Các nước Đông Nam Á chống dịch, sản xuất và lưu thông hàng hóa thế nào thời Covid-19?

Thanh Hảo 06/08/2021 16:01

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp với tình hình thực tế và đã gặt hái được nhiều thành công.


Người dân Campuchia ở vùng phong tỏa nhận hỗ trợ thực phẩm. Ảnh: Reuters

Campuchia chia vùng dịch theo màu

Ở Campuchia, sau khi đạt được những kết quả ấn tượng về giảm thiểu số ca lây nhiễm, nước này lại đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng khi biến thể Delta xâm nhập và lây lan nhanh.

Để sớm khống chế được dịch bệnh, Chính phủ Campuchia phân chia các vùng dịch màu "đỏ", "vàng đậm" và "vàng" theo mức độ rủi ro lây nhiễm từ cao xuống thấp. Thủ đô Phnom Pênh và một số địa phương sau những ngày chịu giới nghiêm đã chuyển sang phong tỏa và áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt.

Từ ngày 23/4, các chợ do nhà nước quản lý và chợ tự phát ở Phnom Penh đều đóng cửa. Riêng tại vùng "đỏ", tất cả loại hình kinh doanh và mua bán nhỏ lẻ, kể cả nơi cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đều ngừng hoạt động. Do hoạt động vận chuyển và cung ứng hàng hóa từ bên ngoài vào gặp nhiều khó khăn, giá thực phẩm tăng cao. Để giải quyết bài toán này, Bộ Công Thương Campuchia công bố bảng giá cố định 6 mặt hàng thiết yếu - bao gồm gạo, mì gói, cá hộp, nước mắm, nước tương, nước uống đóng chai.

Bộ này đồng thời triển khai nhiều trợ trực tuyến, dùng các xe tải chuyên chở thực phẩm và lập hàng chục quầy hàng tại các địa điểm ở vùng đỏ để đáp ứng nhu cầu. Hãng xe tư nhân Virak Buntham được cấp phép huy động 64 xe tải làm "chợ di động" phân phối thực phẩm.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cấp giấy chứng nhận hoặc giấy thông hành để thương nhân thuận tiện vận chuyển thực phẩm vào khu phong tỏa.

Về phía dân chúng, những người sống ở khu phong tỏa bị cấm rời khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp. Mỗi gia đình chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm tối đa 3 ngày/tuần và cử 2 người luân phiên nhau đi mua.

Singapore linh hoạt chiến lược tiêm chủng

Theo BBC, Singapore đã chuẩn bị kế hoạch "sống chung với Covid-19" một cách kỹ càng và cẩn trọng, cân nhắc cả ba yếu tố Chính trị, Kinh tế và Khoa học. Khi thực hiện kế hoạch dài hơi này, chính quyền đã tỏ ra linh hoạt, kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế.

Quốc đảo này sớm nhận ra tiêm vắc xin, miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là cùng tồn tại với virus chính là đích cuối cùng. Trong một buổi truyền hình trực tiếp cuối năm 2020, Thủ tướng Singapore tiết lộ đã sớm lập cơ quan chuyên trách và chi hơn 1 tỷ đôla Singapore từ tháng 4/2020 để có quyền tiếp cận, sở hữu và sớm mang về được số vắc xin cần thiết ngay từ năm 2020.

Trên nền tảng đó, chính quyền Singapore đã triển khai tiêm ngừa Covid-19 khá nhanh, phân bổ hợp lý và không xảy ra hỗn loạn. Chính quyền thông báo từng nhóm dân cư tới tiêm chủng trong thời gian cụ thể, đăng ký trước ngày giờ tiêm qua một ứng dụng cài trên điện thoại thông minh hoặc trang web của Bộ Y tế.

Để thực hiện tiêm chủng hiệu quả, các nhà chức trách phân nhóm cư dân dựa theo độ tuổi, chứ không phân chia theo địa bàn, dựa trên khuyến nghị về khả năng mắc bệnh nghiêm trọng gia tăng theo độ tuổi.

Khi biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh xuất hiện, Singapore lập tức thay đổi chiến lược tiêm chủng. Từ kế hoạch tiêm tập trung đầy đủ 2 mũi, chính quyền chuyển sang tiêm theo diện rộng để tăng số người được bảo vệ. Sau đó, chính quyền lại quay về chiến lược tiêm tập trung theo nhóm.

Một điểm tiêm chủng tại Singapore. Ảnh: Straits Times

Thái Lan: Người bệnh nhẹ được tự cách ly ở nhà

Ở Thái Lan, chính quyền cho phép những người nhiễm bệnh nhẹ và không triệu chứng tự cách ly ở nhà hoặc các cơ sở cách ly tại địa phương. Những ai dính dáng đến các chuỗi dịch được khuyến cáo đến cách ly tại các cơ sở cộng đồng.

Người dân cũng được khuyến khích sử dụng các bộ xét nghiệm kháng nguyên để kiểm tra tại nhà. Điều này giúp người nhiễm dễ dàng phát hiện bệnh để sớm cách ly và điều trị, đồng thời tránh được tình trạng xếp hàng dài trước các cơ sở xét nghiệm, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Người dân có thể mua các bộ xét nghiệm tại bệnh viện, tổ chức chính phủ và cửa hàng thuốc. Một quan chức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan cho biết giới chức đang cố gắng duy trì giá của bộ xét nghiệm nhanh, vốn kém chính xác hơn so với xét nghiệm RT-PCR, ở mức khoảng 100 baht (3,06 USD).

Thái Lan chủ yếu sử dụng xét nghiệm RT-PCR nhưng cảnh hàng dài người xếp hàng tại các cơ sở xét nghiệm ở tâm dịch Bangkok đã khiến các nhà chức trách phải đánh giá lại các biện pháp truy vết ca nhiễm.

Thái Lan cũng chủ trương hoàn trả chi phí cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, ở mức 1.100 baht, khoảng 33 USD, mỗi ngày trong tối đa 2 tuần. Họ cũng sẽ được chính phủ thanh toán các chi phí như thuốc men, xét nghiệm, đi lại, hoặc các triệu chứng như lượng hồng cầu thấp hay xuất hiện huyết khối sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Indonesia: Triển khai một loạt chương trình nông nghiệp

Dù bị dịch bệnh làm cho điêu đứng, Indonesia vẫn duy trì được sức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua.

Tại hội nghị thượng đỉnh nông nghiệp và thực phẩm năm 2021 hôm 3/8, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết trong năm 2020, nông nghiệp đóng góp 1,75% GDP nước này và trong quý 1/2021, con số đã vọt lên 2,95% GDP.

Theo ông Airlangga, đại dịch Covid-19 kéo theo vô số vấn đề về nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, do lường trước tình hình, chính phủ Indonesia đã triển khai nhiều chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn xây dựng khu sản xuất, thực hiện các dự án khu thực phẩm ở Trung Kalimantan và Bắc Sumatra.

Tại đó, người nông dân được tập hợp lại dưới hình thức hợp tác xã để dễ dàng tiếp cận về tài chính cũng như phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng và phân phối.

Sáng kiến mỗi làng một sản phẩm cũng giúp cho việc áp dụng công nghệ, xin giấy chứng nhận được thuận tiện. Hệ thống hậu cần kết hợp kho lạnh giúp cho người nông dân bảo quản tốt nhất các sản phẩm của mình, dù ở trong hay ngoài trang trại.

Một chương trình khác nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp là phát triển nghề làm vườn hướng đến xuất khẩu nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, các nhà đầu tư cung cấp hạt giống chất lượng cao, hỗ trợ quá trình đóng gói, trong khi chính phủ hỗ trợ tài chính và xuất khẩu để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làm vườn.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Các nước Đông Nam Á chống dịch, sản xuất và lưu thông hàng hóa thế nào thời Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO