Các địa phương tăng cường phòng dịch tả lợn châu Phi
(Baonghean.vn) - Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn Nghệ An. Tuy nhiên với phương châm phòng là chính, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp phòng dịch, trong đó tập trung tuyên truyền, kiểm soát chặt đàn lợn.
Ngay khi có Công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh Nghệ An, các huyện đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường các giải pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chị Nguyễn Thị Khoa, chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Hợp Thành (Yên Thành) rắc vôi bột trước ngõ ra vào chuồng trại để phòng các loại dịch bệnh lây lan. Ảnh: Xuân Hoàng |
Huyện Yên Thành là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi lợn, hiện toàn huyện có hơn 100 nghìn con lợn. Trong đó có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi lợn tập trung. Ngày 20/2, UBND huyện đã có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn huyện.
Trước mắt, huyện tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, Đài TT - TH huyện... để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ lợn, trung chuyển lợn, tổ chức phun hóa chất khử trùng sau mỗi phiên chợ...; thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn huyện, khuyến cáo người chăn nuôi khai báo số lượng đàn lợn hiện có; tổ chức tiêm phòng các bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương vận động người dân sử dụng các giải pháp phòng bệnh ngay tại chuồng trại như phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột trên các lối ra vào chuồng trại...
Anh Hồ Văn Thiết (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) mua hóa chất về phun khử trùng xung quanh chuồng trại chăn nuôi lợn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Tại huyện Nghĩa Đàn, trước những diễn biến khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh này trên địa bàn huyện.
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Hùng Lập, xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) có 150 con lợn. Để chủ động phòng ngừa, anh Dũng đã tiêm thuốc phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng… và lặp lại đúng thời gian, liều lượng. Ngoài ra, cứ khoảng 1 tuần anh lại phun thuốc sát trùng quanh chuồng trại một lần. Anh Hùng lo lắng: "Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng nên rất sợ lây lan vào địa bàn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình".
Huyện Nghĩa Đàn hiện có hơn 35 ngàn con lợn. Trạm Trưởng Trạm Thú y huyện Nghĩa Đàn, ông Cao Minh Đức cho biết: Hiện nay thời tiết mưa nắng thất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút. Thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, vì vậy, bà con cần vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, tiêm phòng đúng thời gian, đủ liều lượng các loại bệnh dịch để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Chăn nuôi lợn tại các trang trại trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Minh Thái |
Cũng theo ông Đức, khi bà con mua con giống lợn về nuôi phải rõ nguồn gốc, giống nhập ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch chuyên ngành thú y. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, nếu dùng thức ăn liên quan đến sản phẩm động vật phải nấu chín.
Tại huyện Nghi Lộc, ông Đồng Thanh Bình - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, trên địa bàn huyện, tổng số đàn lợn chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Là địa phương có Quốc lộ 1A, đường sắt đi qua, nên lưu lượng vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn qua địa bàn nhiều, do đó, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch tả lợn châu phi là rất cao.
Anh Cao Văn Hoàng ở xóm 1, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ảnh: Lâm Tùng |
UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó tập trung kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kiểm soát khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch.