Chim 'cậu' - giống chim quý của người Mông xứ Nghệ

28/10/2016 14:54

(Baonghean.vn) - Trong những loài chim được người Mông xứ Nghệ chọn nuôi, có 1 loài chim được quý trọng hơn cả là đa lầu. Theo quan niệm của cộng đồng này, chim đa lầu mang lại sự may mắn, đoàn tụ trong gia đình.

Đặt chân lên các bản làng người Mông miền Tây Nghệ An, có 1 điều lạ mà chúng tôi bắt gặp ấy là hầu như mỗi gia đình đều nuôi 1 loại chim to, lông màu xanh. Hỏi ra mới biết, đó là chim đa lầu, 1 loại chim cùng họ với cu rốc thường sinh sống trên các vùng núi cao xứ lạnh.

Ông Vừ Chông Dì ở bản Huồi Giảng 3 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn) cho chúng tôi hay, với người Mông ở Kỳ Sơn, đa lầu là 1 loại chim quý. Những người Mông ở vùng cao này tin rằng khi nuôi chim đa lầu trong nhà sẽ đem lại sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Hơn thế nữa, chim còn gắn kết mọi người trong gia đình, họ hàng lại với nhau bởi tiếng kêu của nó rất đặc biệt.

Chim đa lầu được người Mông Nghệ An nuôi trong nhà như 1 loại chim quý.
Chim đa lầu được người Mông Nghệ An nuôi trong nhà với ý nghĩa mong muốn mang lại may mắn cho cả gia đình.

Theo quan sát của chúng tôi, loài chim này rất lớn, có màu xanh toàn thân, mỏ dày và dài, mỗi khi kêu thường phát ra 1 tràng dài “đa lầu, đa lầu...”. Chính vì lẽ đó, người Mông gọi nó là chim đa lầu. Ông Vừ Chông Dì cũng cho biết thêm, trong tiếng Mông, “đa lầu” có nghĩa là cậu (em trai hoặc anh trai của vợ).

Một điều đặc biệt trong cộng đồng người Mông là, người cậu có 1 vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình. Họ đặc biệt quý trọng người cậu, mỗi khi có cậu đến thăm, gia đình thường mổ lợn, gà tiếp đón rất chu đáo. Cậu chính là người gắn kết tình cảm vợ chồng, gia đình. Vì vậy, với chim đa lầu, người Mông cũng coi đó là loài vật cần quý trọng.

Người Mông quý trọng chim đa lầu nên chăm sóc chim rất chu đáo.
Người Mông quý trọng chim đa lầu nên chăm sóc rất chu đáo.

Tuy nhiên, theo dân bản cho hay, để bắt được 1 con chim đa lầu về nuôi cũng không hề đơn giản. Loài chim này sinh sống trên vùng núi cao nên không thể bẫy được, họ chỉ tìm bắt được tổ chim non. Chim đa lầu làm tổ trong các thân cây gỗ khô như gõ kiến, phải tinh mắt mới phát hiện được chúng. Khi mang về phải chăm sóc cẩn thận. Khi đã lớn, chim rất dễ tính và thân thiện với người nuôi.

Rõ ràng, những loài vật nuôi trong gia đình người Mông đều xuất phát từ 1 nét văn hóa từ xưa để lại. Đó chính là điều làm nên bản sắc độc đáo của cộng đồng này.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chim 'cậu' - giống chim quý của người Mông xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO