Cam, bưởi rụng quả hàng loạt, nhiều nông dân Thanh Chương mất trắng hàng trăm triệu đồng
(Baonghean.vn) - Sau đợt lũ đầu tháng 10, nhiều vườn cây ăn quả sau những ngày bị ngập đã vàng úa, quả rụng dần… Công sức cả năm chăm sóc và thành quả cận kề giá trị hàng trăm triệu đồng đành phải đổ bỏ trong sự bất lực của nhà nông…
Gần 300 gốc bưởi với khoảng 150.000 quả bưởi Diễn sắp đến kỳ thu hoạch của anh Phan Bá Ngọc (xóm Liên Đức, xã Thanh Liên) rụng đầy vườn. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Phan Bá Ngọc ở xóm Liên Đức, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, trồng 300 gốc bưởi Diễn, chỉ còn 1 tháng nữa là vào vụ thu hoạch. Bưởi vốn ngon, được thị trường ưa chuộng nên số lượng gần 15.000 quả bưởi đều đã có nơi tiêu thụ, chỉ chờ đến ngày thu hái. Vậy mà, hoàn lưu sau bão số 4 khiến mưa to kéo dài, lũ dâng nên vườn bưởi của gia đình anh bị ngập nặng, những gốc bưởi ngâm nước cả tuần liền khiến bộ rễ bị nghẹt, bưởi rụng hàng loạt.
Sau khi mưa ngớt, nước rút lại gặp nắng nóng, số bưởi còn lại trên cây cũng se cuống, vàng da rồi rụng dần. Bưởi rụng dày dưới gốc, quả vàng, quả úng nước ngập vườn... Cứ đà này, đến khi thu hoạch chắc không còn quả nào.
Cán bộ huyện, xã kiểm tra tình hình thiệt hại về cây ăn quả khi lũ rút, nắng lên. Ảnh: Thanh Phúc |
Nằm trong vùng quy hoạch gia trại trồng cây ăn quả ở xóm Liên Đức, gia đình anh Phan Bá Hậu cũng trồng 250 gốc bưởi da xanh. Cũng may, loại bưởi này ra quả sớm hơn nên trước bão, gia đình anh Hậu đã kịp thu hoạch bán chạy bão một nửa. Số bưởi còn lại chưa kịp thu hoạch đã rụng gần hết, trên cây chỉ còn sót lại một số quả nhỏ, xấu.
Anh Phan Bá Hậu cho biết: “Mỗi gốc tính sơ sơ là 50 quả, 250 gốc là 7.500 quả, giá bán ra thị trường là 18.000-20.000 đồng/quả, giờ rụng gần hết, tính ra mất trắng hơn 100 triệu đồng. Riêng 200 gốc ổi, quả vừa to bằng đầu ngón tay cái, vừa mới bọc xốp, bao ni-lông bảo vệ quả xong thì gặp mưa lụt. Ổi non rụng 100% không còn quả nào trên cây. Tiếc nữa là túi xốp, túi ni-lông bọc quả cũng bị hư hỏng nặng, không thể tái sử dụng”.
Nhiều diện tích, do ngập úng lâu ngày khiến cây bưởi bị thối rễ, chết khô khi nước rút. Ảnh: Thanh Phúc |
Xót xa hơn là trong 300 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh của hộ anh Phan Bá Thắng bị rụng sạch quả, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Không những thiệt hại bưởi quả do rụng mà hộ anh Thắng còn thiệt hại nặng nề hơn khi hàng loạt cây bưởi ngâm nước lâu ngày, rễ thối, cây chết khô; gần 150 gốc ổi cũng rụng quả và chết hàng loạt.
Anh Phan Bá Thắng cho biết: “Quả rụng đã đành nhưng cây bưởi mới trồng đến năm thứ 4, mùa thứ hai cho quả cũng chết rải rác; ổi thì chết đồng loạt luôn. Mất tiền giống, mất công chăm sóc 3-4 năm trời, giờ phải làm lại từ đầu…”.
Vườn ổi hàng trăm gốc rụng hết quả, lá héo khô, chết gốc ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc |
Không riêng gì ở xã Thanh Liên, các vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Thanh Chương đều bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Theo đó, bị nặng nhất là các xã Thanh Mỹ, Thanh Đức, Thanh Liên, Thanh Tiên… với tổng diện tích gần 100 ha. Trong đó, chủ yếu là cam, bưởi, ổi với tỷ lệ rụng quả khoảng 50-70%.
Đợt mưa lũ vừa rồi, diện tích cam, bưởi của nông dân xã Tân Phú (Tân Kỳ) cũng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Theo đó, 13 ha cam, 10 ha bưởi của người dân bị ngập úng, rụng quả từ 50-70%. Anh Trương Tấn Phú, một hộ trồng cam xã Tân Phú cho biết: “Năm nay, cây cam thiệt hại nặng. Tỷ lệ ra hoa kết quả thấp, sau đó rụng sinh lý cũng nhiều. Đến khi sắp thu hoạch lại gặp mưa bão, quả rụng gần hết. Cả mấy trăm gốc cam, rụng hàng tấn quả, tính ra mất trắng cả trăm triệu đồng”.
Quét vôi, rải vôi bề mặt để xử lý nấm mốc sau khi nước rút. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ vừa qua, gần hàng trăm ha cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, chủ yếu là cam, bưởi, ổi rụng quả với tỷ lệ 30-70%. Dự báo, từ giờ đến cuối năm cũng là khi vào chính vụ thu hoạch các loại cây ăn quả, chủ yếu là cây có múi là lúc mưa bão dồn dập. Do đó, người dân cần chú ý các biện pháp bảo vệ cây ăn quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Theo Thạc sỹ Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thì để hạn chế tối đa thiệt hại cho cây ăn quả khi gặp mưa lũ, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo đó, khi trồng cam, bưởi, ổi, táo cần trồng nổi, trong vườn phải có đủ hệ thống tưới, tiêu chống úng cục bộ. Trong chăm sóc, tăng cường hàm lượng phân hữu cơ, thường xuyên kiểm tra độ PH trong đất (có thể cân đối bằng cách bón vôi). Nên bón các loại chế phẩm sinh học phòng trừ nấm và các tuyến trùng gây hại trong đất trước mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, cây cần được giữ ẩm thường xuyên, chỉ cần cắt tỉa và không nên xới sạch cỏ ở gốc cây tránh xói mòn. Sau ngập úng, phải tưới rửa bùn ngay khi nước rút, sau đó, dùng cào xới nhẹ đất để tăng oxy cho rễ và tiến hành rải vôi trên mặt vườn với tỷ lệ 5 - 7 tạ/1 ha. Sau đó, tăng cường bón kali để cây có bộ rễ chắc khoẻ, nhanh phục hồi.