Cách chăm sóc đàn ong mật mùa Đông
(Baonghean.vn) Mấy năm gần đây, các huyện miền Tây Nghệ An tổ chức mở nhiều lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật cho bà con các dân tộc như: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thị xã Thái Hòa, Quỳnh Lưu, mỗi năm có khoảng 700 học viên được học nghề nuôi ong.
Từ đó phong trào nuôi ong lấy mật phát triển rộng khắp, mang lại nhiều lợi ích. Ngoài lợi ích kinh tế xã hội, còn góp phần kích thích trồng cây gây rừng, ổn định sinh thái, bảo vệ môi trường. Để phát triển đàn ong cả về số lượng, cũng như chất lượng, người nuôi ong phải nắm vững các biện pháp kỹ thuật và vận dụng một cách linh hoạt các diễn biến thời tiết, nguồn hoa điều chỉnh đàn ong hợp lý để đàn ong tồn tại và phát triển.
Mùa đông khí hậu diễn biến phức tạp, trời rét đậm, rét hại kéo dài làm cho nhiều đàn ong sa sút, thậm chí có nhiều đàn chết ngay trong tổ. Do vậy, để đàn ong duy trì tốt, người nuôi ong cần kiểm tra đàn ong, điều chỉnh thế đàn, loại bỏ cầu xấu ở những đàn thưa quân, sửa cầu để ong cơi nới (cắt bỏ phần bánh không có ong bám), những đàn ong yếu 2 – 3 cầu ít nhộng cho ong ăn thêm nước đường và các loại vitamin hoặc chế phẩm sinh học để kích thích chúa đẻ xây thêm cầu mới. Tạo ong đực trong vụ bằng cách gọt 2 góc của bánh tổ ở những đàn ong có chúa già, để ong thợ cơi nới lỗ ong đực. Khi ong đực sắp nở thì tiến hành thay chúa lần 2 hay nhân đàn.
Khi nguồn hoa đã phong phú thì đặc biệt chú ý cân đối tỷ lệ giữa ong trên cầu để chống sâu phá tổ và tạo chúa chia đàn. Mỗi đàn ong phải có 4 - 5 cầu trở lên để đàn ong qua đông được dễ dàng. Nhiệt độ trung bình 15 độ C(dao động từ 10 độ C đến 20độ C) vùng miền núi nhiệt độ thấp dưới 10độ C là điều kiện thuận lợi cho đàn ong, chú ý các đợt rét đậm, rét hại, cần cho ong ăn đầy đủ mật, phấn với tỷ lệ đặc 2 đường:1 nước.
Nguyễn Minh Thảo