Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại miền Tây Nghệ An
Sáng sớm 23/7, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp đến địa bàn các xã miền Tây để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.
Cùng đi có các đồng chí: Đặng Thanh Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng; Đại tá Đinh Bạt Văn - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An.

Theo thông tin từ Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa rất lớn tại vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với lượng mưa phổ biến từ 120 - 200mm, nhiều nơi trên 300mm (trong 24 giờ qua), đồng thời mưa lớn đã và sẽ tiếp tục xảy ra trên thượng nguồn sông Cả thuộc lãnh thổ Lào.

Lưu lượng dòng chảy lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở mức rất cao (lưu lượng lũ đến hồ lúc 22 giờ 45 ngày 22/7/2025 là 10.044 m3/s, vượt lưu lượng lũ thiết kế 7.770 m3/s), mực nước thượng lưu hồ đang tăng rất nhanh, có nguy cơ vượt mực nước dâng bình thường vào sáng ngày 23/7/2025; nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc, ven sông, suối, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp trũng.
.jpg)
Theo Thông báo khẩn số 604 do UBND tỉnh phát hành lúc 21h ngày 22/7/2025, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m³/s, gần chạm ngưỡng lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m³/s, tương đương tần suất lũ 0,02%.
Trước tình hình này, hồ Bản Vẽ đang tiến hành cắt giảm lũ, hiện đã xả xuống hạ du với lưu lượng 1.727m³/s và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, cùng chính quyền các địa phương vùng hạ du của Thủy điện Bản Vẽ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Đặc biệt, phải khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, cùng các cơ quan liên quan khi có tình huống, sự cố xảy ra.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, với công suất thiết kế 320MW, có diện tích lưu vực rộng hơn 8.700km².

Trong chuyến kiểm tra thực địa dọc tuyến Quốc lộ 7, đặc biệt tại khu vực eo Vực Bồng (xã Con Cuông), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã lắng nghe báo cáo của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương về tình hình mưa lũ, nguy cơ sạt lở và diễn biến tại các hồ, đập thủy lợi.
Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí Lê Hồng Vinh yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân tuyệt đối không đánh bắt cá, trục vớt gỗ hay qua lại dọc sông nhằm phòng tránh tai nạn đáng tiếc; bố trí nhân lực, phương tiện, đặc biệt là tàu, ca nô để hỗ trợ di dời, tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hồ, đập, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố tiềm ẩn, vận hành bảo đảm an toàn công trình.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã đến kiểm tra cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng - dự án thủy lợi, thủy điện trọng điểm của khu vực, được xây dựng trên sông Hiếu.

Hồ có diện tích lòng hồ khoảng 25 km², chủ yếu thuộc các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn (cũ) của Nghệ An và một phần huyện Như Xuân (cũ) của Thanh Hóa. Công trình đầu mối đặt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (cũ), nay là xã Tam Hợp, tỉnh Nghệ An.
Ở giai đoạn 1, hồ có dung tích thiết kế 225 triệu m³, với 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và một nhà máy thủy điện công suất 45 MW. Dự án được Chính phủ yêu cầu hoàn thành, đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2025.
Tại hiện trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An Nguyễn Hào cho biết: Ngày 22/7, do mưa lớn nên mực nước thượng lưu hồ đạt 71,1m, cao hơn ngưỡng tràn bê tông (63,6m). Hiện hồ chưa tích nước nên đang tiêu tự do qua các cửa. Công trình vẫn vận hành bình thường, đảm bảo an toàn.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp các địa phương kịp thời rà soát, nắm bắt khu vực thượng nguồn hồ chứa nước Bản Mồng; qua đó kịp thời di dời gần 90 hộ dân tại xã Châu Bình thuộc huyện Quỳ Châu cũ đến nơi an toàn.
Dọc Quốc lộ 48 đoạn qua xã Châu Bình bị ngập cục bộ 600m vào sáng sớm nay và hiện còn khoảng 350m, độ sâu ngập trung bình 1,5m. Tại đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã bố trí 2 xuồng máy túc trực từ sáng để vận chuyển, hỗ trợ người dân qua lại.

Qua kiểm tra tại thực địa và nghe báo cáo, sau 2 giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó đã qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành và địa phương chuyển trọng tâm sang giai đoạn 3 (khắc phục hậu quả sau mưa lũ); trong đó các lực lượng phải phối hợp bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng, không để ai thiếu thốn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân; đồng thời nhanh chóng khôi phục đời sống và sản xuất.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 tại miền Tây Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả (sông Lam) nhấn mạnh yêu cầu triển khai đồng bộ, khẩn trương các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là đập thủy điện Bản Vẽ - hồ chứa lớn nhất khu vực.