Bóng đá Việt Nam tiến bộ, các nước Đông Nam Á có động thái gì?
(Baonghean.vn) - Chúng ta tiến lên nhưng các nước trong khu vực cũng không dừng lại. Trong 1 năm trở lại đây, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... bắt đầu có những sự thay đổi mang tính căn bản cho sự phát triển bóng đá của quốc gia.
THÁI LAN
Năm 2017, LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã ban hành chiến lược phát triển bóng đá Thái Lan đến năm 2026 - tầm nhìn 2036 rất chi tiết từ mục tiêu, kế hoạch thi đấu ở tất cả các cấp độ, đào tạo cầu thủ trẻ, trọng tài đến kinh phí hoạt động.
Đội tuyển Thái Lan. Ảnh: FA |
Mục tiêu: VCK FIFA World Cup 2026
Năm 2016, FAT thuê Ekkono (Cty tư vấn bóng hiện đang hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản, Barcelona...) từ Tây Ban Nha. Ekkono có 04 nhiệm vụ sau:
• Đưa các HLV người Tây Ban Nha dẫn dắt các đội trẻ Thái Lan từ U15 trở xuống nhằm xây dựng lối chơi phù hợp và xuyên suốt với nền bóng đá Thái Lan.
• Tuyển quân từ đội trẻ của tất cả các CLB hiện đang thi đấu ở giải VĐQG, từ khắp mọi miền đất nước Thái Lan.
• Dạy và chuyển giao kỹ năng huấn luyện, đào tạo trẻ cho các HLV đội trẻ tại các của CLB Thái Lan.
• Thống kê các cầu thủ trẻ tiềm năng, lên lịch thi đấu các giải cho phù hợp với lực lượng đang có. Năm 2018, FAT cũng đưa vào hoạt động trung tâm 'nghiên cứu và phát triển' với mục đích nhằm lưu giữ toàn bộ dữ liệu cầu thủ cả nước. Bên cạnh đó trung tâm còn nhằm mục đích nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học vào bóng đá Thái Lan.
MALAYSIA
Năm 2018, LĐBĐ Malaysia (FAM) công bố sách lược “Đường tới 2030”
ĐT Malaysia. Ảnh: Trung Kiên |
Mục tiêu: VCK FIFA World Cup 2030
• Tương tự Thái Lan, Malaysia là quốc gia thứ 2 công bố chiến lược tham dự World Cup.
• Từ 2018, LĐBĐ Malaysia áp dụng tiêu chuẩn cho các CLB chuyên nghiệp với những yêu cầu cao trong đào tạo trẻ, kinh phí hoạt động cũng như mô hình hoạt động của các CLB với mục tiêu nâng tầm giải Malaysia Super League.
INDONESIA
Mục tiêu : VCK Asian Cup 2023, vô địch AFF Cup 2020
ĐT Indonesia. Ảnh: Fox Sports |
• Mặc cho những điều tiếng gần đây, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) và chính phủ nước này đang quyết tâm chạy đua xin đăng cai World Cup 2034 hoặc 2038. Trước đó, họ cũng đã thất bại trong cuộc chạy đua xin đăng cai World Cup 2022.
• Bên cạnh đó, lứa U17 Indonesia sau thành công ở năm 2018 với chức vô địch U16 ĐNA, vào tứ kết U16 Châu Á cũng được đầu tư rất mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm 2019, gần 30 cầu thủ U17 Indonesia đã được cử đi tập huấn dài hạn 5 tháng tại các trung tâm danh tiếng của Anh.
MYANMAR
ĐT Myanmar. Ảnh: AFF |
Mục tiêu: Bán kết AFF Cup 2020, VCK U17-U20 World Cup
• Đầu năm 2019, LĐBĐ Myanmar (MFF) công bố chiến lược phát triển 2019-2022 với “kiến trúc sư trưởng“ là Eric Abrams, người từng nhiều năm dẫn dắt các đội trẻ của Bỉ.
• Trong chiến lược này, MFF sẽ áp dụng sơ đồ 4-3-3 cho tất cả các tuyến trẻ với sự điều chỉnh phù hợp với tố chất của người Myanmar.
• Các đội trẻ Myanmar sẽ do HLV nước ngoài đảm nhiệm. Các giải trẻ từ U20, U18, U16, U14 sẽ tổ chức 2 lần/năm. Mở rộng phát triển các học viện bóng đá, hiện nay MFF có 3 học viện đào tạo trẻ do FIFA tài trợ.
Vô địch AFF Cup 2018, rồi sao nữa?
(Baonghean.vn) - Chức vô địch AFF Cup 2018 đến với người hâm mộ Việt Nam theo cách không quá dồn nén về mặt cảm xúc như một VCK U23 châu Á. Chức vô địch giàu sức thuyết phục là lời khẳng định 10 năm của bóng đá Việt Nam. Lên đỉnh vinh quang đã khó, làm sao để bóng đá Việt Nam đi đúng hướng vẫn còn là một bài toán nan giải.