tặng…

Ưu điểm của món giò bê là được gói ghém cẩn thận, đảm bảo vệ sinh, có thể bảo quản được dài ngày và thuận lợi trong việc vận chuyển đường xa. Vì vậy, du khách hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn đặc sản giò bê làm quà tặng.

Bánh gai xứ Dừa

Bánh gai xứ Dừa, xã Tường Sơn (Anh Sơn) xưa nay được xem là món để thưởng thức lúc giao lưu, đối đãi khách quý tới nhà. Thức bánh này được người dân xã Tường Sơn làm quanh năm, được xem là đặc sản của địa phương và ngày càng khẳng định được thương hiệu.

Nguyên liệu làm bánh gai gồm bột nếp, đậu xanh, mật mía, lá gai và lá chuối khô bọc ngoài. Quy trình chế biến bắt đầu bằng việc xay gạo nếp thành bột, đậu xanh ngâm nước đãi sạch vỏ, hái lá gai tươi về giã nát, nghiền thật mịn rồi trộn đều với bột nếp. Sau đó, người làm bánh sẽ cho nhân đậu và một ít cùi dừa vào cho có vị thơm đặc trưng, rồi dùng lá chuối gói lại, xếp vào đầy nồi và bắc lên bếp hấp cách thủy, sau khoảng vài tiếng đồng hồ bánh chín đều rồi vớt ra.

Bánh gai xứ Dừa. Ảnh: Công Khang

Nghề làm bánh gai của địa phương đã có từ lâu đời. Bánh gai giờ đã trở thành món ăn, món quà quê không thể thiếu của mỗi thực khách khi đến với huyện Anh Sơn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm bánh gai mang lại, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Bò giàng

Bò giàng là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi, vùng cao Nghệ An. Món ăn này được chế biến bằng cách xắt thịt bò thành từng khối cỡ bàn tay, tẩm ướp gia vị (nước mắm, tiêu, gừng, tỏi) rồi gác lên bếp củi. Hơi nóng của bếp lửa làm thịt khô và chín từ từ, thịt vẫn giữ được săn, chắc cũng như vị thơm.

Khi đem ra sử dụng, chỉ cần đem thịt giàng nướng lại trên bếp, lúc ấy du khách sẽ được thưởng thức món ăn hết sức đặc biệt, mang đậm hương vị và bản sắc vùng cao. Trời lạnh, ngồi bên bếp lửa với những món đặc sản và nhâm nhi cùng ly rượu men lá, tưởng như cuộc đời này chẳng có gì thú vị hơn.

Chế biến bò giàng ở vùng cao Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc

Ngày nay, ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu đã có các cơ sở chế biến bò giàng, phục vụ nhu cầu của du khách. Cũng như món giò bê, bò giàng được chế biến kỹ, hợp vệ sinh, thời hạn sử dụng khá dài nên du khách dễ dàng trong việc bảo quản và vận chuyển, là thứ quà tặng “đắt giá” được nhiều du khách lựa chọn khi đến Nghệ An.

Ngoài những đặc sản kể trên, du khách có thể lựa chọn thêm những sản phẩm OCOP của Nghệ An như tảo xoắn, rượu mú từn, chả cá trích, gà Thanh Chương, cam Vinh, trà ướp bông sen, trà hoa vàng, chè tuyết shan, chè vằng nguyên chất, tinh bột sắn dây, tôm bóc nõn, cá thu nướng…

Chế biến cá thu nướng ở TX. Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Quang An

Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có 253 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao, phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh, thuận lợi cho khách du lịch lựa chọn và giao dịch.

Mới nhất

x
Những thức quà hấp dẫn ở miền quê Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO