Cần có cơ chế quản lý hồ sông Sào
(Baonghean) - Hồ sông Sào là công trình thủy lợi lớn, tưới tiêu cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và cấp tạo nguồn cho nhiều hồ đập khác trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành đã xuất hiện nhiều yếu tố có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính bền vững của nguồn tài nguyên nước hồ sông Sào. Do đó, cần có một cơ chế phối hợp quản lý giữa các bên liên quan...
Hồ chứa nước sông Sào khởi công xây dựng vào năm 1999, hoàn thành năm 2003 và được giao cho Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý, vận hành tưới tiêu từ năm 2005. Với dung tích trữ nước hơn 51 triệu m3 trên lưu vực 132 km2, hồ có nhiệm vụ tưới tiêu cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa, đồng thời cấp nước tạo nguồn cho các hồ thủy lợi khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, nước từ hồ sông Sào cũng đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước cho chăn nuôi bò sữa tại trang trại của Tập đoàn TH.
Để khai thác, bảo vệ công trình và hệ thống kênh mương thủy lợi, Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ đã thành lập 3 trạm quản lý gồm: Trạm đầu mối, Trạm kênh Tây và Trạm kênh Đông. Ông Đặng Minh Đức – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ cho biết: “Mặc dù phải quản lý hệ thống kênh mương kéo dài, đi qua nhiều khu dân cư và khu vực đồi núi có địa hình phức tạp, nhưng thời gian qua, các trạm đã vận hành, điều tiết nước đúng lịch nông vụ; cán bộ và công nhân trạm tích cực bám công trình, bám đồng ruộng để phục vụ kịp thời nhu cầu dùng nước của bà con nông dân”.
Hồ chứa nước sông Sào. |
Như vậy, có thể thấy hồ chứa nước sông Sào đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển nông nghiệp của các địa phương được thụ hưởng. Đơn cử, chỉ tính riêng Trạm Quản lý kênh Đông, trên chiều dài kênh mương khoảng 20km gồm cả kênh chính và kênh nhánh, trạm đã vận hành tưới tiêu cho hàng trăm hecta đất sản xuất 2 lúa và đất màu cho các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hội, Nghĩa Phú, Thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn) và xã Nghĩa Mỹ (Thị xã Thái Hòa). Đồng thời, Trạm kênh Đông cũng tạo nguồn 4 hồ đập gồm: Phú Thọ, Bình Minh, Đội 7 và làng Cháng cùng nhiều hồ nước thủy lợi nhỏ khác do các xã quản lý. Vì vậy, việc phối hợp giữa các địa phương, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp và trạm luôn được các bên quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Dương – Chủ nhiệm HTX Đại Đồng, xã Nghĩa Hội cho biết: “Trong những năm qua, công tác phối hợp điều tiết nước giữa cán bộ thủy nông của Trạm kênh Đông và HTX rất nhịp nhàng. Nhờ đó, hồ sông Sào đáp ứng được nguồn nước đúng lúc, kịp thời cho nông dân sản xuất”.
Tuy nhiên, quá trình vận hành hồ đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực cần được khắc phục. Ông Đặng Minh Đức cho biết: “Theo phản ánh của các trạm khai thác thì vẫn còn xuất hiện các hành vi xâm hại gây ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống kênh mương gây lãng phí tài nguyên nước”. Qua trao đổi với cán bộ và nhân viên của Trạm Quản lý kênh Đông được biết, tình trạng một số người dân vứt các loại rác thải vào lòng kênh còn diễn ra, có nhiều thời điểm, nhân viên trạm vớt rác buổi sáng thì vào buổi chiều rác lại được thải xuống lòng kênh, mương. Trong trường hợp này, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tắc hoặc tràn dòng nước tưới tiêu ra khỏi kênh, mương.
Các cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý kênh Đông cũng phản ánh hiện tượng, một số người dân đục, đào kênh hoặc chặn nước ở lòng kênh rồi dẫn dòng chảy vào vườn, ao của gia đình hoặc không đóng van khoá nước khi tưới tiêu hoàn thành mà để nước chảy tràn lênh láng ra khỏi kênh, gây lãng phí tài nguyên nước. Ông Phan Hữu Đồng – Trạm trưởng Trạm Quản lý kênh Đông, Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ kiến nghị: “Trước đây, khi còn phải đóng thủy lợi phí thì ý thức của đối tượng thụ hưởng nguồn nước thủy lợi tốt hơn; nhưng từ khi được miễn thì hiện tượng xâm hại kênh mương và để lãng phí nguồn tài nguyên trên địa bàn trạm quản lý có phần gia tăng. Vì vậy, điều cần nhất là sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn hệ thống kênh mương, sử dụng hợp lý nguồn nước”.
Trong khi đó, ở vùng thượng lưu lòng hồ sông Sào ở các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc còn tồn tại tình trạng một số người dân sử dụng các biện pháp canh tác không hợp lý, gây ảnh hưởng đến tính bền vững của nguồn nước. Ông Lê Trung Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Các địa phương ở khu vực thượng lưu vẫn còn hiện tượng canh tác gây bồi lấp vùng hồ hoặc xâm lấn canh tác vào rừng phòng hộ gây ảnh hưởng đến lưu vực của hồ sông Sào. Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng các loại kích điện để đánh bắt cá vẫn còn tồn tại trong khu vực lòng hồ”. Vì vậy, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có tờ trình đề nghị Sở NN và PTNT tỉnh cho phép UBND huyện Nghĩa Đàn thành lập Ban chỉ đạo, quản lý, sử dụng nguồn nước hồ sông Sào trên địa bàn huyện.
Ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Hiện nay, hồ sông Sào được vận hành bởi Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ và tưới tiêu cho hàng ngàn hộ nông dân ở các xã, thị trấn nhưng mặt nước hồ lại được giao cho Tập đoàn TH sử dụng để phát triển nuôi cá. Vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo, quản lý, sử dụng nguồn nước hồ sông Sào sẽ tạo cơ chế tập hợp được các bên liên quan cùng bàn bạc, thống nhất theo hướng phối hợp hoạt động chặt chẽ, nhịp nhàng hơn. Qua đó, hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở công trình thủy lợi sông Sào hợp lý, đạt hiệu quả cao, có tính bền vững và bảo vệ môi trường xung quanh cũng như hạn chế, khắc phục được những mặt trái còn tồn tại”.
Thiết nghĩ, việc ban hành một cơ chế phối hợp điều hành là cách làm đúng nhằm sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên nước của hồ sông Sào. Đặc biệt, trong bối cảnh, Nghĩa Đàn được xác định xây dựng thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì trong các tiềm năng tự nhiên, ngoài yếu tố đất đai thì đảm bảo trữ lượng nước cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Thành Duy