Cho ý kiến về kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An
(Baonghean.vn) - Cho ý kiến vào Kế hoạch quy hoạch báo chí tỉnh Nghệ An đến năm 2025, các đại biểu cho rằng, quy hoạch báo chí tỉnh phải phù hợp với quy hoạch báo chí của Trung ương, song quan trọng vẫn là làm sao duy trì các kênh truyền thông có hiệu quả của tỉnh từ trước tới nay; đồng thời đảm bảo đời sống cho cán bộ, phóng viên, nhân viên.
Chiều 22/11, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và các cơ quan liên quan để nghe và cho ý kiến về kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: Thanh Lê |
4 cơ quan thuộc diện quy hoạch
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch báo chí tỉnh Nghệ An.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ quan báo chí: Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh, Báo Công an Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An, Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ.
Triển khai kế hoạch, Sở đã có văn bản đề nghị 7 cơ quan báo chí báo cáo thực trạng về bộ máy tổ chức, biên chế, kinh phí, nội dung hoạt động, kiến nghị đề xuất…
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bá Hảo thông qua Đề án quy hoạch báo chí tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Ảnh: Thanh Lê |
Đồng thời Sở cũng đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan chủ quản báo chí (Công an Nghệ An chủ quản báo Công an Nghệ An; Liên đoàn Lao động tỉnh chủ quản Báo Lao động Nghệ An; Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh chủ quản Tạp chí Sông Lam; Sở Văn hóa Thể thao - cơ quan chủ quản Tạp chí Văn hóa; Sở KH&CN chủ quản tạp chí KHCN); Cục Báo chí - Bộ TT&TT và các cơ quan đơn vị liên quan.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, mục III, Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Báo Lao động Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Khoa học và Công nghệ là các cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch.
3 cơ quan: Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh, Tạp chí Sông Lam được giữ nguyên vì phù hợp quy hoạch nhưng phải từng bước phải nâng cao chất lượng hình thức và nội dung; tiến tới tự chủ về tài chính.
Cần có phương án phù hợp
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan báo chí nằm trong diện quy hoạch đã nêu lên những quan điểm, đánh giá lại những kết quả cũng như mục đích yêu cầu hoạt động của các đơn vị, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cần có những phương án phù hợp để sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Các đại biểu cho rằng quy hoạch báo chí tỉnh phải phù hợp với quy hoạch báo chí của Trung ương, song quan trọng vẫn là làm sao duy trì các kênh truyền thông có hiệu quả của tỉnh từ trước tới nay; đồng thời đảm bảo đời sống cho cán bộ, phóng viên, nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo chí.
Tổng Biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan phát biểu đóng góp ý kiến kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí tỉnh. Ảnh: Thanh Lê |
Sau khi nghe ý kiến từ các cơ quan chủ quản và các sở, ngành liên quan, kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh quy hoạch lại cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, phải làm sao để sau quy hoạch các cơ quan báo chí phát triển mạnh hơn, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn trong việc thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Đồng tình với phương án triển khai của Sở Thông tin và Truyền thông, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các cơ quan, có tờ trình nêu rõ thuận lợi, khó khăn về phương án quy hoạch để xin ý kiến của UBND tỉnh tại phiên họp sắp tới.