Các trường học vùng cao Nghệ An chủ động giải pháp 'gọi' học trò trở lại lớp sau Tết

Mỹ Hà 30/01/2023 12:08

(Baonghean.vn) - Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài gần 2 tuần, học sinh Nghệ An nói riêng đã trở lại trường học để bắt đầu học kỳ mới. Thời điểm này, việc duy trì nề nếp học tập cũng đã được các nhà trường quan tâm, hạn chế cao nhất tình trạng học sinh bỏ học nhất là ở vùng cao.

Một ngày trước khi học sinh chính thức tựu trường, từ ngày mồng 5 Tết, giáo viên của Trường PTDTBT THCS Keng Đu (Kỳ Sơn) đã trở lại trường và chia nhau vào từng bản để chúc Tết và vận động học sinh đi học đầy đủ. Trong sáng mồng 6, nhà trường đã tập trung toàn trường, gặp mặt học sinh và ổn định việc ăn, ở bán trú cho học sinh. Ngày hôm nay (mồng 9 âm lịch) cũng là ngày học đầu tiên của toàn trường, hơn 350 học sinh đã đi học đầy đủ. Toàn trường chỉ có 6 học sinh nghỉ học và đều có phép.

Học sinh Trường PT DTBT THCS Keng Đu tập trung chào cờ trong ngày học đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Ảnh: NTCC

Việc duy trì ổn định nề nếp học tập trước và sau Tết là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Giám hiệu Trường PT DTBT THCS Keng Đu đặt ra và chú trọng thực hiện trong nhiều năm nay. Một tín hiệu vui, theo thầy giáo Nguyễn Hữu Luận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đó là vài năm nay, tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã giảm đi nhiều, dù phần lớn học sinh của trường là người dân tộc Khơ mú.

Chia sẻ về điều này, thầy Luận nói thêm: Trước đây học sinh học một buổi và một buổi về nhà nên sau Tết nhiều học sinh ngại đi học hoặc có tâm lý thích nghỉ học để chơi Tết dài ngày. Tuy nhiên, từ năm 2012, nhà trường triển khai mô hình bán trú, các em được ăn, ở tại trường nên học sinh hào hứng trở lại trường, không còn tình trạng nghỉ học như các năm trước. Trước Tết, nhà trường cũng đã tổ chức bữa cơm tất niên, tuyên truyền nhắc nhở cả học sinh và cả phụ huynh để động viên các em đi học đầy đủ.

Trong thời tiết giá lạnh, học sinh và giáo viên đều mặc ấm để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: NTCC

Tại Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn (Kỳ Sơn), nơi có 100% học sinh là người dân tộc Mông, trong buổi sáng nay, trên 95% học sinh đã đi học đầy đủ. Số còn lại nghỉ học với một vài lý do như trong bản có đám cưới, hoặc gia đình đang bận việc lễ nên các em đã xin phép nghỉ học.

Cô giáo Lã Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sáng nay, lúc khoảng 4h sáng, thời tiết ở Tây Sơn rất lạnh, xuống đến 1 độ đến 6-7h thời tiết có ấm hơn nhưng vẫn ở mức 4 độ C. Mặc dù vậy, học sinh vẫn dậy sớm và đi học theo đúng lịch. Để giữ ấm cho học sinh, chúng tôi chuyển tiết chào cờ vào giữa buổi và thay vào đó tổ chức các hoạt động như dọn vệ sinh đầu giờ, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để học sinh được “khởi động”, tạo hứng khởi cho buổi học đầu tiên.

Học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn (Kỳ Sơn) tăng cường tổ chức cho học sinh vận động ngoài trời để chống thời tiết giá rétt. Ảnh: NTCC

Với đặc thù của một trường có 100% học sinh là người dân tộc Mông, cô giáo Lã Thanh Huyền nói rằng “ở đây học sinh có thể ăn Tết đến hết tháng Giêng và tình trạng học sinh bỏ học để ở nhà cưới chồng vẫn xảy ra”. Trên thực tế, dù đã hạn chế ít nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhưng trước Tết tại Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn vẫn có 2 học sinh nữ lớp 8 và lớp 9 bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Do đó, trước và sau khi học sinh đi học trở lại, việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn vẫn được nhà trường thực hiện thường xuyên thông qua phụ huynh, các tổ chức, ban, ngành và huy động chính quyền cùng vào cuộc. Sau Tết, nhà trường cũng sớm ổn định công tác dạy và học, trong đó, với học sinh khối 6, 7, 8 sẽ tăng cường ôn luyện văn hóa để tham gia các cuộc thi giao lưu văn hóa cấp huyện. Trong khi đó, với học sinh khối 9 sẽ tập trung ôn thi vào lớp lớp 10.

Song song với việc dạy học, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đi kèm để học sinh hào hứng đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Sáng nay, thời tiết ở xã Thông Thụ và nhiều vùng khác trên địa bàn huyện Quế Phong xuống 6 độ C nhưng học sinh vẫn đi học đầy đủ. Ảnh: NTCC

Ở Trường PT DTBT THCS Thông Thụ (Quế Phong), hiện học sinh toàn trường cũng đã ổn định việc học tập dù sáng nay trên địa bàn nhiệt độ là 6 độ C và thời tiết rét lạnh hơn so với trước Tết rất nhiều. Theo thầy giáo Hoàng Ngọc Thanh – Hiệu trưởng nhà trường, dù trường nằm ở vùng khó khăn nhưng trong vài năm trở lại đây việc tuyên truyền học sinh đi học của nhà trường đã thuận lợi hơn vì tất cả các lớp đều có nhóm riêng để phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cùng thông tin các hoạt động của lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng sử dụng sổ liên lạc điện tử để liên lạc với phụ huynh, nhắc nhở những việc cần thực hiện sau khi học sinh đi học trở lại. Sau khi ổn định trường lớp, nhà trường cũng nhanh chóng ổn định việc dạy học, tập trung vào việc bồi dưỡng để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, phụ đạo cho học sinh yếu kém và chuẩn bị cho học sinh cuối cấp tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Giờ học của học sinh Trường PT DTBT THCS Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: NTCC

Trong chương trình năm học của Nghệ An, tính từ sau Tết Nguyên đán các nhà trường sẽ bắt đầu học kỳ II của năm học 2022-2023.

Về việc tổ chức dạy học sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Các nhà trường hoạt động bình thường từ mùng 6 Tết. Tuy nhiên, đối với một số trường đặc thù, vùng cao biên giới, trường dân tộc nội trú, bán trú thì có thể chủ động sắp xếp kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp theo thực tiễn, đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học đề ra. Để sớm ổn định việc dạy học, trước Tết, sở cũng đã có văn bản để các nhà trường có các giải pháp ngăn chặn không để học sinh bỏ học sau Tết. Đồng thời, tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh.

Các nhà trường cũng cần rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh.

Mới nhất

x
Các trường học vùng cao Nghệ An chủ động giải pháp 'gọi' học trò trở lại lớp sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO