Bắt ổ nhóm cho vay hàng chục tỷ đồng với lãi suất trên 200%/năm ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Thông thường các đối tượng cho vay với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 180%/năm. Cá biệt, đối với một số trường hợp chúng còn lấy lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 252%/năm.
Công an huyện Nghĩa Đàn đang tạm giữ hình sự đối với Lê Đình Thược (SN 1976), Phan Thị Hòa (SN 1970) và Phạm Văn Mai (SN 1960) đều trú tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời tiến hành triệu tập hơn 20 đối tượng là “con nợ” để tránh trường hợp các đối tượng này lo sợ bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.
Đối tượng Lê Đình Thược và các tang vật bị thu giữ trong Chuyên án 719H. Ảnh: Minh Thái |
Trước đó, thông qua công tác trinh sát, Công an huyện Nghĩa Đàn phát hiện tình trạng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất cao trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng đời sống kinh tế khó khăn của một số người dân, hoặc một số người có nhu cầu cần tiền gấp để cho vay với lãi suất cao, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Thông thường các đối tượng cho vay với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 180%/năm, cá biệt đối với một số trường hợp chúng còn lấy lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất 252%/năm.
Do vay với lãi suất quá cao, những người vay tiền chủ yếu chỉ đủ thu nhập để trả lãi mà không trả được nợ gốc, một số trường hợp còn không trả được tiền lãi khi đến kỳ hạn thanh toán thì còn phải trả thêm lãi gộp (lãi mẹ đẻ lãi con). Hầu hết những người vay đều không có khả năng thanh toán, có người phải bỏ trốn, có người bị các đối tượng cho vay siết nợ, đe dọa, khống chế, cưỡng bức, gây thương tích… ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT và gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Xuất phát từ tình hình đó, đầu tháng 7/2019, Công an huyện Nghĩa Đàn đã xác lập Chuyên án 719H để tập trung lực lượng đấu tranh với các đối tượng hoạt “động tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn và các huyện lân cận. Sau khi Chuyên án được xác lập, các trinh sát đã tăng cường bám địa bàn, tập trung theo dõi mọi di biến động của các đối tượng.
Đại úy Ngô Anh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Các đối tượng hầu hết đều có quan hệ xã hội phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đối phó với lực lượng chức năng. Có đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cho vay nặng lãi; khi làm giấy, hợp đồng cho vay tiền đều không thể hiện lãi suất cho vay; khi lãi suất lên đến gần 30 triệu đồng thì các đối tượng lại yêu cầu người vay làm lại giấy, hợp đồng vay tiền mới để trốn tránh sự phát hiện.
Đồng thời tiêu hủy các giấy tờ, tài liệu liên quan sau khi người vay tiền thanh toán hết nợ; ít đề cập đến lãi suất cho vay trên giấy tờ mà chỉ trao đổi trực tiếp hoặc nhờ, thuê các đối tượng cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, “xã hội đen” để siết nợ chứ không trực tiếp ra mặt…".
Tang vật thu giữ từ các đối tượng trong ổ nhóm cho vay nặng lãi. Ảnh: Minh Thái |
Sau một thời gian kiên trì theo dõi, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khi xác định thời cơ đã chín muồi, vào 10 giờ ngày 16/7/2019, Ban chuyên án quyết định phá án. Theo kế hoạch, 4 tổ trinh sát đã đồng loạt tiến hành thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng: Lê Đình Thược, Phan Thị Hòa và Phạm Văn Mai về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Quá trình bắt giữ, các đối tượng không hợp tác và có biểu hiện chống đối, tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, lực lượng Công an đã buộc chúng phải tra tay vào còng; đồng thời, thu giữ tang vật gồm: 1 xe ô tô, 3 xe máy, 5 điện thoại di động, hơn 500 triệu đồng tiền mặt và rất nhiều sổ sách, giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu các đối tượng còn quanh co, chối tội, khai báo nhỏ giọt, nhưng trước các chứng cứ, tài liệu thu thập được, bọn chúng đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án xác định, từ năm 2017 đến nay, hàng năm, mỗi đối tượng đã cho hàng trăm người trên các địa bàn Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Quỳ Hợp… vay với lãi suất rất cao, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, tổng cộng Thược cho vay khoảng 6 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 900 triệu đồng; Hòa cho vay khoảng 2,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 400 triệu đồng; Mai đã cho vay khoảng 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng hơn 500 triệu đồng.
Hiện, Công an Nghĩa Đàn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục đấu tranh mở rộng.