Cấp phép bến hàng hóa, tập kết cát, sỏi còn tùy tiện

17/11/2015 10:57

(Baonghean) - Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hiện đang diễn ra hết sức phức tạp. Cùng với đó, hoạt động tập kết, vận chuyển cát, sỏi lộn xộn đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép

Lâu nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép luôn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Các cơ quan chức năng liên tiếp mở những đợt ra quân truy quét, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn khoáng sản thiết yếu. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiều khu vực, đặc biệt là trên sông Lam, đoạn qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Vì sao tình trạng này lại khó dẹp bỏ? Bên cạnh nhu cầu lớn, lợi nhuận cao thì một trong những nguyên nhân là do việc cấp phép mỏ khai thác hiện nay còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản này.

Từ dưới bãi sông, cát được hút lên bờ qua hệ thống ống dẫn như những chiếc vòi rồng. Ngay phía sau là cây cầu Rộ bắc qua Sông Lam. Từ dưới bãi sông, cát được hút lên bờ qua hệ thống ống dẫn như những chiếc vòi rồng. Ngay phía sau là cây cầu Rộ bắc qua Sông Lam.
Khai thác cát dưới chân Cầu Rộ, Thanh Chương

Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, để được cấp giấy phép khai thác, trước hết doanh nghiệp phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, thực hiện công tác thăm dò. Trong thời gian này, doanh nghiệp phải xây dựng dự án đầu tư, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, cam kết. Một doanh nghiệp từ khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép khoáng sản đến khi chính thức khai thác tại thực địa nhanh nhất cũng kéo dài 6 tháng và lâu nhất là hơn 1 năm rưỡi. Hoạt động này còn phải thông qua các sở: TN&MT, Giao thông, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT.

Tại hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển vào ngày 27/10. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản là cát, sỏi, đất san lấp. Thực tế đồng nhất các loại khoáng sản này với các loại khoáng sản khác như lâu nay đều chung hồ sơ, chung quy trình cấp phép làm mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và địa phương.

2 HTX Hưng Lam và Nghĩa Sơn Long (Hưng Nguyên) đã lập hồ sơ, tổ chức thăm dò nhưng đến nay chưa được cấp phép để khai thác. Ông Phạm Văn Tụng, Chủ nhiệm HTX Hưng Lam cho biết: Hồ sơ xin cấp phép làm từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Do thời gian cấp phép chậm nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của xã viên. Vì miếng cơm manh áo nên nhiều xã viên phải khai thác chui; gây khó khăn trong quản lý của cơ quan nhà nước.

Trước tình trạng trên, việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ khai thác khoáng sản là rất quan trọng. Bên cạnh 42 hồ sơ được cấp phép hiện còn 19 doanh nghiệp đang tiến hành thăm dò và hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép khai thác theo quy định.

Theo ông Trần Văn Toản,Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT) thì từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý nhanh gọn hồ sơ xin thăm dò cát, sỏi xây dựng, với quan điểm rút ngắn nhất thời hạn xử lý, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp sớm có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số khu vực. Mục đích là nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường theo quy định và thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Xóa bỏ bến tập kết trái phép

Cùng với hoạt động đẩy nhanh công tác cấp phép khai thác; UBND tỉnh đang siết chặt việc quản lý các bến hàng hóa tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn. Vì hiện nay, hầu hết cát khai thác trái phép đều được tập kết tại các bến này. Nếu không quản lý được các bến hàng hóa tập kết cát, sỏi thì rất khó để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Theo tổng hợp sơ bộ của Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 55 bến hàng hóa. Trong đó, có 31 bến có giấy phép và 24 bến chưa có giấy phép. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng thực trạng bởi qua khảo sát ở nhiều địa phương thì số bến hàng hóa trên thực tế lớn hơn rất nhiều, trong đó chủ yếu là bến không có giấy phép. Tại Thanh Chương, hiện có trên 20 bến, Đô Lương có hơn 5 bến. Tuy nhiên, khi gửi lên Sở GTVT thì các huyện này báo cáo chưa đầy đủ.

Bến tập kết cát, sỏi trên địa bàn xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) hoạt động trái phép.
Bến tập kết cát, sỏi trên địa bàn xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) hoạt động trái phép.

Từ năm 2005, việc cấp phép hoạt động cho các bến hàng hóa được UBND tỉnh phân cấp cho UBND huyện. Tuy nhiên, việc cấp phép còn tùy tiện. Hầu hết các cơ sở này không có đầy đủ các giấy tờ về thủ tục thuê đất với mục đích kinh doanh; sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến... Thông thường, chủ các bến cát ký một hợp đồng thuê đất với UBND xã trên diện tích đất công ích 5%, cụ thể là đất bãi bồi ven sông, đất dự phòng để mở bến và nộp tiền cho xã. Có nhiều bến không có giấy phép, nằm sát các công trình giao thông nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác. Theo ông Lê Thanh Bình, Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) thì việc các bến hàng hóa không thực hiện đầy đủ các hồ sơ để được cấp phép tồn tại đã nhiều năm nay nhưng không được giải quyết. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với cấp huyện và xã.

Địa bàn huyện Hưng Nguyên có 17 bến hàng hóa tập kết cát, sạn. Trong đó, mới chỉ có 5 bến được cấp phép và chỉ duy nhất 1 bến nằm ven sông. Tại khu vực cầu đường sắt Yên Xuân (Hưng Xuân, Hưng Nguyên), hiện có 2 bến nằm sát chân cầu. Trong khi theo quy định, với cầu Yên Xuân, trong vòng bán kính 150m không được xây dựng, đào bới làm ảnh hưởng đến chân cầu. Việc tàu thuyền tập kết dưới cầu, các máy múc hoạt động trong phạm vi bán kính bảo vệ cầu đều vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn cầu. Theo lãnh đạo Phòng Công Thương huyện Hưng Nguyên thì đối với các bến cát tại chân cầu Yên Xuân do hoạt động không phép nên huyện đã đề nghị UBND xã Hưng Xuân chấm dứt ngay hợp đồng thuê đất đối với các bến vi phạm hành lang an toàn cầu Yên Xuân, trả lại mặt bằng trong phạm vi an toàn giao thông cầu. Đối với các bến tại các xã Hưng Khánh, Hưng Lĩnh, huyện yêu cầu các chủ bến dừng hoạt động, trình cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

Trước thực trạng đó, từ đầu năm nay, Sở GTVT đã có văn bản hướng dẫn các huyện và đề nghị báo cáo việc quản lý, cấp phép mở bến cát, nhưng việc báo cáo chưa đầy đủ. Ông Trần Khắc Xuân, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) cho biết: Theo quy hoạch năm 2012 của UBND tỉnh, Nghệ An chỉ có 3 điểm tập kết cát, sạn ở TP.Vinh, huyện Nam Đàn và huyện Đô Lương. Nhưng hiện nay, do đòi hỏi của thực tiễn, sở đang phối hợp với các cơ quan khác điều chỉnh quy hoạch, đồng thời hướng dẫn các huyện, các chủ bến cát lập hồ sơ để được cấp phép lại theo đúng quy trình. Hiện nay, mới chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện và được cấp phép. Trong thời gian tới, sở sẽ đề nghị các huyện xử lý dứt điểm các điểm tập kết trái phép, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, đê điều, dòng chảy...

Ngày 22/10/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 7572/UBND-TN về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên sông Lam. Theo đó, UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên sông Lam của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cấp phép bến hàng hóa, tập kết cát, sỏi còn tùy tiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO