Chất chồng muôn nỗi lo âu
(Baonghean) - Tuần qua, không ít quốc gia trên thế giới phải trăn trở trước bộn bề những nỗi âu lo. “Họa vô đơn chí” có lẽ là cụm từ chính xác nhất để nói về tình hình tại Pháp, Hy Lạp hay Brazil những ngày này.
Lũ lụt tại Pháp. Ảnh: CNN. |
Đình công chưa qua, lũ lụt đã tới
Đó là “thảm cảnh” đẩy Chính phủ Pháp vào vòng xoáy bế tắc và khổ sở trong tuần qua. Dòng sông Seine chạy xuyên qua thủ đô Paris vỡ bờ sau nhiều ngày mưa nặng hạt, gây ra tình cảnh hỗn loạn chưa từng có trong thành phố. Một số dịch vụ vận tải công cộng và các ngành nghề kinh doanh dọc 2 bờ sông phải ngừng hoạt động. Bảo tảng trứ danh Louvre phải huy động nhân lực để di dời 150.000 tác phẩm nghệ thuật tới các khu đất cao hơn, tiếp tục trong tình trạng đóng cửa đến hôm 4/6 vừa rồi.
Có lẽ chưa bao giờ kinh đô ánh sáng chứng kiến hơn 19.000 dân vùng ngoại ô phải chịu cảnh mất điện nhiều giờ. Suốt nhiều ngày, hình ảnh dân chúng trên những chiếc thuyền chòng chành, tìm cách để giải cứu những người láng giềng kẹt trong ngập lụt được phát đi trên khắp các kênh truyền hình của đất nước. Bộ trưởng Nội vụ Pháp khẳng định đã huy động hơn 3.000 lính cứu hỏa và 200 nhân viên an ninh dân sự của quốc gia để hỗ trợ công tác cứu hộ, khi chính phủ tuyên bố tình trạng thảm họa thiên nhiên.
Dù đến ngày 4/6, mực nước sông Seine đã quay về mức bình thường, lũ đang rút dần, hàng nghìn người được sơ tán bắt đầu quay trở về nhà, nhưng có lẽ những tài sản họ có thể nhặt nhạnh sau trận lũ cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chắc chắn không ít người dân Pháp rơi vào cảnh trắng tay sau thiên tai.
Lũ lụt làm tồi tệ thêm thế bí hiện nay của Chính phủ Pháp. Vốn dĩ, chính giới nước này đã và đang vắt óc nghĩ cách giữ cho nguồn nhiên liệu khỏi cạn kiệt và tránh để các thành phố lớn rơi vào cảnh mất điện, khi lao động tại các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện hạt nhân đồng loạt đình công nhiều tuần qua, do bất bình trước những thay đổi đề xuất đối với luật lao động. Nhân viên các hãng vận tải cũng “nối gót” tham gia bãi công, khiến chỉ còn 1/3 số chuyến tàu của Pháp còn hoạt động, giao thông bị gián đoạn trầm trọng.
Và khi giải vô địch bóng đá Euro 2016 kéo dài cả tháng trời sẽ khai mạc vào tuần tới tại Pháp, dự kiến thu hút khoảng 2,5 triệu du khách về với giải đấu quy mô này, thì không biết quốc gia này còn khốn đốn tới mức nào nếu không nhanh chóng dàn xếp ổn thỏa thế cục rối ren hiện nay. Khó có thể nhìn thấy kịch bản khả quan, bởi không loại trừ khả năng thêm nhiều kiểm soát viên không lưu và cả phi công sẽ hưởng ứng lời kêu gọi đình công vào ngày 11/6 tới.
Brazil là nước chủ nhà Thế vận hội mùa Hè năm nay. Ảnh: AFP. |
Khi Zika chỉ là mối lo thứ yếu
Mới đây, 150 chuyên gia y tế từ khắp thế giới đã gửi thư ngỏ hối thúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trì hoãn hoặc hủy bỏ Thế vận hội tại Brazil do quan ngại virus Zika đang “làm mưa làm gió” tại quốc gia Nam Mỹ này có thể đe dọa sức khỏe của các vận động viên và khán giả đổ xô về dự Olympics vào tháng 8 tới.
WHO đã bác bỏ cảnh báo của giới chuyên gia, chỉ rõ rằng Zika đã hiện diện tại 60 quốc gia, và sẽ tiếp tục lây lan. Cơ quan này cho rằng tháng 8 là lúc bước vào mùa đông ở Nam bán cầu, khi đó muỗi không phải là vấn đề tại thành phố Rio. Thay vào đó, có thể có những mối lo lớn hơn đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của con người, chẳng hạn như dịch sốt xuất huyết và các bệnh nhiễm trùng đường ruột.
Chưa hết, mối lo y tế chỉ là một phần bên cạnh những hiểm họa khác, khi người dân Brazil luôn xem Thế vận hội là cái gì đó làm phát sinh lắm tranh cãi, rắc rối. Họ cho rằng phải bỏ ra quá nhiều tiền cho sự kiện này, nhưng thu lại chẳng đáng là bao, đó đơn thuần chỉ là dự án phù phiếm của giới chính khách tại quốc gia vẫn khổ trăm bề, cần nơi ăn chốn ở, trường học, cơ sở y tế chất lượng hơn cho người dân. Kinh nghiệm cho thấy tổ chức Olympics sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Hiếm khi sự kiện thể thao tầm cỡ này sinh lợi, hàng triệu USD đổ vào các tòa nhà thi đấu đẳng cấp song lại chủ yếu “đắp chiếu” sau khi kết thúc giải đấu.
Trước thềm khai mạc, bên cạnh khủng hoảng kinh tế, nước chủ nhà lại đang vướng thêm rối ren chính trị, khi Tổng thống Dilma Rousseff bị luận tội, Phó Tổng thống tạm thời nắm quyền. Bê bối tham nhũng của tập đoàn dầu lửa Petrobras kéo theo những hệ lụy dai dẳng và xói mòn sự bình yên ở quốc gia Nam Mỹ này.
Bởi thế, trong bối cảnh hiện tại, dù là vấn đề cấp bách, song Zika chung quy vẫn chỉ là mối lo thứ yếu trong danh sách những bài toán hóc búa của nước chủ nhà Olympics năm nay.
Người di cư tại các trại tái định cư của Hy Lạp. Ảnh: DW. |
Người di cư vỡ mộng
Khi được chuyển khỏi Idomeni, nhiều người di cư tại Hy Lạp cho rằng hy vọng và mộng ước của họ về một tương lai tươi sáng đã chính thức vụn vỡ. Bởi, Idomeni trong tâm trí họ chính là biểu tượng của ánh sáng hy vọng mong manh trong bối cảnh kẹt lại xứ sở thần thoại sau khi tuyến đường Balkan bị đóng đột ngột. Dẫu được giới chức động viên tự nguyện di dời, hứa hẹn về các điều kiện sống tốt hơn, với chương trình tái định cư bài bản hơn, một lần nữa những mảnh đời trôi nổi lại tiếp tục phải thở dài thườn thượt.
Điều kiện sống ở những khu trại mới khốn khổ đã đành, điều lo ngại lớn nhất của người di cư là liệu họ có được cấp cơ chế tị nạn ở các trung tâm tái định cư này hay không. Nhiều người ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ đặt chân đến miền đất hứa Đức, “thu hẹp” nguyện vọng xuống còn ở lại Hy Lạp, được phép tị nạn và sau đó tới Istanbul.
Như vậy, giờ đây với những số phận khốn khổ này, tất cả những gì họ mong đợi là được một quốc gia thu nhận, cung cấp những điều kiện sống căn bản nhất, được đủ ăn, đủ mặc, được học hành, có việc làm nuôi sống bản thân.
Với Chính phủ Hy Lạp, việc xây dựng trại Lagkadikia vẫn đang tiếp diễn và đang được xem là dấu hiệu tích cực cho tương lai. Thế nhưng, đây vẫn là bằng chứng cho thấy giới chức nước này chưa chuẩn bị đủ kỹ càng để cung cấp các khu vực ăn ở tạm thời với đầy đủ chức năng và trang thiết bị hỗ trợ cuộc sống cho những người kẹt lại. Những ngày hè oi nóng cận kề, hơn lúc nào hết xứ sở của những vị thần cần đẩy nhanh tiến độ, mang lại một “phép màu” bình dị xoa dịu khủng hoảng di cư.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|