Cử tri huyện Nghi Lộc đề nghị niêm yết công khai mức giá đền bù trong giải phóng mặt bằng
(Baonghean.vn) - Tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, cử tri xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc phản ánh nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và dự án Khu công nghiệp Hemaraj.
Chiều 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Sau khi nghe Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền thông tin những nội dung chính tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, không khí buổi tiếp xúc trở nên "nóng" lên bởi vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và dự án Khu công nghiệp Hemaraj.
Nóng vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng nhằm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, ông Nguyễn Công Dương (xóm 6, Nghi Long) cho rằng công tác kiểm kê, áp giá, chi trả hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A chưa thỏa đáng. Thực tế còn xuất hiện thực trạng: trên cùng một thửa đất có hộ được đền bù, có hộ không được đền bù. Mức giá đền bù cũng có nhiều uẩn khúc, hộ được đền bù ít, hộ được đền bù nhiều. Vì vậy, các cử tri kiến nghị chính quyền địa phương cần niêm yết công khai mức giá đền bù để người dân được hiểu, được biết.
Cử tri Đinh Văn Tùng (xóm 3, xã Nghi Long) kiến nghị cần niêm yết công khai mức giá đền bù trong giải phóng mặt bằng để người dân được hiểu rõ. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Các cử tri Hoàng Văn Lục (xóm 2), Nguyễn Bá Đông (xóm 12), Đinh Văn Tùng (xóm 3) kiến nghị lập hồ sơ bồi thường với các hộ dân tại khu vực Đồng Đập - phía Tây kênh Long Thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu công nghiệp Hemaraj. Các cử tri cho biết, đây là đất sản xuất nông nghiệp đã gắn bó với người dân trong một thời gian dài, có nhiều diện tích là đất do người dân khai hoang.
Cử tri Nguyễn Văn Sáng (xóm 2) cho rằng, gia đình mình có hơn 3.800m2 đang canh tác lúa thuộc khu vực Nghĩa trang Chợ Trụt bị giải tỏa mặt bằng mà không được chính quyền giải thích cũng như thông báo trước khi thi công là chưa thỏa đáng.
Một số vấn đề khác liên quan đến mức phụ cấp cho các đối tượng chính sách, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cũng đã được cử tri đề cập, phản ánh.
Thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Nhật Tuấn |
Làm rõ một số nội dung cử tri băn khoăn
Tại hội nghị có 16 kiến nghị đề cập đến vấn đề quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường và lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc đã trả lời, giải trình các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của huyện.
Theo đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng hiện đang được thực hiện theo Quyết định 04/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Liên quan đến dự án Khu công nghiệp Hemaraj, đối với kiến nghị lập hồ sơ bồi thường của các hộ dân tại khu vực Đồng Đập phía Tây kênh Long Thuận, đại diện UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Trước năm 1987, khu vực này được người dân các xóm 9, 12, 13, 14 dùng để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1990, sau khi kênh Long Thuận hoàn thành thì phần phía Tây kênh không còn các hộ dân sản xuất nữa do giao thông đi lại không thuận lợi.
Từ năm 1991 đến năm 2015, UBND xã Nghi Long tiến hành quản lý, ký kết hợp đồng thầu khoán với các hộ dân sản xuất nông nghiệp, hàng năm đều thu nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, mặc dù đã hết thời hạn trong hợp đồng nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục sản xuất. Vì vậy không thể tiến hành bồi thường.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, việc kiểm kê, áp giá đều tuân theo các trích đo kỹ thuật được đơn vị có tư cách pháp nhân trực tiếp và độc lập đo đạc. Quy trình thực hiện là: sau khi hồ sơ kiểm kê áp giá hoàn thiện được công khai tại UBND xã và có thông báo cho nhân dân đến kiểm tra. Sau 20 ngày nếu không có khiếu nại, chính quyền địa phương sẽ giao nộp cho Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm định.
Sau thẩm định, các đơn vị này gửi cho UBND huyện, UBND huyện ra quyết định đền bù, Hội đồng đền bù GPMB thi hành quyết định. Vì vậy, có ý kiến của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng cho rằng có sự khuất tất trong trích đo kỹ thuật và kiểm kê áp giá là không có cơ sở.
Kết thúc hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho biết, công tác quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề "nóng" được nhiều cử tri quan tâm. Từ những ý kiến trình bày trong hội nghị, Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp và phản ánh tới các cơ quan chức năng của Quốc hội, những ban, ngành liên quan xem xét, xử lý.