Kinh tế

Cây rành rành trên đất đồi ở Nghệ An rớt giá

An Nam 15/08/2024 09:33

Dịp này, bà con nông dân các huyện Thanh Chương, Nam Đàn đang thu hoạch rành rành. Cây chổi trện rớt giá mạnh, chỉ bằng 2/3 năm trước.

bna_1.jpg
Những năm qua, các đồi rành rành được khoanh nuôi theo hướng chuyên canh, xen canh (sim - rành rành), hỗn hợp ở Thanh Chương, Nam Đàn... đã đem lại giá trị kinh tế cho nhiều hộ nông dân. Trong ảnh: Đồi rành rành ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
bna_2.jpg
Người dân các địa phương trong tỉnh thường thu hoạch cây rành rành vào mùa nắng (tháng 4 đến tháng 8) để tiện phơi hong. Năm nay, tháng 7 mưa nhiều, việc thu hoạch loại cây này dường như kéo dài hơn. Bà Nguyễn Thị Biên ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) cho biết, đến thời điểm hiện tại nhóm thu mua của bà còn nhiều diện tích rành rành đã mua của người dân nhưng chưa thu hoạch. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Hiện nay, rành rành thường được người dân bán cho lái buôn cả đồi, sau đó họ thuê nhân công đến thu hoạch. Một số gia đình tự cắt, phơi, làm sạch sau đó bán cho thương lái. Thu hoạch rành rành trên đồi thoải, gần đường... khá thuận tiện. Ngược lại những đồi cao, xa đường đi lại khó khăn, vận chuyển cây khá vất vả. Chị Bùi Thị Thủy ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương) chia sẻ: Bắt đầu từ tháng 4, nhóm của chị đã đi mua rành rành khắp các xã trong vùng, sau đó thuê nhân công thu hoạch trong nhiều tháng. Bình thường mỗi ngày chỉ thuê 4 -5 người đi cắt cây. Hôm cần hàng phải huy động tới 15 -17 nhân công. Ảnh: Huy Thư
bna_5.jpg
Người dân đi cắt cây rành rành ngày nắng thường mang áo dài tay, đi găng tay, đi ủng nhằm tránh rách tay, chân, nhất là nếu dẫm phải gốc cây sắc nhọn, cũng như đề phòng ong đốt. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Sau khi cắt, rành rành có thể được phơi tại chỗ 1 -2 ngày, sau mới vận chuyển về nhà hoặc thu hoạch xong chở về nhà tập kết, chờ phơi. Phơi rành rành, bà con thường chọn ngày nắng to, phơi xong còn phải đập, vò, bó... Ông Phan Thái Xuân - một trong những hộ dân có diện tích cây rành rành nhiều nhất xã Thanh Xuân (Thanh Chương) chia sẻ: Năm nay rành rành rớt giá mạnh. Đồi rành rành của nhà ông năm trước bán được 45 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ bán được 21 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Theo bà con địa phương, nếu thu hoạch rành rành vào tháng 5, 6 trời nắng to sẽ làm mầm cây tái sinh bị yếu, cháy, ảnh hưởng đến chất lượng rành rành vụ sau. Ngược lại thu hoạch cây dịp cuối Xuân đầu Hè, tháng 8, tháng 9, cây giống sẽ phát triển tốt hơn. Ảnh: Huy Thư
bna_8(1).jpg
Mùa rành rành, dịch vụ vận chuyển ở các địa phương hoạt động nhộn nhịp. Mỗi chuyến máy cày chở cây chổi trện từ trên núi về nhà dân được chủ thu mua trả trên dưới 400 nghìn đồng. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Bà Nguyễn Thị Liên - một hộ khoanh nuôi rành rành nhiều năm ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) cho biết: Những hộ dân tự thu hoạch có thể cắt rành rành theo kiểu cuốn chiếu (cắt toàn bộ cả cây lớn lẫn cây bé) hoặc cắt tỉa (chỉ chọn cây tốt để cắt). Riêng nhà bà chọn cách cắt tỉa nên rành rành cho thu hoạch quanh năm. Mỗi lần cắt, phơi khô, sẽ gọi xe đến nhập. "Năm nay rành rành rớt giá mạnh, hàng cũng không chạy như những năm trước" - bà Liên nói. Ảnh: Huy Thư
bna_10..jpg
Sau khi đưa rành rành về nhà, người dân sẽ chọn ngày nắng để phơi, nếu đã được phơi khô thì tổ chức đập, vò để cậy rụng bớt hoa lá. Công đoạn vò sạch cây rành rành cũng tốn khá nhiều thời gian. Mỗi lao động tham gia thu hoạch rành rành được trả 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Cây rành rành cho 2 sản phẩm chính là chổi (cột thành bó) và lá, hoa được đóng thành bì. Giá chổi hiện tại 11.000 đồng/kg (giảm hơn năm 2023 khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Giá hoa lá rành rành là 80.000 đồng/bì (thấp hơn năm trước 20.000 đồng/bì). Chị Nguyễn Thị Hải - một thương lái chuyên thu mua chổi rành rành ở xã Xuân Tường (Thanh Chương) chia sẻ: Do các loại chổi ngày càng đa dạng, lại được đưa về từ khắp nơi như miền Nam, Lào... nên chổi rành rành ngày càng rớt giá. Ảnh: Huy Thư
Thu hoạch cây rành rành tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Video: Huy Thư
Mới nhất
x
x
Cây rành rành trên đất đồi ở Nghệ An rớt giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO